Đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 50 doanh nghiệp đàm phán dời ngày đáo hạn cho hơn 95.200 tỷ đồng trái phiếu trong bối cảnh thiếu vốn và kinh doanh khó khăn.
Đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 50 doanh nghiệp đàm phán dời ngày đáo hạn cho hơn 95.200 tỷ đồng trái phiếu trong bối cảnh thiếu vốn và kinh doanh khó khăn.
Theo nhận định của FiinRatings, trong các tháng cuối năm 2023, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu vẫn phải đối mặt với áp lực thanh toán gốc và lãi cho trái phiếu đến kỳ đáo hạn.
Theo đó, quý IV 2023 là cao điểm đáo hạn trái phiếu với tổng giá trị lên đến 65.500 tỉ đồng (không gồm các lô giãn hoãn), với gần 80% thuộc nhóm bất động sản. Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, nhiều doanh nghiệp địa ốc vẫn gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn. Điều này kéo theo tình trạng số lượng doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu vẫn tiếp tục tăng lên.
Đến đầu tháng 10/2023, có khoảng 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp. VNDirect ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này là khoảng 176.100 tỉ đồng, chiếm khoảng 17,8% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường. Phần lớn trong số các tổ chức phát hành này là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản.
Trong đó có hơn 50 tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ. Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn là hơn 95.200 tỉ đồng.
Một số tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn với lượng trái phiếu có giá trị lớn trong 3 tháng gần đây như Tập đoàn Sovico đã đạt được thỏa thuận gia hạn sáu lô trái phiếu có tổng giá trị khoảng 7.000 tỉ đồng; Tập Đoàn R&H gia hạn hai lô trái phiếu có tổng giá trị khoảng 5.000 tỉ đồng; CTCP Sovico gia hạn năm lô trái phiếu có tổng giá trị khoảng 5.000 tỉ đồng; Công ty Hưng Thịnh Land gia hạn hai lô trái phiếu có tổng giá trị khoảng 3.300 tỉ đồng; Công ty dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn gia hạn hai lô trái phiếu có tổng giá trị là 4.000 tỉ đồng… Tất cả những lô trái phiếu này đều được gia hạn thêm hai năm nữa.
Mới đây, Novaland cũng thông báo đã đạt thỏa thuận gia hạn một lô trái phiếu với ngày đáo hạn ban đầu vào cuối tháng 6/2023 thành cuối tháng 6/2025. Lô này được phát hành từ năm 2019, ban đầu có tổng giá trị 1.300 tỷ đồng, đến nay còn lưu hành 650 tỷ đồng.
Bên cạnh gia hạn, Novaland điều chỉnh việc trả lãi thành một lần vào ngày đáo hạn đã điều chỉnh hoặc ngày mua lại trước hạn trái phiếu, thay vì trả lãi định kỳ 3 tháng một lần như trước. Trong trường hợp có doanh thu bán hàng hoặc nguồn thu khác về nhanh hơn dự kiến, công ty sẽ mua lại trước hạn một phần hoặc toàn bộ trái phiếu. Tính chung cả tháng 9, Novaland và công ty con đã dời kỳ hạn cho ba lô trái phiếu với tổng giá trị khoảng 1.145 tỷ đồng. Các lô đều được nâng thêm hai năm, ngày đáo hạn được dời sang tháng 6 - 8/2025.
Nới kỳ hạn trái phiếu trở thành động thái chung của nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua, nhất là nhóm bất động sản.
Thiếu vốn và hoạt động kinh doanh gặp khó khiến các doanh nghiệp chọn tập trung đàm phán kéo dài thời gian, thay vì mua lại trái phiếu đến hạn. Riêng tháng 9, Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) thống kê các doanh nghiệp chỉ mua lại hơn 9.200 tỷ đồng trái phiếu, chưa bằng một phần tư so với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Con số này cũng nằm trong nhóm thấp nhất kể từ năm 2022 và giảm một nửa so với cùng kỳ.
Trung Kiên