Khánh Hòa truy thu 12.000 tỉ đồng dự án BT của Tập đoàn Phúc Sơn; đấu giá đất vùng ven Hà Nội sôi động trở lại; TP HCM thu hồi 6.200m2 “đất vàng” của Việt Hân Sài Gòn… là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong tuần qua
Khánh Hòa truy thu 12.000 tỉ đồng dự án BT của Tập đoàn Phúc Sơn; đấu giá đất vùng ven Hà Nội sôi động trở lại; TP HCM thu hồi 6.200m2 “đất vàng” của Việt Hân Sài Gòn… là những thông tin bất động sản đáng chú ý trong tuần qua
Khánh Hòa truy thu 12.000 tỉ đồng dự án BT của Tập đoàn Phúc Sơn
UBND tỉnh Khánh Hoà vừa có văn bản gửi Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn) về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính tại dự án Khu trung tâm đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch Nha Trang.
Tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Tập đoàn Phúc Sơn khẩn trương thực hiện nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền hơn 11.994 tỉ đồng.
Số tiền này được dựa trên số liệu kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại thông báo số 680 năm 2019 và văn bản mới đây của UBND tỉnh Khánh Hòa.
Sau khi có thông báo của tỉnh Khánh Hòa, Tập đoàn Phúc Sơn đã có phản hồi địa phương.
Theo đó, đại diện tập đoàn này cho rằng, số tiền 11.994 tỉ đồng mà tỉnh thông báo thu hồi chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý để tính toán, xác định, đảm bảo theo nguyên tắc ngang bằng giá trong việc thực hiện đầu tư xây dựng các dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao).
Liên quan đến kiến nghị của Tập đoàn Phúc Sơn, đến nay, UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho Cục Thuế tỉnh tính toán và có cơ sở tham mưu phản hồi kiến nghị của doanh nghiệp theo quy định.
TP HCM thu hồi 6.200m2 “đất vàng” của Việt Hân Sài Gòn
UBND TP HCM mới đây đã ban hành quyết định thu hồi 6.274,5m2 đất thuộc thửa số 6, tờ bản đồ số 17, bộ địa chính phường Bến Nghé, quận 1 do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Xây dựng Việt Hân Sài Gòn (Việt Hân Sài Gòn) nhận chuyển nhượng từ Tổng công ty Lương thực miền Nam - Công ty TNHH một thành viên (Vinafood 2), nay là Tổng công ty Lương thực miền Nam - Công ty cổ phần). Việc thu hồi được thực hiện theo quy định của Luật đất đai.
Trước đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ gửi Thủ tướng, báo cáo kết quả kiểm tra thông tin báo chí phản ánh về sai phạm tại khu "đất vàng" số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh cùng việc khiếu nại của các hộ dân liên quan đến dự án.
Theo đó, năm 2010, sau khi được TP HCM giao dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du và số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh với diện tích hơn 6.200m2 theo dạng nộp tiền sử dụng đất một lần, Vinafood 2 lập tức liên kết, góp vốn với Công ty Việt Hân thành lập Công ty Việt Hân Sài Gòn để thực hiện dự án xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại.
Trong thời gian hợp tác, Vinafood 2 đã 4 lần cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 1647/VPCP-KTN ngày 15/9/2015 (giai đoạn từ sau ngày 15/9/2105 đến ngày 29/1/2016).
Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, Công ty Việt Hân Sài Gòn đã lợi dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) số BB971073 kèm chứng thư xác định trị giá tài sản đảm bảo hơn 7.000 tỉ đồng để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ cùng một lúc cho 7 công ty khác hơn 6.000 tỉ đồng bằng cách lập dự án khống.
Đề xuất bỏ quy định sau 5 năm mới được bán nhà ở xã hội
Tại dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đề xuất phương án bãi bỏ quy định thời hạn sau 5 năm bên mua, bên thuê mua nhà ở xã hội được bán lại nhà ở này.
Cụ thể, Bộ Xây dựng cho biết, quy định cứng phải dành tỷ lệ tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội để cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng dẫn đến tình trạng quỹ nhà ở xã hội để cho thuê để không, lãng phí trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn.
Ngoài ra, Luật Nhà ở hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể về cách tính giá bán lại nhà ở xã hội sau một thời gian mua, thuê mua. Do đó, tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung quy định về nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội theo 2 phương án.
