Ngày 19/03/2024, Vietnam Report chính thức công bố Top 10 Công ty bất động sản năm 2024. Theo bảng xếp hạng 10 doanh nghiệp này không biến động so với năm 2023, trong đó 3 doanh nghiệp dẫn đầu vẫn là Vinhomes, Nam Long, Ecopark.
Ngày 19/03/2024, Vietnam Report chính thức công bố Top 10 Công ty bất động sản năm 2024. Theo bảng xếp hạng 10 doanh nghiệp này không biến động so với năm 2023, trong đó 3 doanh nghiệp dẫn đầu vẫn là Vinhomes, Nam Long, Ecopark.
Cụ thể,10 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu 2024, gồm: Công ty Cổ phần (CP) Vinhomes, Công ty CP Đầu tư Nam Long, Công ty CP Tập đoàn Ecopark, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng, Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển xây dựng (DIC), Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia.
Đây là kết quả nghiên cứu độc lập của Vietnam Report, được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan nhằm ghi nhận và tôn vinh những doanh nghiệp trụ cột (key player) của ngành Bất động sản đã và đang nỗ lực hết mình đạt nhiều thành tựu trong việc cung cấp sản phẩm cho khách hàng, tạo dựng được hình ảnh ấn tượng trong mắt công chúng và nhà đầu tư, thể hiện bản lĩnh vững vàng với năng lực tài chính ổn định, sức chống chịu tốt khi phải đối mặt với vô vàn khó khăn.
Các doanh nghiệp được lọc ra từ cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp Việt Nam trong các nghiên cứu xếp hạng của Vietnam Report thuộc ngành Bất động sản với dữ liệu tài chính cập nhật đến ngày 31/12/2023 kết hợp sử dụng phương pháp Media Coding (mã hóa dữ liệu báo chí trên truyền thông), khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan nhằm đưa ra đánh giá tổng hợp, khách quan và đầy đủ nhất về doanh nghiệp xuyên suốt giai đoạn khó khăn vừa qua.
Bước sang năm 2023, kinh tế thế giới và Việt Nam tăng trưởng chậm lại, thu nhập người dân bị ảnh hưởng, cùng với niềm tin vào thị trường bị lung lay, số lượng giao dịch tụt dốc là dấu hiệu cho thấy sự không chắc chắn trong quyết định đầu tư và mua bán tài sản, đưa thị trường Bất động sản trải qua một năm đầy thách thức.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, kể từ sau khi bùng nổ lượng giao dịch Bất động sản vào Q2/2022, thị trường bắt đầu trượt dốc từ Q3/2022 (khi có sự điều chỉnh mạnh mẽ về chính sách nhằm kiểm soát tín dụng ngành Bất động sản, các sai phạm của một số doanh nghiệp lớn bị phát hiện, cùng với trần lãi suất lập đỉnh, thanh khoản lao dốc, thị trường bất động sản rơi vào điểm nghẽn) và duy trì tình trạng khó khăn trong suốt cả năm 2023. Xét tổng số giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền cho tới hiện tại, thị trường đã lập đáy vào Q2/2023 với số giao dịch chỉ bằng 34,38% so với thời kỳ lập đỉnh. Xét riêng nhóm căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, số lượng giao dịch xuống mức thấp nhất trong Q4/2022 (14.349 giao dịch); sự phục hồi còn của nhóm này còn chưa rõ ràng khi số giao dịch có chiều hướng giảm dần trong năm 2023 với lượng giao dịch 6 tháng cuối năm giảm 16,67% so với 6 tháng đầu năm. Đối với nhóm đất nền, tuy xu hướng giảm vẫn là chủ đạo trong giai đoạn 2022-2023 nhưng điểm sáng về sự phục hồi được ghi nhận khi lượng giao dịch 6 tháng cuối năm đã cao hơn 6 tháng đầu năm 28,42%.
Theo thống kê của CBRE, tại Hà Nội có 11.280 căn hộ bán được trong năm 2023, giảm 32% so với năm 2022. Thị trường bất động sản đi xuống nhưng giá căn hộ tại đây lại có chiều hướng gia tăng do nguồn cung khan hiếm, nhiều dự án chưa được gỡ rối kèm theo quỹ đất vốn dĩ đã cạn kiệt trong khu vực trung tâm. Tại TP. Hồ Chí Minh, cả năm 2023 có hơn 7.300 căn hộ chung cư được bán, giảm một nửa so với năm 2022. Khác với Hà Nội, mặt bằng giá căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh có xu hướng chững lại. Cả hai thị trường lớn này đều có xu hướng chung là số lượng giao dịch 6 tháng cuối năm cải thiện so với 6 tháng đầu năm nhờ vào các chính sách tháo gỡ “ngấm dần”, mặt bằng lãi suất cuối năm 2023 trở về mức thấp hơn cả trước đại dịch, chủ đầu tư nâng mức chiết khấu, nhất là trong trường hợp người mua trả thẳng.
Bối cảnh khó khăn của nền kinh tế nói chung và của thị trường Bất động sản nói riêng đã phủ một gam màu xám lên bức tranh tình hình kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp trong ngành. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2023, số doanh nghiệp Bất động sản giải thể tiếp tục gia tăng, lên tới 1.286 doanh nghiệp, tăng 7,7% so với năm 2022 (con số này trong năm 2022 cũng cho thấy mức tăng đáng kể so với các năm trước). Đáng chú ý, ngành kinh doanh Bất động sản có tới 3.705 doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 47,4% so với năm 2022.
