Bất động sản Biz

Bức tranh tài chính 9 tháng đầu năm của Tập đoàn PC1

Thứ ba, 12/11/2024 | 06:11 Theo dõi BĐS Biz trên

Mảng kinh doanh nào mang lại lợi nhuận lớn cho PC1?

Tập đoàn PC1 được coi là ông trùm mảng xây lắp điện và liên tục lấn sân sang lĩnh vực mới như sản xuất công nghiệp, đầu tư và kinh doanh bất động sản. Tính đến 30/9/2024, PC1 có 27 công ty con cấp 1, 3, công ty con cấp 2 và có 4 công ty liên kết. Đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, tình hình kinh doanh của PC1 bật tăng mạnh mẽ.

Bức tranh tài chính 9 tháng đầu năm của Tập đoàn PC1

Mới đây nhất, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024, Tập đoàn PC1 ghi nhận doanh thu thuần 2.232 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Nhờ khoản chi phí tài chính giảm mạnh xuống còn 98 tỷ đồng, chủ yếu do chênh lệch tỷ giá và chi phí lãi vay giảm. Vì vậy giúp PC1 ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế quý III/2024 đạt 289 tỷ đồng, cao gấp gần 9 lần cùng kỳ.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp mang về 7.538 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 47% so với cùng kỳ.

Về cơ cấu, mảng xây lắp, cung cấp thiết bị điện và xây dựng hạ tầng khu công nghiệp đóng góp 2.457 tỷ đồng; sản xuất công nghiệp 1.229 tỷ đồng; bán tinh quặng 1.431 tỷ đồng; doanh thu bán điện 1.197 tỷ đồng. Bốn mảng kinh doanh chính này đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, đặc biệt mảng khai khoáng tăng 165%.

Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt 578 tỷ đồng, cao gấp 6,2 lần so với cùng kỳ.

Năm 2024, PC1 đặt mục tiêu doanh thu 10.822 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 525 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã lần lượt hoàn thành 70% và 110% kế hoạch năm.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo PC1 đã cho biết sẽ tập trung ưu tiên phát triển mảng bất động sản và xây dựng, tiếp đến là mảng khai thác khoáng sản và sản xuất điện. Trong đó, mảng bất động sản dân dụng của PC1 hiện có 5 dự án đều ở Hà Nội.

Bức tranh tài chính 9 tháng đầu năm của Tập đoàn PC1

Theo Chứng khoán SSI, mảng bất động sản dự kiến sẽ không tác động lớn đến tăng trưởng lợi nhuận hoạt động của PC1 trong năm 2024 do các dự án đang chờ được phê duyệt cấp phép. Các dự án này có nguy cơ kéo dài đến sau năm 2025, do các văn bản pháp lý ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của các dự án này vẫn chưa được phê duyệt, chẳng hạn như quy hoạch đô thị Hà Nội và đề xuất thí điểm các dự án nhà ở thương mại sử dụng đất phi nhà ở theo luật đất đai.

Đơn vị chứng khoán đánh giá, những dự án này rất tiềm năng do quỹ đất và vị trí thuận lợi, nhưng tính khả thi và tiến độ cần được theo dõi chặt chẽ khi ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong 3 năm tới của PC1.

Với bất động sản công nghiệp, KCN Nhật Bản - Hải Phòng giai đoạn 2 tại TP Hải Phòng rộng 200 ha đang chờ hoàn thiện cấp phép, dự kiến có giấy phép cuối năm nay.

Tình hình tài chính ghi nhận nhiều chuyển biến

Kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng, song tình hình tài chính tại PC1 trong 9 tháng đầu năm cũng ghi nhận nhiều chuyển biến.

Tại ngày 30/9/2024, tổng tài sản tại PC1 đạt hơn 21.021 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu tài sản có điểm đáng chú ý khi quỹ tiền rất lớn, đạt hơn 3.100 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm, chiếm 15% tổng tài sản của doanh nghiệp. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng tới 24% lên hơn 3.440 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng tăng 24% ghi nhận hơn 1.429 tỷ đồng, trong đó chi phí dở dang kinh doanh bất động sản ghi nhận 603 tỷ đồng, cao gấp 21 lần so với đầu năm. Chi phí dở dang xây dựng các khu công nghiệp đạt 390 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, tính đến cuối tháng 9/2024, nợ phải trả tại PC1 đạt 13.395 tỷ đồng, cao gấp 1,75 lần vốn chủ sở hữu (gần 7.627 tỷ đồng).

