ABBank đang đẩy mạnh phát hành lượng lớn trái phiếu mới, đồng thời mua lại trước hạn trái phiếu cũ trong khi nợ xấu ngân hàng đang leo thang.
ABBank đang đẩy mạnh phát hành lượng lớn trái phiếu mới, đồng thời mua lại trước hạn trái phiếu cũ trong khi nợ xấu ngân hàng đang leo thang.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa công bố kết quả chào bán trái phiếu riêng lẻ của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - UPCoM: ABB).
Theo đó, vào ngày 2/10, ABBank đã chào bán thành công 1.000 trái phiếu mã ABBL2325003, huy động về 1.000 tỷ đồng theo mệnh giá. Lô trái phiếu có thời hạn 2 năm, được phát hành ở thị trường trong nước với lãi suất 6,4%/năm.
Đây là đợt phát hành trái phiếu thứ 3 của ABBank trong năm 2023.
Thời gian gần đây, ABBank liên tục đẩy mạnh việc huy động vốn qua kênh trái phiếu. Trước đó vào các ngày 25/8 và 28/8, ABBank đã phát hành thành công 2 lô trái phiếu mã ABBL2325001 và ABBL2326002 với tổng giá trị theo mệnh giá lần lượt là 2.000 tỷ đồng và 1.000 tỷ đồng.
Cả hai lô trái phiếu có thời hạn từ 2 - 3 năm, giá trị mỗi trái phiếu là 1 tỷ đồng/TP, đều được phát hành ở thị trường trong nước với lãi suất 6,6%/năm đối với lô trái phiếu mã ABBL2326002 và 6,4%/năm với mã ABBL2325001.
Như vậy, từ tháng 8/2023 đến nay, ABBank đã huy động 4.000 tỷ đồng trái phiếu trước xu hướng lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, hệ thống ngân hàng đang 'thừa tiền'.
Theo quyết định sửa đổi bổ sung phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ ngày 21/8, trong 5 tháng cuối năm 2023, ABBank sẽ triển khai phát hành 6.000 tỷ đồng trái phiếu nhằm bổ sung nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu cho vay khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.
Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được đảm bảo bằng tài sản của tổ chức phát hành. Số lượng đợt phát hành dự kiến tối đa là 10 đợt, mỗi đợt tối đa 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn trái phiếu từ 1 - 5 năm.
Vào ngày 10/10 vừa qua, HĐQT ABBank đã có quyết định phê duyệt việc đăng ký giao dịch trái phiếu trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đối với toàn bộ trái phiếu riêng lẻ phát hành năm 2022 và năm 2023.
Ở chiều ngược lại, thời gian gần đây, ABBank đang đẩy mạnh mua lại trái phiếu trước hạn. Tính từ trung tuần tháng 6/2023 đến nay, ngân hàng này đã tất toán toàn bộ trái phiếu đang lưu hành của 9 lô trái phiếu với tổng giá trị theo mệnh giá lên đến 5.800 tỷ đồng. Ngoại trừ ABBL2225002 được phát hành năm 2022, các lô trái phiếu khác đều được phát hành vào năm 2021 và phải tới năm 2024 mới tới hạn.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu từng chia sẻ, ngân hàng thực hiện đảo nợ trái phiếu cho chính mình cũng nhằm tối ưu hóa chi phí vốn. “Trước đó, một số ngân hàng phải huy động trái phiếu trong giai đoạn lãi suất ở mức cao. Hiện nay, khi mặt bằng lãi suất thị trường đã giảm, họ sẽ mua lại trái phiếu cũ và thay thế bằng trái phiếu mới có lãi suất phát hành thấp hơn để tiết giảm chi phí vốn”, ông Hiếu nhận định.
Đáng chú ý, ABBank dồn dập vay nợ hàng nghìn tỷ đồng từ trái phiếu trong lúc nợ xấu ngân hàng leo thang.
Tính đến cuối quý 2/2023, tổng nợ xấu tại ABBank tăng 61,5% so với đầu năm, ghi nhận 3.820 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng tới 156% so với đầu năm, lên mức 1.385 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng tới 212%, lên mức 1.311 tỷ đồng. Riêng chỉ có nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm 20% so với đầu năm, ghi nhận 1.123 tỷ đồng. Do đó kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ 2,88% hồi đầu năm lên 4,55%.
Tuy vậy, trong thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của ABBank có ghi chú rằng tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ABBank tại ngày 30/6/2023 ở mức 2,86%, theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 11.
Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hết hiệu lực từ 30/06/2022 tiếp tục khiến các ngân hàng đối mặt với khả năng nợ xấu tăng cao, nhất là trong điều kiện tín dụng tăng trưởng thấp của quý đầu năm 2023.
Trước tình hình đó, NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023 về gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ ban hành, cho phép các khoản nợ đến hạn, các khoản trả lãi đến hạn của người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn chưa có điều kiện trả nợ ngân hàng được tiếp tục giãn, hoãn thời hạn trả nợ và không bị chuyển nhóm nợ. Các tổ chức tín dụng xem xét trên thực tế khách hàng và năng lực tài chính của mình để cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ từ ngày 24/04/2023 đến hết 30/06/2024.
Bên cạnh nợ xấu tăng thì nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) tính đến cuối quý II/2023 tại ABBank tăng tới 85% so với đầu năm, từ 1.659 tỷ đồng lên mức gần 3.071 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2023, ABBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế 541 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ 2022.
Lê Thanh - Huy Tùng