Hiện tại, cả 4 ngân hàng quốc doanh (Big4) đều có chương trình vay ưu đãi, giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng. Mức giảm cao nhất lên tới 3%/năm, áp dụng cho khoản vay kinh doanh bất động sản.
Hiện tại, cả 4 ngân hàng quốc doanh (Big4) đều có chương trình vay ưu đãi, giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng. Mức giảm cao nhất lên tới 3%/năm, áp dụng cho khoản vay kinh doanh bất động sản.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, khách hàng có dư nợ vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm ngày 31/1/2023 gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hoặc do ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô sẽ được xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất.
Cụ thể, khoản vay kinh doanh bất động sản có thể được điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ.
Thời gian thực hiện điều chỉnh lãi suất tối đa đến 31/12/2023 và thời gian áp dụng lãi suất điều chỉnh kéo dài từ 31/01/2023 đến hết ngày 31/12/2024.
Dự kiến trong năm 2023, Agribank tiếp tục dành hơn 100.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi lãi suất đối với khách hàng doanh nghiệp, khách hàng xuất nhập khẩu, ngành y tế, ngành giáo dục; giảm lãi suất đối với các đối tượng khách hàng thuộc lĩnh vực ngành nghề gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh…
Trước đó, năm 2022, Agribank đã thực hiện chính sách cơ cấu nợ, hỗ trợ lãi suất 2%/năm; chủ động tiết giảm 2.000 tỷ đồng để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ gần 2,2 triệu khách hàng cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất quy mô 160.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19...
Trước đó, Vietcombank cam kết giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới ngay từ đầu năm 2023. Thời gian từ 1/1/2023 đến hết 30/4/2023, áp dụng cho khách hàng cá nhân và tổ chức có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới tại ngân hàng, trừ nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...
Cũng áp dụng đến hết 30/04/2023, BIDV triển khai gói vay ngắn hạn với quy mô 30.000 tỷ đồng. Khách hàng tham gia gói vay phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 8%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng; hoặc chỉ từ 9%/năm đối với các khoản vay từ 6-12 tháng.
Ở nhóm tư nhân, nhiều ngân hàng đã tiên phong giảm lãi suất. Từ ngày 10/2, MB giảm 1% lãi suất vay cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ.
Sacombank vừa thông báo triển khai ưu đãi lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp trên toàn quốc. Khách hàng cá nhân vay vốn với mục đích sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm cả sản xuất nông nghiệp) hoặc tiêu dùng phục vụ đời sống, Sacombank áp dụng mức lãi suất tối thiểu chỉ từ 8,99%/năm.
Sacombank áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vốn để thanh toán hàng nhập khẩu, làm hàng xuất khẩu.
SeABank vừa tung gói ưu đãi 3.000 tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay tối đa 1%/năm cho các khoản vay ngắn hạn phục vụ mục đích kinh doanh. Gói ưu đãi giảm lãi suất cho vay tối đa 1%, tối đa 12 tháng. Các khoản vay phục vụ sản xuất và thương mại trong các lĩnh vực như chăn nuôi, nông, lâm, ngư nghiệp sẽ được giảm 1%/năm so với lãi suất cho vay hiện hành của ngân hàng. Ngoài ra, SeABank cũng giảm 0,5%/năm cho các khoản vay kinh doanh không thuộc lĩnh vực nêu trên.
Trước đó, SeABank đã triển khai chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất từ Ngân sách Nhà nước, hỗ trợ 2%/năm lãi suất vay cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Ngân hàng cũng triển khai các chương trình hỗ trợ lãi suất lên đến 2% cho nhiều lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu và các doanh nghiệp có nhu cầu tín dụng xanh.
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh trách nhiệm của các doanh nghiệp bất động sản trong tình hình hiện nay.
"Lúc làm ăn có lãi bù trừ với lúc làm ăn thua lỗ. Không thể lúc nào cũng có lãi được, không thể khó khăn cũng đòi có lãi, không có ai nắm tay đến tối, gối tay đến sáng, phải góp phần vì cái chung", Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, các doanh nghiệp cần có hướng giải quyết khó khăn do chính mình gây ra do dự báo không sát, đầu tư vốn không hiệu quả như cần cấu trúc lại các phân khúc, giá cả hợp lý, hướng tới kinh doanh có lãi nhưng hài hòa.
Ngọc An