Lượng hàng tồn kho của bất động sản đã tăng cao hơn so với thời điểm cuối năm 2021, ở một vài doanh nghiệp con số hàng tồn kho đã lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Lượng hàng tồn kho của bất động sản đã tăng cao hơn so với thời điểm cuối năm 2021, ở một vài doanh nghiệp con số hàng tồn kho đã lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Báo cáo tài chính Quý IV/2022 loạt doanh nghiệp địa ốc công bố mới đây cho thấy, hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản đang tăng cao hơn so với thời điểm cuối năm 2021. Ở một vài doanh nghiệp con số tồn kho đã lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG), tính đến 31/12/2022 hàng tồn kho lên đến hơn 14.238 tỷ đồng, tăng mạnh so với đầu năm khoảng 3.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo, cơ cấu hàng tồn kho đang tăng về các dự án bất động sản dang dở với 11.901 tỷ đồng; tồn kho ít nhất là công cụ, dụng cụ chỉ khoảng 1.043 tỷ đồng. Báo cáo cũng cho biết, tính riêng quý IV/2022, CTCP Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) lỗ sau thuế 460 tỷ đồng, trong khi quý IV/2021 lãi 245 tỷ đồng.
Cùng với đó, Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt 14 tỷ đồng, giảm gần 99% so với con số 1.229 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021.
PDR ghi nhận khoản lỗ ròng 267 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 từng lãi 754 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2022, Phát Đạt cũng ghi nhận số lượng tồn kho lên đến 12.131 tỷ đồng, không có biến động gì so với cùng kỳ năm 2021, các dự án tồn kho chủ yếu là bất động sản River City, Tropicana Bến Thành Long Hải, Bình Dương Tower, Phước Hải…
Tính đến 31/12/2022, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) ghi nhận hàng tồn kho tăng mạnh lên đến 12.440 tỷ, tăng đến 61% so với đầu năm, tương đương tăng thêm khoảng 4.700 tỷ đồng. Trong đó, ghi nhận tồn kho lớn nhất là dự án Khang Phúc - Khu dân cư Tân Tạo 5.316 tỷ đồng, dự án Đoàn Nguyên - Khu nhà ở Đoàn Nguyên 3.257 tỷ đồng, dự án Bình Trưng - Bình Trưng Đông 1.077 tỷ đồng....hầu hết tăng hơn so với đầu năm.
Đối với THUDUCHOUSE (TDH), tính đến 31/12/2022 doanh nghiệp ghi nhận gần 464 tỷ đồng hàng tồn kho, giảm 24% so với đầu năm, tương đương giảm khoảng 146 tỷ đồng. Cơ cấu hàng tồn kho của doanh nghiệp nghiêng về chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của các dự án bất động sản chiếm gần 427 tỷ. Trong đó, ghi nhận tồn kho cao nhất ở dự án Khu Đô thị Dịch vụ thương mại Long hội, Long An với 165.770 tỷ đồng; tồn kho thấp nhất ở dự án Khu chung cư TDH Phước Bình, TP.HCM với 10.336 tỷ đồng.
Những con số trên đã phần nào phản ánh khó khăn của toàn thị trường trong năm vừa qua. Trải qua nhiều vấn đề lớn, niềm tin nhà đầu tư lung lay, nhất là khi lãnh đạo một số tập đoàn lớn bị điều tra, xử lý các vi phạm liên quan đến phát hành trái phiếu, chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; các vướng mắc pháp lý chồng chéo ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, khiến các nhà đầu tư lo ngại.
Bên cạnh đó, các dòng vốn tín dụng, các quy trình pháp lý trong ngành bất động sản và khó khăn trong việc phê duyệt quy hoạch cũng gây ra chậm trễ cho các dự án không thể mở bán cũng như huy động thêm dòng tiền.
Tồn kho là một vấn đề nhức nhối mà các doanh nghiệp cần giải quyết, bởi với những dự án đang dang dở nếu không được tháo gỡ sớm sẽ khiến nhà đầu tư chôn vốn quá lâu, ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường; đối với những dự án đã đi hoàn thiện nhưng chưa được đi vào hoạt động sẽ bị xuống cấp, nhà đầu tư mất thêm nhiều chi phí bảo dưỡng, tạo ra áp lực lớn cho doanh nghiệp.
Hương Giang