Quý 4/2022, BĐS Phát Đạt chỉ ghi nhận doanh thu thuần gần 15 tỷ đồng đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ, giảm 99% so với cùng kỳ 2021. Đặc biệt, doanh nghiệp này đang sở hữu núi hàng tồn kho và 'chôn chân' ở nhiều dự án dở.
Quý 4/2022, BĐS Phát Đạt chỉ ghi nhận doanh thu thuần gần 15 tỷ đồng đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ, giảm 99% so với cùng kỳ 2021. Đặc biệt, doanh nghiệp này đang sở hữu núi hàng tồn kho và 'chôn chân' ở nhiều dự án dở.
Quý 4/2022, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) ghi nhận doanh thu thuần gần 15 tỷ đồng, giảm 99% so với 1.229 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước. Doanh thu này đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ, còn các hoạt động chuyển nhượng đất và hàng hoá bất động sản không tạo ra doanh thu trong quý này.
Trong khi đó, chi phí tài chính tăng gấp ba lần cùng kỳ năm trước với 221 tỷ đồng. Riêng chi phí lãi vay là 140 tỷ đồng, tăng 98% và Phát Đạt còn ghi nhận thêm khoản lỗ chuyển nhượng cổ phần công ty con hơn 70 tỷ đồng. Các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp không có sự thay đổi đáng kể.
BĐS Phát Đạt ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính tăng 5,4 lần so với cùng kỳ lên 16 tỷ đồng nhưng tỷ trọng không lớn. Vì vậy, quý 4/2022, Phát Đạt lỗ ròng 267 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 754 tỷ đồng.
Luỹ kế năm 2022, Phát Đạt ghi nhận doanh thu 1.505 tỷ đồng và lãi ròng 1.146 tỷ đồng, lần lượt giảm 58% và 39% so với năm trước. Năm 2022, Phát Đạt đặt mục tiêu 10.700 tỷ đồng doanh thu và 2.908 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, doanh nghiệp chỉ thực hiện được 14% kế hoạch doanh thu và 40% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Ngoài kết quả kinh doanh ảm đạm, nợ vay và hàng tồn kho của BĐS Phát Đạt chất như núi, mắc kẹt ở nhiều dự án.
Tại ngày 31/12/2022, doanh nghiệp có tổng tài sản 22.845 tỷ đồng, tăng 2.293 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt hơn 18.000 tỷ đồng, danh mục tiền và các khoản tương đương tiền là 261 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với thời điểm 31/12/2021 (gần 494 tỷ đồng).
Về hàng tồn kho của Phát Đạt đang rất lớn, ở mức hơn 12.000 tỷ đồng, chiếm 53% tổng tài sản. Hàng tồn kho chủ yếu là bất động sản, chỉ có hơn 383 triệu đồng là hàng hóa. Số bất động sản chủ yếu là giá trị quỹ đất đã được bồi thường, tiền sử dụng đất đã nộp cho Nhà nước, chi phí san lấp mặt bằng, chi phí xây dựng và các chi phí đầu tư cho các dự án bất động sản đang triển khai.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022, BĐS Phát Đạt đang triển khai các dự án như EverRich 2 (River City, quận 7, Tp.HCM) ghi nhận số tiền gần 3.600 tỷ đồng, chủ yếu là tiền bồi thường đất và chi phí xây dựng. Tương tự là dự án Bình Dương Tower (Tp. Thuận An, Bình Dương) đang ghi nhận số tiền hơn 2.340 tỷ đồng, chủ yếu bao gồm chi phí chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chi phí thiết kế tư vấn khảo sát và chi phí xây dựng khác.
Hai dự án nghìn tỷ khác đều ở thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, gồm Tropicana Biến Thành - Long Hải đang ghi nhận hơn 1.994 tỷ đồng, chủ yếu bao gồm chi phí chuyển nhượng dự án, tiền bồi thường đất, tiền sử dụng đã nộp ngân sách Nhà nước… Kế đó là dự án Phước Hải đang ghi nhận số tiền gần 1.519 tỷ đồng, chủ yếu bao gồm chi phí chuyển nhượng dự án và chi phí xây dựng khác.
Bên cạnh đó còn nhiều dự án khác như The EverRich 3 ghi nhận hơn 877 tỷ đồng; Dự án KĐT DL Sinh thái Nhơn hội gần 241 tỷ đồng; dự án KDC làng nghề và Trung tâm Xã Hàm Ninh hơn 400 tỷ đồng;…
Ngoài hàng tồn kho ‘chất như núi’, BĐS Phát Đạt cũng đang ‘sở hữu’ khối nợ khổng lồ với gần 13.576 tỷ đồng nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2022, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó chủ yếu là nợ ngắn hạn ghi nhận gần 11.022 tỷ đồng, tăng 26%.
Dư nợ vay tài chính của Phát Đạt tính đến 31/12/2022 gần 4.440 tỷ đồng. Trong đó, nợ trái phiếu Phát Đạt ghi nhận 2.510 tỷ đồng với hơn 2.214 tỷ đồng là trái phiếu sắp đến hạn.
Đơn cử, Phát Đạt đang vay Vietinbank chi nhánh 11 TP.HCM 210 tỷ đồng với lãi suất huy động tiết kiệm 12 tháng trả lãi sau+chi phí huy động vốn tăng thêm+4. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại quận 3, Tp.HCM.
Vay Vietcombank chi nhánh Tân Định hơn 82 tỷ đồng với lãi suất 8.6% nhằm bổ sung vốn lưu động. Tài sản đảm bảo là 4,5 triệu cổ phiếu mang tên PDR sở hữu với cổ đông và quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại quận 3, Tp.HCM.
Vay ngân hàng MB chi nhánh Đà Nẵng hơn 205 tỷ đồng nhằm tài trợ dự án tại quận Hải Châu, Đà Nẵng. Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại quận Hải Châu, Đà Nẵng. Ngoài ra, BĐS Phát Đạt còn vay ngân hàng MB chi nhánh Sài Gòn 300 tỷ đồng nhằm tài trợ dự án tại Bình Dương.
Theo thông tin công bố từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), ngày 17/1, BĐS Phát Đạt đã tiếp tục mua lại trước hạn đối với các lô trái phiếu được phát hành trong năm 2021 và 2022. Các lô trái phiếu này có kỳ hạn 2 năm và sẽ đáo hạn trong năm nay hoặc quý I/2024.
Tổng giá trị Phát Đạt thực hiện mua lại theo mệnh giá là hơn 893 tỷ đồng, giúp dư nợ trái phiếu của Phát Đạt giảm xuống còn khoảng hơn 1.600 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2022, Phát Đạt cũng đang chôn vốn ở nhiều dự án dang dở với tổng số tiền hơn 1.052 tỷ đồng. Điển hình như dự án Tòa nhà văn phòng Công ty tại 39 Phạm Ngọc Thạch (quận 3, Tp.HCM) ghi nhận số tiền hơn 520,5 tỷ đồng.
Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật nội bộ Khu Cổ đại (tại quận 9, Tp.HCM) với số tiền hơn 426 tỷ đồng. Đặc biệt là Trung tâm Thể dục - Thể thao Phan Đình Phùng (quận 3, Tp.HCM) hơn 76,5 tỷ đồng hay dự án Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình gần 8 tỷ đồng, Phần mềm quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp gần 15,7 tỷ đồng.
Trang Bùi