Khởi công Dự án nhà ở xã hội tại TP Hạ Long; Bổ sung nhiều quy định về quyền của người sử dụng đất; Lạng Sơn phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng liên huyện… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Khởi công Dự án nhà ở xã hội tại TP Hạ Long; Bổ sung nhiều quy định về quyền của người sử dụng đất; Lạng Sơn phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng liên huyện… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
21 dự án đầu tư sai mục tiêu tại Bắc Giang
Sau quá trình kiểm tra, rà soát, tính đến ngày 28/8/2022 cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang đã phát hiện, bên ngoài các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 1.395 dự án đầu tư còn hiệu lực. Trong đó có 1.240 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 84.267,7 tỷ đồng và 155 dự án FDI với số vốn đăng ký đạt 799 triệu USD và sử dụng khoảng trên 11.340,4ha đất và mặt bằng.
Trong các dự án nêu trên, hiện có 102 dự án đang được triển khai xây dựng. Trong số các dự án đang xây dựng có 42 dự án đã chậm tiến độ so với tiến độ đã được chấp thuận đầu tư). Một số dự án chậm tiến độ khá dài như: Dự án Xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi của Công ty Cổ phần nông sản thực phẩm An Phú trên địa bàn huyện Yên Dũng hay Dự án Xây dựng hệ thống cấp nước sạch liên xã Xuân Phú, Lãng Sơn, Quỳnh Sơn và Trí Yên, huyện Yên Dũng của Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Nam Sơn.
Một số dự án đã được thuê đất nhưng chỉ xây dựng một số công trình phụ trợ mà chưa xây dựng các hạng mục công trình chính để đưa dự án đi vào hoạt động như: Dự án Nhà máy nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang của Công ty Cổ phần nhiệt điện An Khánh; Dự án Cụm cảng hàng hóa tổng hợp chế biến than, Khu liên hợp chế tạo cơ khí, sản xuất gỗ MDF của Công ty Cổ phần Thiên Lâm Đạt; Dự án Hạ tầng, kho bãi Trung tâm Logistics quốc tế thành phố Bắc Giang của Công ty TNHH Logistics quốc tế Bắc Giang).
Ngoài ra, qua rà soát cho thấy hiện có 21 dự án đã được thuê đất nhưng chưa triển khai xây dựng; 190 dự án chưa được cho thuê đất để thực hiện dự án; 53 dự án (trong đó có 14 dự án FDI) ngừng hoạt động hoặc không hoạt động; 157 dự án đã chấm dứt hoạt động dự án từ trước đến nay; 143 dự án chậm tiến độ thực hiện dự án (chiếm 10,2% tổng số dự án).
Đặc biệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang đã chỉ ra 21 dự án đầu tư sai mục tiêu dự án. Trong đó, thành phố Bắc Giang có 13 dự án; huyện Yên Dũng có 4 dự án; huyện Lục Nam có 01 dự án; huyện Hiệp Hòa có 02 dự án; huyện Việt Yên có 01 dự án.
Khởi công Dự án nhà ở xã hội tại TP Hạ Long
Ngày 30/10, tại tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra lễ khởi công Dự án nhà ở xã hội Khu dân cư đồi Ngân hàng thuộc địa phận hai phường Hồng Hải và Cao Thắng, TP Hạ Long
Dự án nhà ở xã hội Khu dân cư đồi Ngân hàng được xây dựng trên diện tích gần 26.000m2 do Liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Tài chính Toàn Cầu và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội làm chủ đầu tư.
Quy mô dự án bao gồm 3 tòa nhà chung cư, trong đó có 2 tòa cao 19 tầng và 1 tòa cao 17 tầng với vốn đầu tư khoảng 1.361 tỷ đồng. Dự kiến sẽ hoàn thiện bàn giao đưa vào sử dụng trong Quý I/2026.
Thực hiện theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Bộ Xây dựng, tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất đóng góp tổng số 24.000 căn (giai đoạn 2022 - 2025 là 11.000 căn, giai đoạn 2025 - 2030 là 13.000 căn).
Cụ thể, trong thời gian qua UBND tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch trên 600ha quỹ đất (20% trong các dự án nhà ở thương mại) để làm nhà ở xã hội, 55ha đất nhà ở cho công nhân gắn liền với khu công nghiệp.
