Kết thúc năm tài chính 2023, số dư nợ vay tại loạt doanh nghiệp bất động sản như Nam Long, Địa ốc Hoàng Quân, Taseco Land... "phình to" hơn khiến chi phí lãi vay cũng biến động mạnh.
Kết thúc năm tài chính 2023, số dư nợ vay tại loạt doanh nghiệp bất động sản như Nam Long, Địa ốc Hoàng Quân, Taseco Land... "phình to" hơn khiến chi phí lãi vay cũng biến động mạnh.
Năm 2023, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trạng phải gồng mình gánh những khoản vay ở các tổ chức tín dụng để duy trì hoạt động. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn tăng cường phát hành trái phiếu để xoay dòng tiền.
Tính đến cuối tháng 12/2023, CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân (mã: HQC) có tổng nợ phải trả là hơn 2.935 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay tại HQC bất ngờ tăng mạnh 372% so với đầu năm, lên mức 62 tỷ đồng chủ yếu do vay thêm từ bên liên quan.
Cụ thể, HQC phát sinh khoản vay hơn 45 tỷ đồng từ Công ty TNHH Tập đoàn Hoàng Quân. Còn khoản vay ông Vũ Trọng Đắc hơn 12 tỷ đồng và 3 tỷ đồng từ Agribank Thành Đô không đổi so với đầu năm.
Dù có nhiều biến động về dư nợ, song tổng chi phí lãi vay trong năm 2023 của Địa ốc Hoàng Quân lại giảm còn 4,5 tỷ đồng trong khi năm 2022 trả hơn 16 tỷ đồng. Điều này phản ánh phần nào lãi suất cho vay đã hạ nhiệt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi và lãi suất điều hành năm qua giảm liên tục.
Tương tự tại CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD1 (mã: HU1) ghi nhận vợ vay tính đến cuối tháng 12/2023 tăng tới 142% so với đầu năm, hơn 233 tỷ đồng chủ yếu là nợ vay ngắn hạn. Nợ vay tăng mạnh song tiền chi trả lãi vay lại tăng không đáng kể, ghi nhận gần 10 tỷ đồng, tương đương tăng 23%. Số lãi vay đã trả trong năm 2023 tại HU1 tăng không đáng kể chủ yếu do lãi suất cho vay đã hạ nhiệt trong năm qua.
Đặc biệt tại CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land - mã: TAL), năm 2023 mang về 3.238 tỷ đồng doanh thu, tăng 14% so với năm 2022 và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 503 tỷ đồng, tăng 36%. Tuy nhiên, tính đến 31/12/2023, nợ phải trả tăng tới 49% so với đầu năm, với gần 6.039 tỷ đồng. Trong đó, điều bất ngờ chính là nợ vay đã tăng tới 180% so với đầu năm, từ 1.165 tỷ đồng lên gần 3.263 tỷ đồng, chiếm 54% nợ phải trả và chiếm 32% nguồn vốn. Tổng nợ vay bao gồm nợ vay ngắn hạn tăng 20% lên mức 1.126 tỷ đồng và nợ vay dài hạn tăng gấp 9,4 lần so với đầu năm, từ 226 tỷ đồng lên hơn 2.136 tỷ đồng.
Nợ vay tại Taseco Land tăng cao khiến chi phí lãi vay trong năm 2023 cao gấp 5,5 lần so với cùng kỳ, chạm mốc 95 tỷ đồng
Gánh nặng nợ vay tăng mạnh trong khi tồn kho cũng tăng 56% so với đầu năm, chiếm 37% tổng tài sản, ghi nhận 3.813 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền kinh doanh năm 2023 cũng âm hơn 1.557 tỷ đồng trong khi năm 2022 chỉ âm hơn 218 tỷ đồng.
Có thể thấy, mặc dù lãi lớn nhưng rủi ro lớn nhất với Taseco Land chính là gánh nặng nợ vay ngày càng lớn trong khi tồn kho bất động sản tăng mạnh, âm dòng tiền kinh doanh.
Một doanh nghiệp bất động sản nhà ở khác là CTCP Đầu tư Nam Long (Mã: NLG) cũng ghi nhận nợ vay tăng.
Tính đến 31/12/2023, nợ vay tại Nam Long tăng 18% so với đầu năm, ghi nhận hơn 6.107 tỷ đồng, bao gồm hơn 3.705 tỷ đồng vay dài hạn và 2.402 tỷ đồng vay ngắn hạn. Nợ vay ngân hàng chiếm tỷ trọng 51%, còn lại là trái phiếu dài hạn.
Phần lớn các khoản vay tín dụng của Nam Long có lãi suất dao động 6,3 - 8,7%/năm đối với tổ chức tín dụng trong nước và 4,4 - 7%/năm đối với ngân hàng ngoại và tất cả đều có tài sản bảo đảm.
Do đó, năm 2023, Nam Long phải bỏ ra hơn 304 tỷ đồng cho chi phí lãi vay trái phiếu và ngân hàng.
Đáng lưu ý, ngoài gánh nặng nợ vay tăng mạnh, hàng tồn kho tại Nam Long cũng tăng đáng kể, ghi nhận hơn 17.300 tỷ đồng (chủ yếu ở bất động sản dở dang), tăng 17% so với đầu năm, chiếm 60% tổng tài sản. Hơn nữa, báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty cho thấy, Nam Long đã duy trì dòng tiền kinh doanh âm hai năm liên tục với 2.186 tỷ đồng vào cuối năm 2023.
Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có 4 lần hạ lãi suất điều hành, với mức giảm 50 điểm cơ bản ở một số lãi suất chủ chốt như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất trên thị trường mở (kênh OMO) và 25 điểm cơ bản cho trần lãi suất huy động dưới 6 tháng.
Ở một diễn biến khác, phát biểu tại diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh mong muốn các doanh nghiệp bất động sản cần chủ động giảm đòn bẩy tài chính và hạn chế đầu tư dàn trải.
Theo ông Sinh, dư nợ tín dụng bất động sản tăng so với giai đoạn trước cho thấy nguồn tài chính đổ vào thị trường đã bắt đầu sôi động hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa nguồn vốn, bên cạnh tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…
Đồng thời, việc huy động vốn cần gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể, giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải; đầu tư cần tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản.
Hoàng Trang - Huy Tùng