Những tin ngân hàng nổi bật tuần qua như: VIB bị xử lý vi phạm về thuế gần 10 tỷ đồng; Yêu cầu ngân hàng bán bảo hiểm phải ghi âm nội dung tư vấn; VietinBank muốn huy động 9.000 tỷ đồng từ trái phiếu để cho vay khách hàng;...
Những tin ngân hàng nổi bật tuần qua như: VIB bị xử lý vi phạm về thuế gần 10 tỷ đồng; Yêu cầu ngân hàng bán bảo hiểm phải ghi âm nội dung tư vấn; VietinBank muốn huy động 9.000 tỷ đồng từ trái phiếu để cho vay khách hàng;...
Ngân hàng Agribank - chi nhánh Tràng An vừa thông báo thu giữ tài sản đảm bảo của Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại THM- Concrete (THM- Concrete), một công ty thành viên thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, để thu hồi nợ.
Cụ thể, Agribank cho biết do bên bảo đảm là THM- Concrete đã vi phạm thời hạn bàn giao tài sản bảo đảm theo thông báo về việc tự nguyện bàn giao để xử lý thu hồi nợ của Agribank chi nhánh Tràng An. Do đó Agribank chi nhánh Tràng An thu giữ/tiếp quản tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ xấu theo quy định tại hợp đồng bảo đảm đã được ký kết.
Theo thông báo của Agribank, khoản nợ của THM- Concrete tính đến thời điểm 1/12/2022 là gần 28,3 tỷ đồng và hiện đang bị xếp vào nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).
Tài sản đảm bảo bị thu giữ gồm: 1 xe ô tô con 5 chỗ hiệu Mazda, sản xuất năm 2018; 2 xe ô tô hiệu Ford Ranger, cùng sản xuất năm 2018; 30 xe trộn bê tông cùng được sản xuất năm 2019; 2 máy xúc lật bánh lốp hiệu Liugong, sản xuất năm 2018; 1 trạm trộng bê tông công suất 180m3/h hoạt động từ năm 2018; 1 công trình trạm biến áp 1000kVA-35(22)/0,4kV hoạt động từ năm 2018; 1 máy phát điện sản xuất năm 2018; 1 hệ thống thiết bị làm mát nước; và máy đào bánh xích hiệu HITACHI, sản xuất năm 2018.
Agribank cho hay, việc thu giữ sẽ bắt đầu từ 10h00 ngày 2/12/2022 cho đến khi hoàn thành xong việc thu giữ/tiếp quản tài sản bảo đảm. Địa điểm thu giữ được thực hiện tại Hà Nội.
Tin ngân hàng tuần qua gây chú ý là sự việc ngày 29/11, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) nhận được quyết định của Tổng Cục Thuế về việc xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, thời gian thanh tra về thuế tại VIB cho kỳ quyết toán từ năm 2019 đến năm 2021, VIB bị xử phạt về thuế hơn 9,7 tỷ đồng và nhà băng này đã nộp đủ số tiền trên vào ngân sách Nhà nước.
Theo VIB, số tiền thuế bổ sung chủ yếu do doanh thu ghi nhận trễ kỳ, làm tăng lợi nhuận trước thuế các năm 2019, 2020 và 2021 và tăng thuế phải nộp tương ứng.
Về tình hình kinh doanh, VIB cho biết trong 10 tháng 2022, ngân hàng đã đạt lợi nhuận trước thuế 8.715 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với cùng kỳ năm ngoái, và vượt 9% lợi nhuận cả năm 2021. VIB dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế hơn 10,500 tỷ đồng trong năm 2022, tăng trưởng 31% so với năm trước.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2022, tổng tài sản của VIB tăng hơn 10% lên mức 340.910 tỷ đồng. Trong đó cho vay khách hàng chiếm 189.033 tỷ đồng, tăng gần 9% so đầu kỳ. Tương ứng tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,35%.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank – Mã: CTG) vừa thông qua việc sửa đổi phương án phát hành, phương án sử dụng và trả nợ vốn thu được từ các đợt phát hành trái phiếu ra công chúng 2022.
Cụ thể, ngân hàng có kế hoạch chào bán tổng cộng 9.000 tỷ đồng trái phiếu chia làm hai đợt phát hành.
Đợt một ngân hàng dự kiến phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm và 3.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 nămtrong quý IV/2022 – quý I/2023.
Đợt hai ngân hàng chào bán 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 8 năm và 2.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm trong quý II – quý III/2023.
Trường hợp đợt đầu tiên chưa phát hành hết khối lượng chào bán như dự kiến thì phần bán chưa hết được chuyển qua đợt hai tương ứng theo từng kỳ hạn trái phiếu.
Lãi suất của các trái phiếu trên là lãi suất thả nổi (có điều chỉnh theo định kỳ), áp dụng cho toàn bộ thời hạn của mỗi trái phiếu, tính theo tỷ lệ phần trăm trên năm (%/năm) và được xác định theo công thức: Lãi suất mỗi trái phiếu = lãi suất tham chiếu + biên độ lãi suất.
VietinBank sẽ thực hiện quyền mua lại trái phiếu sau ba năm kể từ ngày phát hành đối với lô trái phiếu kỳ hạn 8 năm. Các trái phiếu kỳ hạn 10 năm sẽ được thực hiện mua lại sau 5 năm kể từ ngày phát hành.
Số tiền ngân hàng thu được từ đợt chào bán trái phiếu dự kiến sẽ được VietinBank sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động, tăng vốn cấp hai và đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đồng thời thực hiện cho vay nền kinh tế.
