Giữa cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngân hàng Nam A Bank và HDBank lại có động thái ngược thị trường giảm lãi suất tại nhiều kỳ hạn.
Giữa cuộc đua tăng lãi suất tiết kiệm chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngân hàng Nam A Bank và HDBank lại có động thái ngược thị trường giảm lãi suất tại nhiều kỳ hạn.
Từ đầu năm đến nay, trong khi hàng loạt ngân hàng tiếp tục đua nhau tăng lãi suất huy động thì hiếm hoi có ngân hàng lại có động thái giảm lãi suất.
Theo đó, từ đầu tháng 9/2022, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) thông báo giảm lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn, áp dụng từ ngày 7/9/2022. Trong đó, lãi suất tiết kiệm thông thường tại hình thức trả lãi cuối kỳ có lãi suất nằm trong phạm vi từ 3,95%/năm đến 6,30%/năm, kỳ hạn áp dụng từ 1 - 36 tháng. Trong đó mức điều chỉnh dao động từ 0,1 đến 0,4 điểm %, theo cả hai hướng tăng lãi suất và giảm lãi suất.
Cụ thể, khoản tiền gửi tại thời hạn 1 - 5 tháng được nhận lãi suất cùng mức là 3,95%/năm, không đổi so với đầu tháng trước.
Lãi suất ngân hàng niêm yết tại kỳ hạn 6 tháng và 7 tháng cùng giảm 0,15 điểm % xuống mức 5,45%/năm. Trong khi đó ở kỳ hạn 8 - 11 tháng lãi suất giảm mạnh 0,3 điểm % xuống còn 5,60%/năm.
Khoản tiết kiệm có kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng (dưới 500 tỷ đồng) được nhận lãi suất giữ nguyên ở mức 6,50%/năm.
Nam A Bank tiến hành điều chỉnh giảm mạnh tới 0,4 điểm % lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn gửi từ 14 tháng đến 24 tháng. Sau điều chỉnh, lãi suất ngân hàng niêm yết tại kỳ hạn 14 - 17 tháng ghi nhận ở mức 6,2%/năm và lãi suất tại kỳ hạn 18 - 24 tháng cùng ở mức 6,3%/năm.
Với các kỳ hạn gửi 25 - 29 tháng, lãi suất giảm 0,2 điểm % xuống mức 6,3%/năm. Ngân hàng Nam Á cũng áp dụng cùng mức lãi suất 6,3%/năm cho tiền gửi có kỳ hạn 30 - 33 tháng, thấp hơn 0,1 điểm % so với lãi suất ở cùng kỳ hạn vào đầu tháng trước.
Riêng khách hàng tham gia gửi tiết kiệm có kỳ hạn 34 - 36 tháng sẽ được nhận lãi suất cao hơn 0,4 điểm % so với trước. Mức lãi suất tại Nam A Bank triển khai tại các kỳ hạn này là 6,3%/năm.
Mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn ngắn 1 - 3 tuần (7 - 29 ngày) khá thấp ở mức 0,2%/năm. Còn đối với tiền gửi không kỳ hạn, ngân hàng đang áp dụng lãi suất là 0,1%/năm.
Bước sang tháng 9/2022, ngân hàng HDBank cũng có động thái giảm lãi suất tiết kiệm cho một vài kỳ hạn so với trước. Theo đó, lãi suất huy động ngân hàng áp dụng cho kỳ hạn 1 - 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ sẽ dao động từ 3,9%/năm đến 7,15%/năm.
Cụ thể, với tiền gửi tại kỳ hạn 1 - 11 tháng, HDBank quy định lãi suất vẫn giữ nguyên mức 3,9%/năm.
Tại kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng, ngân hàng này tiếp tục chia lãi suất tiền gửi thành hai loại: Loại 1 và loại 2.
Trong đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng loại 1 vẫn được niêm yết lần lượt là 7,1%/năm và 7,15%/năm. Cùng kỳ hạn 12 - 13 tháng, lãi suất loại 2 trong tháng này lại đồng loạt giảm 0,3 điểm %, lần lượt đạt mức 6,2%/năm và 6,3%/năm.
Trong tháng 9, biểu lãi suất tiết kiệm online tại HDBank cũng điều chỉnh giảm tại một số kỳ hạn. Chẳng hạn như, lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng cùng giảm 0,3 điểm %; nhưng với các kỳ hạn còn lại lãi suất ngân hàng vẫn không thay đổi so với tháng trước.
Khác với Nam A Bank và HDBank, nhiều ngân hàng như MBBank, ABank, Sacombank, OCB, Techcombank,.. đã công bố biểu lãi suất mới vào tuần cuối tháng 8, đầu tháng 9 và đều điều chỉnh tăng.
Động thái ngược chiều thị trường của Nam A Bank và HDBank có thể do cân đối vốn của ngân hàng đang ở trạng thái dồi dào hơn so với giai đoạn trước. Trong khi đó, nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động của toàn hệ thống vẫn được dự báo tăng trong thời gian tới.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết đã chính thức điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các ngân hàng, mức nới room cao nhất lên tới 4% dành cho Sacombank. Ngoài ra, Agribank được nới room thêm 3,5% từ ngưỡng 7%; MB được cấp thêm 3,2%; OCB thêm 3,1%; Vietcombank thêm 2,7%; TPBank thêm 1,2%;...
Theo các chuyên gia của SSI Research, sau khi hạn mức tín dụng được nới, áp lực tăng lãi suất huy động trong nửa cuối năm 2022 là hiện hữu, do chênh lệch tăng trưởng tín dụng – tiền gửi hiện ở mức cao và tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước có thể không còn dồi dào nếu đầu tư công bắt đầu được đẩy mạnh.
SSI Research kỳ vọng lãi suất huy động có thể tăng thêm 0,5 - 0,7 điểm cơ bản sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Cả năm, lãi suất huy động kỳ vọng tăng 1 – 1,5%.
Mặt bằng lãi suất tiền gửi đầu vào tăng sẽ kéo theo lãi suất đầu ra tăng theo. Tại tọa đàm "Đầu tư tài chính 2022" mới đâyTS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: "Hãy để mặt bằng lãi suất cho vay tăng khoảng 1%-1,5% từ nay đến cuối năm để kiểm soát lạm phát, đồng thời khẩn trương giúp Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ."
Đến ngày 26/8/2022, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 9,91% so với cuối năm 2021, mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.
Hà Phương