Với phương án 1, cơ bản giữ nguyên quy định của luật hiện hành nhưng có sửa đổi quy định bên mua, bên thuê mua nhà ở xã hội được bán lại nhà ở này sau 5 năm nhưng chỉ được bán lại cho các đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội theo quy định; đồng thời bên bán không phải nộp tiền sử dụng đất và thuế thu nhập cá nhân.
Với phương án 2, bãi bỏ quy định thời hạn được bán lại nhà ở, nhưng bên mua, bên thuê mua nhà ở xã hội chỉ được bán lại nhà ở cho các đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội theo quy định; đồng thời bên bán không phải nộp tiền sử dụng đất và thuế thu nhập cá nhân.
Đấu giá đất vùng ven Hà Nội sôi động trở lại
Những ngày gần đây, thị trường đất đấu giá Hà Nội bắt đầu sôi động trở lại với nhiều phiên đấu giá tại các huyện vùng ven Hà Nội như Đông Anh, Sóc Sơn, Mỹ Đức…
Nhiều khu vực ghi nhận mức giá khởi điểm khá cao, có nơi gần 65 triệu đồng/m2, một số chuyên gia cảnh báo hiện tượng “sốt đất ảo” sau đấu giá có thể sẽ tái diễn. Đơn cử, tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội sắp tổ chức đấu giá 20 thửa đất có mức giá khởi điểm từ 26,5 triệu đồng/m2 đến 64,3 triệu đồng/m2.
Thời gian, địa điểm tổ chức kiểm tra thực địa diễn ra trong hai ngày 26/9 và 27/9. Thời gian, địa điểm đấu giá diễn vào ngày 1/10 tại hội trường Trung tâm chính trị huyện Đông Anh.
Cụ thể, từ thửa đất số 1 đến thửa đất số 11 đều có diện tích 95m2 và có giá khởi điểm là 41 triệu đồng/m2. Còn thửa đất số 12, diện tích 128m2, giá khởi điểm 41 triệu đồng/m2 và phải đặt trước 1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại huyện Mỹ Đức, nhiều lô đất có giá khởi điểm chỉ từ 1 triệu đồng/m2. Cụ thể, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP Hà Nội vừa ra thông báo đấu giá tài sản của Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mỹ Đức. Cụ thể, quyền sử dụng đất ở đối với 8 thửa đất có tổng diện tích 766,8 m2 tại 3 xã Vạn Kim (đội 11 thôn Vạn Phúc), Đại Hưng (đội 6 thôn Trinh Tiết), Lê Thanh (thôn Lê Xá), huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Diện tích các thửa đất từ 80 m2 đến 101,8 m2.
8 thửa đất có mức giá khởi điểm từ 1,04 đến 1,79 triệu đồng/m2. Mỗi bộ hồ sơ đấu giá là 100.000 đồng/hồ sơ/thửa đất. Thời gian, địa điểm bán và tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá từ ngày 15/9 đến 17h ngày 7/10 tại Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mỹ Đức.
Hòa Bình thu hồi đất tại 7 dự án nhà ở
HĐND tỉnh Hòa Bình vừa ban hành văn bản số 173/NQ-HĐND Nghị quyết về việc thông qua danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng năm 2022 trên địa bàn tỉnh (lần 4).
Theo đó, trong danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất có một dự án với diện tích 20ha đất trồng lúa.
Danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất có 28 dự án, với tổng diện tích thu hồi đất 139,39ha, bao gồm: đất trồng lúa 30,42ha; đất khác 108,97ha.
Trong số các dự án này, có 7 dự án nhà ở gồm: Dự án Khu nhà ở Thăng Long Xanh tại xã Quang Tiến, xã Mông Hoá của Công ty TNHH Legacy Hòa Bình (diện tích 55,14ha); Khu đô thị Phúc Tiến Xanh tại xã Quang Tiến (diện tích 49,22ha); Dự án Khu nhà ở tại thôn Cầu Sơn và Đồng Bưng, xã Nhuận Trạch (0,5ha); Dự án đấu giá khu nhà ở Cầu Sơn (Đầm Rái) xã Nhuận Trạch (1ha); Dự án Khu nhà ở bên bờ sông Bùi, huyện Lương Sơn (giai đoạn 2) xã Tân Vinh (0,1ha); Dự án Khu nhà tái định cư nhà máy xi măng Trung Sơn xã Liên Sơn (2,9ha); Dự án xây dựng hạ tầng khu tái định cư các dự án trên địa bàn huyện xã Hoà Sơn (7ha).
Xem thêm: Trung Nam Group vay thêm 530 tỷ đồng trái phiếu khi đến hạn trả nợ trái phiếu 600 tỷ đồng
Ngọc Lan