Đáng chú ý, nợ vay tại PC1 chiếm tới 83% nợ phải trả, ghi nhận hơn 11.129 tỷ đồng, gồm hơn 3.332 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và hơn 7.796 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Trong kỳ, Tập đoàn PC1 đẩy mạnh việc vay mượn, dòng tiền đi vay đạt 6.065 tỷ đồng, tăng 63% với cùng kỳ.

Bức tranh tài chính 9 tháng đầu năm của Tập đoàn PC1
Nguồn: BCTC hợp nhất quý III/2024 tại Tập đoàn PC1.
 

Theo thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất, về các khoản nợ vay ngắn hạn, Tập đoàn PC1 vay nhiều nhất tại Vietinbank với hơn 1.013 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm. Tiếp đến là BIDV hơn 394 tỷ đồng, Vietcombank hơn 284 tỷ đồng, ngân hàng VIB gần 155 tỷ đồng, ngân hàng TNHH MTV HSBC hơn 122 tỷ đồng,... Tại thời điểm cuối kỳ, các khoản vay ngắn hạn này không có tài sản bảo đảm.

Về khoản nợ vay dài hạn tại các ngân hàng, tổ chức tài chính đều có tài sản bảo đảm gồm các dự án thủy điện, điện gió, quặng.

Theo đó, Tập đoàn PC1 vay tại Vietcombank hơn 262 tỷ đồng có tài sản bảo đảm là tài sản hình thành từ dự án Thủy điện Bảo Lâm 3; vay BIDV hơn 412 tỷ đồng thông qua ba khoản vay. Tài sản đảm bảo là các tài sản hình thành từ dự án thủy điện Trung Thu, thủy điện Sông nhiệm 4; Vietinbank cho vay hơn 2.059 tỷ đồng thông qua 6 khoản vay. Tài sản đảm bảo gồm các tài sản hình thành dự án Thủy điện Bảo Lâm 1, Mông Ân, Bảo Lâm 3A, Bảo Lạc B, nhà máy mạ kẽm Thái Nguyên. Ngoài ra, PC1 còn vay dài hạn tại Vietinbank hơn 785 tỷ đồng (đây là khoản vay mới). Tài sản đảm bảo là tài sản hình thành từ dự án Tháp vàng, Phú Thị.

Thông tin từ Chứng khoán BVSC, trong quý II vừa qua, Tập đoàn PC1 đã trúng đấu giá dự án Khu dân cư Tháp Vàng tại huyện Gia Lâm, TP Hà Nội với tổng mức đầu tư khoảng 1.536 tỷ đồng. BVSC ước tính PC1 sẽ chính thức mở bán vào năm 2025, đồng thời ghi nhận kết quả kinh doanh vào giai đoạn 2025 - 2026, đem về 85 tỷ lãi sau thuế mỗi năm. Dự án Khu dân cư Tháp Vàng có tổng diện tích khoảng 5,2ha, trong đó khu đất liền kề chiếm 1,5ha. Hiện doanh nghiệp đang thế chấp dự án này tại Vietinbank.

Bức tranh tài chính 9 tháng đầu năm của Tập đoàn PC1
Cận cảnh nơi sắp làm khu liền kề hơn 1.500 tỷ của PC1 ở Gia Lâm. (nguồn ảnh: Hạ Vũ)
 

Đặc biệt, Tập đoàn PC1 vay ngân hàng ngoại Asian Development Bank hơn 1.727 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là tài sản hình thành dự án điện gió Liên Lập, Phong Huy, Phong Nguyên. Ngoài ra, PC1 còn vay nợ dài hạn tại nhiều tổ chức tài chính nước ngoài.

Bên cạnh đó, PC1 còn huy động vốn từ kênh trái phiếu, ghi nhận 1.200 tỷ đồng qua 2 lô trị giá 300 tỷ và 900 tỷ đồng. Cả hai lô trái phiếu đều phát hành trong năm 2022, đáo hạn vào năm 2027.

Tại thời điểm 30/9, trái phiếu được đảm bảo bởi một số cổ phiếu phổ thông của Tập đoàn PC1 do cá nhân có liên quan nắm giữ và một số cổ phiếu phổ thông của CTCP Thủy điện Trung Thu và CTCP Đầu tư Năng lượng miền Bắc do tập đoàn PC1 sở hữu.

