Càng vào cuối năm 2023, các doanh nghiệp bất động sản có động thái thoái vốn ở những khoản đầu tư công ty con, công ty liên kết nhằm cải thiện tình hình kinh doanh, tái cấu trúc nguồn vốn.
Càng vào cuối năm 2023, các doanh nghiệp bất động sản có động thái thoái vốn ở những khoản đầu tư công ty con, công ty liên kết nhằm cải thiện tình hình kinh doanh, tái cấu trúc nguồn vốn.
Năm 2023, thị trường địa ốc gặp nhiều biến động khiến việc thực hiện kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, để hoàn thành các kế hoạch đề ra, càng về cuối năm các doanh nghiệp ồ ạt thoái vốn công ty con, công ty liên kết nhằm cải thiện tình kinh kinh doanh, giúp tái cấu trúc nguồn vốn.
Đơn cử, vào cuối tháng 11/2023, CTCP Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land - mã: TAL) đã ký hợp đồng có điều kiện với VIETNAM Investment R Limited để chuyển nhượng 100% cổ phần CTCP Đầu tư TAH. Theo BCTC hợp nhất quý 3/2023 của Taseco Land, giá trị đặt cọc mua cổ phần liên quan đến công ty con này tính đến 30/09/2023 xấp xỉ 710 tỷ đồng.
Việc nhận khoản tiền đặt cọc và ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần Công ty TAH đồng nghĩa Taseco Land sẽ rút lui khỏi dự án tổ hợp văn phòng kết hợp thương mại dịch vụ trên ô đất B2CC4 mới nhận từ Công ty TNHH Phát triển THT cách đây 1 năm. Tính đến 30/9/2023, dự án B2CC4 khu đô thị Tây Hồ Tây được Taseco Land hạch toán gần 602 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm.
Dự án được xây dựng trên ô đất B2CC4, với diện tích hơn 1,1 ha, tầng cao công trình 23 tầng, thuộc dự án khu trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây - giai đoạn 1, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội. Tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, thời hạn 56 năm, kể từ năm 2006. Tiến độ thực hiện dự kiến hoàn thành vào năm 2024.
Việc phải bán ra tài sản giá trị tích lũy nhiều năm có lẽ do tình kinh kinh doanh tại Taseco Land không mấy khả quan, dòng tiền gặp khó. Theo số liệu mới nhất, trong 9 tháng đầu năm 2023, do chi phí đồng loạt tăng cao đã khiến lợi nhuận sau thuế giảm 46% so với cùng kỳ, còn hơn 26 tỷ đồng.
Tính đến 30/9/2023, Taseco Land "sở hữu" hơn 2.700 tỷ đồng nợ vay, tăng thêm gần 1.600 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Đặc biệt là số nợ vay ngân hàng gấp đôi đầu kỳ, hơn 1.900 tỷ đồng. Chủ yếu vay từ Ngân hàng VietinBank chi nhánh Thanh Xuân và Ngân hàng MBB chi nhánh Thăng Long. Ngoài ra, Taseco Land còn phát sinh thêm tổng cộng hơn 600 tỷ đồng các khoản vay các bên liên quan, vay tổ chức cá nhân khác và trái phiếu dài hạn.
Một doanh nghiệp bất động sản khác là CTCP Vạn Phát Hưng (mã: VPH) ngày 21/12/2023 cũng đã thông qua việc bán toàn bộ gần 9 triệu cổ phần công ty con là CTCP Thương mại dịch vụ Du lịch C.T.C, tương đương 99,8% vốn điều lệ công ty con này.
Việc chuyển nhượng sẽ được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày được thông qua, tức hạn cuối là 20/01/2024. VPH mong muốn có thể thu về ít nhất 180 tỷ đồng, bằng với giá gốc khoản đầu tư mà VPH đã đầu tư vào.
Theo tìm hiểu, C.T.C thành lập từ năm 2002, hoạt động chính trong mảng Kinh doanh bất động sản; cho thuê kho bãi, xây dựng dân dụng. Vào năm 2017, Vạn Phát Hưng đã mua lại C.T.C để làm dự án. Báo cáo thường niên của Vạn Phát Hưng cho biết, C.T.C sở hữu quỹ đất 24.209 m2 mặt tiền đường Trường Lưu, phường Long Trường, quận 9, TP HCM.
Tên thương mại của dự án này là Khu dân cư C.T.C, gồm 113 căn nhà liền kề rộng 82 - 330 m2, cao 4 tầng. Giá trị mua lại thời điểm đó là hơn 114 tỷ đồng. Báo cáo thường niên năm 2022 của Vạn Phát Hưng cho biết, dự án C.T.C Trường Lưu đang hoàn thiện đầu tư hạ tầng và thi công móng cọc.
Đây cũng là lần thoái vốn thứ hai từ đầu năm 2023 của Vạn Phát Hưng. Hồi tháng 6/2023, Vạn Phát Hưng quyết định thoái 1,6 triệu cổ phần, tương ứng 40% vốn của CTCP Xây dựng Thuận Hưng, với tổng giá trị chuyển nhượng 35 tỷ đồng, tương ứng 21,875 đồng/cp, qua đó không còn là cổ đông tại công ty này.
Liên tục quyết định thoái toàn bộ vốn hai công ty trong năm 2023 của Vạn Phát Hưng có lẽ đến từ kết quả kinh doanh “ảm đạm”. Cụ thể, lợi nhuận quý 3 âm 19,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 5 tỷ đồng. Công ty cho biết, nguyên nhân chính là do không phát sinh doanh thu về hoạt động chuyển nhượng bất động sản trong khi các chi phí khác vẫn tương đương so với cùng kỳ.
Quý 3 lỗ nặng khiến kết quả lãi ròng lũy kế 9 tháng của Vạn Phát Hưng “đảo dấu” từ dương sau soát xét bán niên sang thành âm đến 18,4 tỷ đồng. Doanh thu lũy kế cũng giảm tới 65%, còn hơn 46 tỷ đồng. Chưa hết, cuối quý 3/2023, việc liên tục chi ra nhiều hơn thu vào khiến dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của VPH âm “nặng” 368 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 10 năm qua, đe dọa đến khả năng “hoạt động liên tục” của Công ty.
Cuối tháng 9/2023, CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (mã: NVT) cũng đã hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ hơn 12% vốn CTCP Du lịch Tân Phú. NVT từng cho biết mục đích chuyển nhượng khoản vốn đầu tư dự án Emeralda Ninh Bình Resort là nhằm cơ cấu và nâng cao năng lực tài chính. Một trong những dự án nổi bật nhất của Du lịch Tân Phú là Emeralda Ninh Bình Resort, việc NVT “dứt tình” với Du lịch Tân Phú cũng đồng nghĩa với việc NVT chính thức rút lui khỏi dự án trên.
Có thể thấy, các doanh nghiệp bất động sản phải chấp nhận 'bán mình' để xoay chuyển nghịch cảnh. Trước đó, Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt (mã: PDR), trong giai đoạn cao điểm khó khăn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty - ông Nguyễn Văn Đạt cho biết đã “bán rẻ tài sản 3.000 tỷ đồng với giá chỉ 2.000 tỷ đồng” để có tiền xoay xở.
Đặc biệt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã: QCG) cũng đang cân nhắc bán dự án thủy điện ở Gia Lai - một mảng đang “hái ra tiền” để xử lý các vấn đề tài chính hiện tại.
Hoàng Trang - Huy Tùng