Một số doanh nghiệp địa ốc như Hải Phát, CenLand, Tổng công ty Sông Đà, Phát Đạt... gần đây đang tích cực mua lại trái phiếu trước hạn.
Một số doanh nghiệp địa ốc như Hải Phát, CenLand, Tổng công ty Sông Đà, Phát Đạt... gần đây đang tích cực mua lại trái phiếu trước hạn.
Số liệu cập nhật của FiinRatings cho thấy, tổng giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn sau ngày 15/11/2022 đến ngày 31/12/2022 chỉ còn ở mức 21.850 tỷ đồng.
Báo cáo trái phiếu tháng 10/2022 của Fiinratings cho biết, tính đến hết tháng 10, giá trị trái phiếu bất động sản đang lưu hành có quy mô 445.000 tỷ đồng, tương ứng gần 34% tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đang lưu hành; gần 50% tổng giá trị trái phiếu của các tổ chức doanh nghiệp phi tài chính (đạt hơn 896.000 tỷ đồng).
Mặc dù hoạt động rút trước hạn của nhà đầu tư và mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành gây không ít khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, điều này cũng đã góp phần giảm đáng kể áp lực từ số dư trái phiếu sẽ đáo hạn còn lại tại thời điểm hiện nay.
Tuy số dư 21.850 tỷ đồng không lớn, nhưng vẫn đến phần nhiều phát hành bởi các doanh nghiệp chưa niêm yết và hầu như không có thông tin tài chính về tổ chức phát hành. FiinRatings kỳ vọng các biện pháp tái cấu trúc nợ sẽ được thực hiện trong thời gian sớm, nhất là các trái phiếu nếu được phân phối thứ cấp đến các nhà đầu tư cá nhân.
Cenland, Hải Phát, Eurowindow Holding,… chi mạnh tiền mua lại trái phiếu trước hạn
Căn cứ từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), từ tháng 11/2022 đến nay, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc đang tích cực mua lại trái phiếu trước hạn.
Đơn cử, tháng 11/2022, CTCP Đầu tư Hải Phát hoàn tất mua lại 2 lô trái phiếu trước hạn. Cụ thể, lô trái phiếu HPXH2124001 có kỳ hạn 36 tháng được phát hành vào tháng 5/2021, đáo hạn vào tháng 5/2024. Mệnh giá đạt 100.000 đồng/trái phiếu, tổng số lượng phát hành là 650 triệu trái phiếu tương đương giá trị 650 tỷ đồng.
Hiện khối lượng đang lưu hành 447,5 tỷ đồng, Hải Phát mua lại 62,5 tỷ đồng. Do đó, khối lượng còn lại sau khi mua là 385 tỷ đồng. Với lô trái phiếu này, trước đó, Hải Phát đã thực hiện 5 lần mua trước hạn gồm: Lần 1 (vào tháng 8/2021) mua lại 20 tỷ đồng; lần 2 (vào tháng 2/2022) mua lại 50 tỷ đồng, lần 3 (vào tháng 5/2022) mua lại 70 tỷ đồng, lần 4 và lần 5 (cùng mua vào tháng 8/2022) tổng mua lại 62,5 tỷ đồng.
Được biết, tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này là 1.234.311 cổ phiếu HPX của ông Lê Việt Dũng và các bất động sản khác. Đơn vị quản lý và lưu ký là Ngân hàng Quân Đội.
Còn với lô trái phiếu HPXH2122002 có tổng giá trị 100 tỷ đồng đã được doanh nghiệp địa ốc này mua lại toàn bộ từ ngày 27/10-17/11.
Ngày 25/11, CTCP Bất động sản Thế kỷ (Cenland) cũng chi 500 tỷ đồng mua lại toàn bộ trước hạn lô trái phiếu mã CREB2124001. Lô trái phiếu này được phát hành vào tháng 3/2021, kỳ hạn 3 năm với mệnh giá phát hành là 100.000 đồng/trái phiếu.
Cùng ngày 25/11, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt thông báo đã tất toán lô trái phiếu PDRH2123009 có tổng giá trị 150 tỷ đồng được phát hành ngày 16/12/2021 và đáo hạn ngày 16/12/2023.
Cũng trong tháng 11/2022, CTCP Hưng Thịnh Land chi ra 400 tỷ đồng để mua lại trước hạn toàn bộ lô trái phiếu mã H79CH2123022 kỳ hạn 24 tháng với mệnh giá phát hành là 100.000 đồng/trái phiếu. Lô trái phiếu phát hành ngày 28/12/2021 và đáo hạn 28/12/2023.
Tương tự, ngày 11/11, CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia cũng mua lại 240,5 tỷ đồng của lô trái phiếu mã AGGH2122001 có tổng giá trị 300 tỷ đồng được phát hành cuối năm 2021, kỳ hạn 12 tháng. Do đó, khối lượng còn lại sau khi mua lại là 59,5 tỷ đồng.
Ngày 21/11, HNX thông báo Công ty CP Eurowindow Holding đã chi tiền mua lại 145 tỷ đồng của lô trái phiếu trị giá 250 tỷ đồng mã EWHCH2124001 được phát hành ngày 22/10/22021 và đáo hạn ngày 22/10/2024. Do đó, khối lượng còn lại sau khi mua lại là 105 tỷ đồng.
Bước sang tháng 12/2022, Phát Đạt tiếp tục mua lại 188,7 tỷ đồng lô trái phiếu mã PDRH2123007 có tổng giá trị 475 tỷ đồng. Lô trái phiếu này phát hành ngày 2/12/2021 và đáo hạn ngày 2/12/2023.
Ngày 7/12, Tổng công ty Sông Đà cũng hoàn tất mua lại trước hạn 350 tỷ đồng trái phiếu mã SJGH2123001 phát hành năm 2021, dư nợ còn lại của lô trái phiếu là 0 đồng.
Trái phiếu mã SJGH2123001 được phát hành ngày 6/12/2021, kỳ hạn 24 tháng với mệnh giá 350 tỷ đồng. Trong đó, tài sản bảo đảm bao gồm 14.280.000 Cổ phần thuộc sở hữu của Tổng công ty Sông Đà tại CTCP ĐT&PT điện Sê San 3A; 3.723.600 Cổ phần thuộc sở hữu của Tổng công ty Sông Đà tại CTCP Sông Đà 11; hoặc thỏa thuận nhà đầu tư.
Ngoài các doanh nghiệp địa ốc kể trên, còn nhiều doanh nghiệp khác cũng dồn dập mua lại trái phiếu trước hạn trong thời gian gần đây như Công ty liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh; CTCP Kinh doanh Bất động sản VHC; Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị - Công ty TNHH; CTCP Địa ốc Sacom;…
Mua lại trái phiếu là hoạt động bình thường của doanh nghiệp khi có sự điều chỉnh kế hoạch huy động vốn và kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, diễn biến này có thể do chịu tác động mạnh bởi tâm lý lo ngại rủi ro ở cả phía nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Nhà đầu tư chấp nhận các khoản thuế, phí bán trái phiếu trước hạn, thậm chí chịu “lỗ nặng” để nhanh chóng sang tay trái phiếu - sản phẩm đầu tư do chính mình đã thẩm định và quyết định tin tưởng để xuống tiền trong kỳ hạn được quy định trước.
Đây cũng là lý do tình trạng bond-run, rút tiền trái phiếu hàng loạt, yêu cầu nhà phát hành mua lại trái phiếu ngay lập tức đang diễn ra trên thị trường trái phiếu Việt Nam hiện tại.
Hà Phương