Tính từ năm 2020 đến nay, đã có 3 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được khởi công với quy mô 2.327 căn hộ (tương ứng 187.000 m2 sàn). Trong đó đã hoàn thành 612 căn hộ và dự kiến trong năm 2023 sẽ khởi công thêm một số dự án nhà ở xã hội khác.
Bổ sung nhiều quy định về quyền của người sử dụng đất
Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó xin ý kiến bổ sung quy định về quyền của người sử dụng đất.
Theo đó, bên cạnh các quyền như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn, quyền được bồi thường, dự thảo bổ sung quy định quyền được thế chấp, cho thuê lại quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm, bán tài sản thuộc sở hữu gắn liền với đất.
Quyền và nghĩa vụ trong việc xây dựng công trình ngầm, trên không, quyền tự đầu tư trên đất và các quy định về góp quyền sử dụng đất để xây dựng, chỉnh trang đô thị phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Bổ sung quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sử dụng.
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dự thảo đã bổ sung quy định về nguyên tắc bảo đảm tính đặc thù, liên kết vùng. Đảm bảo đồng bộ với các quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng, đô thị, phù hợp với tiềm năng đất đai, đồng bộ ba cấp, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chi tiết đến từng thửa đất.
Hoàn thiện các quy định về sự tham gia của nhân dân trong lập, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quyền của người sử dụng đất trong khu vực quy hoạch; trách nhiệm công khai thông tin, rà soát điều chỉnh hoặc hủy bỏ dự án không có khả năng thực hiện trong kế hoạch sử dụng đất.
Về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dự thảo quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, các trường hợp thu hồi, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát.
Lạng Sơn phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng liên huyện
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ký Quyết định số 1645/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện Cao Lộc - Lộc Bình - Đình Lập (khu vực dọc tuyến Quốc lộ 4B), tỷ lệ 1/25.000. Thời hạn lập quy hoạch giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2045.
Theo đó, phạm vi quy hoạch: Phía Tây Bắc tiếp giáp cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; phía Đông Nam tiếp giáp ranh giới huyện Tiên Yên (Quảng Ninh); phía Đông Bắc và Đông Nam tiếp giáp ranh giới các xã, thị trấn thuộc huyện Cao Lộc, huyện Lộc Bình, huyện Đình Lập với khoảng cách bình quân 4km dọc theo Quốc lộ 4B. Phạm vi nghiên cứu quy hoạch là toàn bộ huyện Cao Lộc, huyện Lộc Bình, huyện Đình Lập và huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) để kết nối hệ thống giao thông đối ngoại và phát triển không gian kiến trúc cảnh quan chung.
Quy mô nghiên cứu quy hoạch khoảng 345.715ha, quy mô lập quy hoạch khoảng 62.714ha (khoảng 627,14km2). Quy mô dân số hiện trạng khoảng 91.635 người, đến năm 2030 khoảng 100.000 - 150.000 người, đến năm 2045 khoảng 200.000 người.
Mục tiêu lập quy hoạch là cụ thể hoá các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và của huyện Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập, các quy hoạch, định hướng phát triển đã được Chính phủ và tỉnh phê duyệt, phù hợp với định hướng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tạo tiền đề và hỗ trợ, chia sẻ chức năng với khu vực đô thị trung tâm Lạng Sơn và các đô thị, khu chức năng trong tiểu vùng, kết nối tốt với Quảng Ninh và các địa phương lân cận; phát triển khu vực dọc tuyến Quốc lộ 4B trên địa bàn huyện Cao Lộc, huyện Lộc Bình, huyện Đình Lập trở thành khu vực có hệ thống hạ tầng đồng bộ, liên kết tốt các loại hình giao thông đường bộ và đường sắt, đường thủy (nếu có) trong khu vực; hình thành vùng động lực phát triển với các mô hình kinh tế mới, hiện đại, trở thành một trong những vùng có năng lực cao về sản xuất hàng hóa, dịch vụ, thương mại, logistic, du lịch và đô thị theo hướng bền vững; xác định các quỹ đất phục vụ cho phát triển đô thị và các khu chức năng dọc tuyến Quốc lộ 4B qua 03 huyện là động lực thúc đẩy quá trình đô thị hóa của các huyện...
Xem thêm: Hé lộ bất ngờ về doanh nghiệp mua toà nhà Bamboo Airway: Vừa thành lập 3 tháng, vốn chỉ 345 tỷ đồng
Huy Tùng (t/h)