Sang tháng 9/2022, ngân hàng tiếp tục “mạnh tay” tăng lãi suất tiết kiệm, mức cao nhất hiện nay là 8,8%/năm. Đồng thời, nhiều ngân hàng đã đẩy mức lãi suất huy động trên 7%/năm.
Sang tháng 9/2022, ngân hàng tiếp tục “mạnh tay” tăng lãi suất tiết kiệm, mức cao nhất hiện nay là 8,8%/năm. Đồng thời, nhiều ngân hàng đã đẩy mức lãi suất huy động trên 7%/năm.
Từ đầu năm, khi nền kinh tế đang dần phục hồi cũng là lúc hệ thống ngân hàng khuyến khích huy động vốn để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng lớn cho sản xuất kinh doanh. Do đó, các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn. Đặc biệt đối với các khoản tiền gửi lớn và kỳ hạn dài sẽ có lãi suất ở mức cao. Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại nhiều ngân hàng đã vượt qua 7%/năm, thậm chí vượt 8%/năm.
Bước sang tháng 9/2022, lãi suất tiết kiệm tiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh tăng đáng kể so với tháng trước.
Trong đó, ngân hàng MB đã tăng mạnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng thêm 0,95%/năm so với hồi đầu tháng 8, lên 6,7%/năm. Cùng lúc, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 và 12 tháng tăng lần lượt 0,43% và 0,53%, lên 5,3%/năm và 6,1%/năm. Tại kỳ hạn 3 tháng cũng tăng thêm 0,2%/năm lên 3,8%/năm.
Còn tại ngân hàng Sacombank điều chỉnh tăng 0,2%/năm ở khác kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng, 24 tháng đều tăng thêm 0,2%/năm, lên các mức 5,4%/năm, 6,0%/năm, 6,4%/năm.
Hay tại Nam A Bank cũng đã tăng lãi suất tiết kiệm vào cuối tháng 8 đối với hình thức gửi online. Trong đó, kỳ hạn 9 tháng tăng thêm 0,3 điểm % lên mức 6,9%/năm.
Ngân hàng ACB cũng vừa điều chỉnh tăng thêm 0,1%/năm tại một số kỳ hạn. Cụ thể, khách hàng khi gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên với kỳ hạn 6 tháng cho gói "Tài lộc" hay gói "Chọn sống mới, trọn chất tôi" sẽ được hưởng lãi suất tiết kiệm tăng thêm 0,1% so với trước đó, lên 6,1 - 6,2%/năm. Đối với lãi suất tiết kiệm online, ngân hàng áp dụng tại kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng cũng cao hơn 0,1 điểm % so với tháng trước. Tại cá kỳ hạn gửi còn lại lãi suất vẫn được giữ nguyên không đổi.
Tương tự, tại Ngân hàng Bac A Bank, các kỳ hạn ngắn từ 1-5 tháng, lãi suất huy động được điều chỉnh tăng thêm 0,1% lên mức 4%/năm; với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất huy động tăng thêm 0,15% lên 6,5%/năm; các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất cũng được điều chỉnh tăng thêm 0,1% lên 6,9 - 7%/năm, tùy từng kỳ hạn.
Ngân hàng nhỏ như VietBank cũng ghi nhận lãi suất tiết kiệm tăng cao so với đầu tháng trước. Trong đó, tiền gửi tại các kỳ hạn dưới 6 tháng đồng loạt tăng như kỳ hạn từ 1 tháng tăng cao nhất đến 0,4% điểm % so với tháng trước. Còn tại kỳ hạn 2 - 5 tháng điều chỉnh tăng thêm 0,3 điểm %. Vì vậy lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 1 - 5 tháng sau điều chỉnh cùng ở mức 4%/năm.
Đồng thời, gửi tiết kiệm online có kỳ hạn tại VietBank tương tự ghi nhận có sự điều chỉnh tại kỳ hạn 1 - 5 tháng và giữ nguyên tại các kỳ hạn còn lại. Trong đó lãi suất ngân hàng tại kỳ hạn 1 - 5 tháng đồng loạt tăng thêm 0,1 điểm % từ 3,9%/năm lên mức 4%/năm.
Đặc biệt, mức lãi suất huy động cao nhất hiện nay thuộc về Ngân hàng ABBank với 8,8%/năm kỳ hạn 13 tháng, tăng 0,5%/năm so với biểu lãi suất niêm yết trước đó. Đây cũng là mức lãi suất tham chiếu cho các khoản vay tại ABBank.
Tiếp sau là Ngân hàng SeABank với 7,85%/năm. Đây là lãi suất áp dụng cho Chứng chỉ tiền gửi dài hạn bằng VND với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng kỳ hạn 36 tháng. Lãi suất cho sản phẩm này kỳ hạn 24 tháng là 7,7%/năm.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng khác cũng có mức lãi suất tiết kiệm cao trên 7%/năm như Ngân hàng SCB với 7,55%/năm; Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) với 7,3%/năm cho kỳ hạn 36 tháng; Ngân hàng Techcombank với 7,1%/năm cho kỳ hạn 12 tháng;…
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm thuộc nhóm "Big 4" gồm Agribank, BIDV, Vietcombank,VietinBank tiếp tục duy trì tương tự hồi đầu tháng 8 với mức cao nhất là 5,6%/năm.
Trong đó, lãi suất tiết kiệm tại Agribank được duy trì trong phạm vi từ 3,1%/năm đến 5,6%/năm. Ngân hàng triển khai huy động vốn tại kỳ hạn từ 1 tháng đến 24 tháng. Mức lãi suất cao nhất ghi nhận được tại đây là 5,6%/năm, áp dụng với tiền gửi có kỳ hạn 12 - 24 tháng.
Ngân hàng VietinBank triển khai huy động vốn với thời gian linh động từ 1 tháng đến 36 tháng và trên 36 tháng. Phạm vi lãi suất niêm yết cho các kỳ hạn này cũng nằm trong khoảng từ 3,1%/năm đến 5,6%/năm. Nếu khách hàng đăng ký gửi tiết kiệm tại kỳ hạn từ 12 tháng trở lên sẽ được nhận mức lãi cao nhất 5,6%/năm.
Đối với ngân hàng BIDV cũng có cùng khung lãi suất từ 3,1%/năm đến 5,6%/năm với kỳ hạn triển khai 1 - 36 tháng. Cũng giống hai ngân hàng kể trên, khi gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên khách hàng sẽ được hưởng lãi suất cao nhất là 5,6%/năm.
Riêng tại ngân hàng Vietcombank, phạm vi lãi suất tuy ở cùng trong khoảng 3,1%/năm đến 5,6%/năm như các “ông lớn” khác nhưng lãi suất tiền gửi áp dụng ở từng kỳ hạn có ít nhiều khác biệt. Mức lãi suất ngân hàng cao nhất tại Vietcombank là 5,6%/năm chỉ áp dụng tại kỳ hạn 12 tháng. Còn tại các kỳ hạn gửi khác khách hàng sẽ được nhận mức lãi thấp hơn.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 8/2022 của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, lãi suất huy động từ đầu năm tới nay tại nhiều ngân hàng đã tăng từ 0,8 - 1%/năm và dự báo xu hướng này vẫn tiếp diễn. Mặt bằng lãi suất huy động dự báo tăng 1 - 1,5%/năm cho cả năm nay. Trong xu hướng này, người dân gửi tiết kiệm sẽ có lợi hơn so với các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, vàng, trái phiếu.
Xem thêm: Lãi suất cho vay mua nhà biến động ra sao khi lãi suất huy động liên tục tăng?
Hà Phương