Mục đích phát hành trái phiếu dài hạn là để đầu tư vào lĩnh vực phát triển bất động sản khu công nghiệp thông qua việc nhận chuyển nhượng cổ phần của CTCP Western Pacific từ các cổ đông hiện hữu và mua cổ phần phát hành mới.

Bức tranh tài chính 9 tháng đầu năm của Tập đoàn PC1
Thông tin lô trái phiếu 900 tỷ đồng của Tập đoàn PC1.
 

Được biết, 9 tháng đầu năm 2024, Công ty liên kết Western Pacific ghi nhận doanh thu 555 tỷ đồng và lợi nhuận 301 tỷ đồng, chủ yếu từ bàn giao 14% diện tích đất thương phẩm tại KCN Yên Phong 2A. Quý III/2024, Western Pacific được cấp chủ trương đầu tư tại KCN Yên Lư giai đoạn 1 (Bắc Giang) và KCN Đồng Văn V (Hà Nam), đang triển khai giải phóng mặt bằng.

Lê Thanh

Theo tudonghoangaynay.vn Copy
Ông Trần Hồ Bắc giữ chức Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC)

Ông Trần Hồ Bắc giữ chức Tổng giám đốc Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC)

Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, HNX: PVS) vừa thông báo thay đổi nhân sự cấp cao.
BCG Land thuộc Tập đoàn Bamboo Capital và Keppel ký kết hợp tác ở lĩnh vực bán lẻ

BCG Land thuộc Tập đoàn Bamboo Capital và Keppel ký kết hợp tác ở lĩnh vực bán lẻ

Công ty Cổ phần BCG Land và Công Ty TNHH Quản Lý Trung Tâm Thương Mại Keppel tổ chức lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác trong lĩnh vực bán lẻ.
Công ty con tỷ đô của Tập đoàn Masan bổ nhiệm CEO mới

Công ty con tỷ đô của Tập đoàn Masan bổ nhiệm CEO mới

Trong bối cảnh tình hình kinh doanh kém lạc quan, Công ty CP Masan High-Tech Materials (Mã: MSR) - công ty con của Tập đoàn Masan (sở hữu 86,4% vốn chính thức) - bổ nhiệm tân Tổng Giám đốc kể từ ngày 1/1/2025 đến ngày 31/12/2029.
Wincommerce - chủ chuỗi siêu thị Winmart đang làm ăn ra sao?

Wincommerce - chủ chuỗi siêu thị Winmart đang làm ăn ra sao?

WinCommerce là công ty con của Tập đoàn Masan với tỷ lệ sở hữu 78,7% vốn. Năm 2023, Wincommerce lỗ gần 600 tỷ đồng trong bối cảnh ngành bán lẻ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, năm 2024 tình hình có sự cải thiện đáng kể, doanh nghiệp đặt mục tiêu có lợi nhuận trong quý cuối năm.
Vì sao Trung Nam Group lỗ gần 8 tỷ đồng mỗi ngày

Vì sao Trung Nam Group lỗ gần 8 tỷ đồng mỗi ngày

Năm 2023, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm hơn 2.878 tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày, công ty lỗ khoảng 7,9 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh 'kém sắc' của Trung Nam Group

Kết quả kinh doanh "kém sắc" của Trung Nam Group

Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) vừa công bố một số chỉ tiêu tài chính năm 2023 với kết quả kinh doanh ảm đạm.
Đầu tư Nam Long lại vừa có thêm 1.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu

Đầu tư Nam Long lại vừa có thêm 1.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu

Từ đầu năm 2024 đến nay, CTCP Đầu tư Nam Long (mã: NLG) đã chào bán thành công 4 lô trái phiếu, hút về 2.500 tỷ đồng với lãi suất cao nhất lên đến 10,11%/năm.
Tập đoàn Hòa Phát: Lợi nhuận mảng nông nghiệp và bất động sản hiện ra sao?

Tập đoàn Hòa Phát: Lợi nhuận mảng nông nghiệp và bất động sản hiện ra sao?

Tại Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG), bên cạnh “nghề tay phải” là sản xuất kinh doanh thép, mảng bất động sản và nông nghiệp hiện là mảng kinh doanh chủ lực.
Bất động sản Biz