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, tỷ lệ doanh nghiệp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận giảm dưới 25,0% trong năm 2023 lần lượt là 41,2% và 16,1%. Trong khi số doanh nghiệp có mức giảm lớn hơn ghi nhận với tỷ lệ lần lượt 14,7% và 25,8%. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục đà giảm của năm 2022, buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, gần một nửa (42,9%) số doanh nghiệp tham gia khảo sát ghi nhận số lượng lao động giảm trong năm 2023.
Trong thời kỳ tăng trưởng nóng của thị trường Bất động sản giai đoạn trước, một thị trường “có hàng là bán” khiến dòng vốn ồ ạt chảy vào là phân khúc nhà ở, căn hộ cao cấp, bất động sản nghỉ dưỡng. Đây là phân khúc sản phẩm có mức lợi nhuận cao hơn cho chủ đầu tư nhưng lại không phải phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực của người dân, vì thế khi có tín hiệu xấu trên thị trường, dòng vốn đầu tư nhanh chóng chuyển qua thị trường khác, lượng hàng tồn kho giá trị lớn tăng cao đẩy hàng loạt doanh nghiệp vào thế khó.
Theo dữ liệu khảo sát của Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), tồn tại một nghịch lý trong phân bổ phân khúc sản phẩm Bất động sản – “kim tự tháp ngược”. Theo đó, nhà ở cao cấp đang chiếm 71,5% thị trường, lấn át hoàn toàn các phân khúc còn lại. Hơn nữa, sự thiếu vắng phân khúc nhà ở bình dân, nhà ở xã hội cho thấy một phân khúc thị trường đang bị bỏ ngỏ, sự chênh lệch cung-cầu đặt ra bài toán cần giải quyết không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn với các cơ quan nhà nước trong xây dựng thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh và bền vững.
Mặc dù nhiều phân khúc của thị trường bất động sản rơi vào điểm nghẽn, nhưng bất động sản công nghiệp vẫn là điểm sáng của thị trường khi tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp tại thị trường cấp 1 khu vực miền Bắc và Nam lần lượt đạt 81,0% và 92,0%. Tính đến nay, Việt Nam có 413 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 87.700 ha. Trong số các khu công nghiệp đã được thành lập, có 295 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63.000 ha và 119 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 24.700 ha.
Khi tỷ lệ lấp đầy tại thị trường cấp 1 tăng cao, nhu cầu sẽ dịch chuyển sang thị trường cấp 2 – các khu công nghiệp đảm bảo tính kết nối và giá thuê thấp hơn thị trường cấp 1. Do đó, các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng dự kiến sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản công nghiệp. Tại miền Bắc có các dự án trọng điểm như Đường Vành đai 4 Hà Nội, Cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng. Tại miền Nam có các dự án trọng điểm như Sân bay Quốc tế Long Thành, Đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, Cao tốc Biên Hòa – Vũng tàu, Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ & Mỹ Thuận 2, Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết – Vĩnh Hảo.
Theo dự kiến, các dự án trên đều có lộ trình hoàn thành, đưa vào khai thác trong giai đoạn 2023 – 2027, tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, hình thành các khu công nghiệp trong mạng lưới cao tốc - đường vành đai. Bên cạnh đó, nhu cầu về bất động sản công nghiệp đối với nhà xưởng/ nhà kho xây sẵn đang tăng cao, dự báo đây sẽ là phân khúc đầy triển vọng, đi cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, thương mại quốc tế và dịch chuyển chuỗi cung ứng sang các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam.
Khó khăn lớn nhất trong công tác triển khai, phát triển dự án là “Tiến trình cấp phép, phê duyệt dự án chậm, số lượng dự án được phê duyệt hạn chế” với 55,6% số doanh nghiệp lựa chọn, theo Khảo sát doanh nghiệp bất động sản của Vietnam Report tiến hành tháng 2/2024. Nguyên nhân trên khiến nguồn cung trên thị trường sụt giảm, ảnh hưởng tiêu cực lan truyền tới các ngành ở mắt xích phía sau như xây dựng và vật liệu xây dựng. Nỗ lực cải thiện nguồn cung được Chính phủ thực hiện qua Nghị quyết số 33/NQ-CP về việc triển khai một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Nghị quyết trên đưa ra giải pháp đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng, cải thiện quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng; ngoài ra còn có các giải pháp về miễn giảm thuế, hỗ trợ vay vốn cho cả doanh nghiệp Bất động sản và người mua… Nhờ đó, số lượng dự án mới được cấp phép trong Q4/2023 đã có có sự nhảy vọt, số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp phép lên tới 11.539 căn, cao gần gấp bốn lần Quý 3 và gần bằng tổng số lượng của ba Quý trước (Hình 4).
Cả năm 2023, quy mô nhà ở thương mại hoàn thành tăng lên 29.612 căn, tương đương mức tăng trưởng 62,6% so với năm 2022. Nhìn xu hướng chung, nguồn cung trên thị trường đã lập đáy vào Q2/2023 và có chiều hướng đi lên về cuối năm cả trong số lượng dự án và quy mô, đây là cơ sở vững cho rằng nguồn cung bất động sản nhà ở thương mại sẽ được cải thiện trong năm 2024, không tăng trưởng nóng để tránh tồn tại một thị trường Bất động sản đầy rủi ro.
Tùng Tâm