Việc cho vay ra sẽ bao gồm cả các khoản vay được giải ngân trước và sau thời điểm phát hành trái phiếu với các ngành nghề như công nghiệp chế biến chế bộ và sản xuất và phân phối điện, khí đốt,…
Mức độ sử dụng vốn sẽ căn cứ theo tiến độ giải ngân cụ thể của từng ngành nghề, lĩnh vực nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động và an toàn hoạt động theo quy định NHNN, ưu tiên các lĩnh vực được Nhà nước khuyến khích.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam.
Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 2 điều 6 về hình thức mua cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần trong trường hợp TCTD cổ phần chào bán cổ phần, phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung khoản 6a vào sau khoản 6 điều 7 về tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Trong trường hợp đặc biệt để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, Chính phủ quyết định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại TCTD nhận chuyển giao bắt buộc vượt giới hạn quy định tại khoản 5 điều này khi phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của TCTD nhận chuyển giao bắt buộc.
Hiện nay, theo quy định tại khoản 5 điều 7, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.
Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2 điều 11 về điều kiện đối với TCTD Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, TCTD cổ phần có phương án tăng vốn điều lệ được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua, trong đó có phương án bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Đối với tổ chức tín dụng có tỷ lệ sở hữu của nhà nước trên 50% vốn điều lệ, phương án tăng vốn điều lệ thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính của doanh nghiệp nhà nước trước khi trình ĐHĐCĐ thông qua.
Một trong những tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua đó là vấn đề ngân hàng bán bảo hiểm phải ghi âm nội dung tư vấn.
Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến yêu cầu ngân hàng bán chéo bảo hiểm phải ghi âm, lưu lại trong 5 năm toàn bộ nội dung đã tư vấn cho khách hàng.
Đồng thời, với các loại bảo hiểm liên kết đầu tư được bán chéo qua kênh ngân hàng (bancassurance), doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung tư vấn của nhân viên ngân hàng trước khi phát hành hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm phải xác nhận việc khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm là tự nguyện, dự thảo quy định.
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng yêu cầu tài liệu giới thiệu sản phẩm phải bảo đảm phản ánh trung thực các thông tin cơ bản, không được cung cấp thông tin không rõ ràng, tạo cho bên mua bảo hiểm kỳ vọng và hiểu lầm.
Tài liệu phải thể hiện rõ đây là sản phẩm bảo hiểm được cung cấp bởi doanh nghiệp bảo hiểm. "Việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là yêu cầu bắt buộc để thực hiện hay hưởng một dịch vụ nào khác của đối tác phân phối", Bộ Tài chính đề xuất quy định này.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm cũng được yêu cầu định kỳ kiểm tra chất lượng tư vấn của các nhân viên ngân hàng, phối hợp với nhà băng để xử lý các khiếu nại của khách hàng.
Đây là những nội dung cụ thể của Bộ Tài chính nhằm quản lý hoạt động bán chéo bảo hiểm trong bối cảnh kênh bancassurance ngày càng nở rộ. Nhiều khách hàng thường xuyên phản ánh việc bị nhân viên ngân hàng ép mua bảo hiểm nhân thọ kèm khoản vay. Trong bối cảnh room tín dụng hạn hẹp, nhiều nhà băng trên thị trường càng đẩy mạnh chủ trương giải ngân khoản vay kèm điều kiện mua bảo hiểm nhân thọ tương đương 3-4% giá trị khoản vay.
Tin ngân hàng tiếp theo đáng quan tâm là sự kiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) thông báo tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, áp dụng từ 1/12/2022 đến hết 31/12/2022.
Cụ thể, nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang gặp vướng mắc, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước, Agribank giảm tiếp 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng VND tại thời điểm 30/11/2022.
Đối với dư nợ phát sinh từ 1/12/2022 đến 31/12/2022, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực.
Ngoài ra, khách hàng doanh nghiệp, cá nhân có dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, hoặc có mục đích vay vốn kinh doanh xăng dầu,… cũng được áp dụng chính sách giảm lãi suất này.
Trước đó, Vietcombank và HDBank cũng thông báo giảm lãi suất cho vay lên tới 3,5%/năm.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) đang lấy ý kiến cổ đông phát hành thêm 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi cho nhà đầu tư quốc tế. Bên cạnh đó ngân hàng này cũng xin điều chỉnh room ngoại từ 18% lên 20%.
Trước đó HDBank đã phát hành thành công 325 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế cho các định chế tài chính uy tín hàng đầu thế giới.
Trái phiếu chuyển đổi bổ sung vốn tự có cấp 2 của HDBank có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của nhà băng này. Vốn từ đợt phát hành sẽ giúp HDBank bổ sung nguồn vốn trung dài hạn, phục vụ các kế hoạch tăng trưởng theo chiến lược đề ra. Đồng thời, Ngân hàng sẽ nâng cao hơn nữa các chỉ số chất lượng tài sản, tỉ lệ an toàn vốn, sẵn sàng áp dụng sớm chuẩn mực Basel III.
HDBank đồng thời cập nhật mức vốn điều lệ mới 25.303 tỉ đồng. Tỉ lệ hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài cũng được điều chỉnh tăng từ 18% lên 20% do đến nay khối ngoại đã mua ròng hơn 21,7 triệu cổ phiếu HDB và “room ngoại” 18% đã kín.
Hoàng Long (t/h)