Thanh Hoá đầu tư khu dân cư 800 tỷ đồng ở thị trấn Rừng Thông;Lâm Đồng xem xét chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn; Huyện Đông Anh ( Hà Nội) tổ chức thành công 6 phiên đấu giá đất;Giá chào thuê bất động sản bán lẻ tại TP.HCM duy trì mức tăng…là những tin tức bất động sản đáng chú ý tuần qua
Tập đoàn D-Park muốn làm khu đô thị gần 1.300 tỷtại Bắc Giang
Sau 2 lần mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu 1, thuộc Khu đô thị tại xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng và xã Đồng Sơn, TP Bắc Giang, dự án vẫn chỉ có 1 đơn vị nộp hồ sơ đăng ký là Công ty CP Tập đoàn D-Park (Tập đoàn D-Park)
Dự án Khu 1, thuộc Khu đô thị tại xã Tiền Phong có sơ bộ chi phí thực hiện 1.294 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 134 tỷ đồng.
Quy mô đầu tư xây dựng đồng bộ phần kết cấu hạ tầng kỹ thuật và một phần kết cấu hạ tầng xã hội trên khu đất có diện tích khoảng 49ha; xây thô hoàn thiện mặt tiền 353 căn nhà với tổng diện tích đất khoảng 39.429m2. Quy mô dân số khoảng 4.200 người.
Ngoài ra, Khu đô thị tại xã Tiền Phong và xã Đồng Sờn còn có dự án Khu 2 với dự kiến tổng mức đầu tư 3.872 tỷ đồng. Dự án này có diện tích sử dụng đất khoảng 40,9ha; địa điểm thực hiện tại xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng.
Dự án có quy mô xây dựng gồm: công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; công trình nhà ở (trong đó xây thô, hoàn thiện mặt tiền 364 căn nhà ở thấp tầng và nhà ở chung cư cao 25 tầng)... Quy mô dân số khoảng 6.140 người. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.
Công ty CP Tập đoàn D-Park thành lập tháng 5/2020, địa chỉ trụ sở chính tại phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo đăng ký doanh nghiệp cấp thay đổi lần 3 tháng 7/2023, công ty có vốn điều lệ 300 tỷ đồng.
Ban đầu, Tập đoàn D-Park có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Tiến Linh góp 98%, phần còn lại thuộc về bà Phạm Thị Thanh Hồng (1%) và bà Nguyễn Thị Bích Lương (1%). Người đại diện pháp luật khi đó là Tổng Giám đốc Đặng Hoàng Dương.
Tập đoàn D-Park tiến hành nâng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng hồi đầu năm 2021 trước khi giảm xuống còn 300 tỷ đồng trong năm 2023 với tổng lao động đăng ký là 5 người. Cũng trong năm này, Công ty chuyển trụ sở chính sang quận Tây Hồ.
Thanh Hóa đầu tư khu dân cư 800 tỷ đồng ở thị trấn Rừng Thông
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm đã ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư mới OM42, OM43, OM44 (Khu dân cư mới phía Đông Bắc đường trục chính đô thị) tại thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn. Dự án diện tích sử dụng đất khoảng 137.943,5 m2; tổng mức đầu tư khoảng 766,8 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng); thời hạn hoạt động của dự án 50 năm; hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Quy mô xây dựng dự án là đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở và các công trình khác theo Quy hoạch chi tiết xây dựng; đầu tư xây dựng hoàn thiện công trình nhà văn hóa; đầu tư xây dựng phần thô và hoàn thiện mặt trước 98 công trình nhà ở liền kề thương mại; đầu tư xây dựng hoàn thiện công trình nhà ở xã hội...
Tiến độ thực hiện dự án không quá 3 năm kể từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư. Được biết, thị trấn Rừng Thông là cửa ngõ phía Tây của TP. Thanh Hóa, là nơi giao nhau, hội tụ của hai tuyến Quốc lộ 45 và 47; nằm trên trục động lực tăng trưởng Đông - Tây kết nối TP. Thanh Hóa - Sao Vàng.
Với địa thế thuận lợi, hiện nay thị trấn Rừng Thông đang là khu vực có tiềm năng, thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn. Việc đầu tư hạ tầng các khu dân cư đô thị sớm triển khai nhằm tạo tiền đề để Rừng Thông một đô thị trung tâm huyện lị của huyện Đông Sơn
Lâm Đồng xem xét chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa giao Sở NN&PTNT tỉnh này xem xét chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn xã Lộc Phú, tích hợp vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sau đề nghị của UBND huyện Bảo Lâm.
Cụ thể, UBND tỉnh Lâm Đồng nhận được văn bản số 1023/UBND ngày 28/3/2024 của UBND huyện Bảo Lâm về việc đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn xã Lộc Phú, tích hợp vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chuyển đề nghị nêu trên đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Bảo Lâm và các đơn vị liên quan xem xét nội dung đề nghị của UBND huyện Bảo Lâm tại văn bản nêu trên để giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trong tháng 4/2024.
Trước đó, tại văn bản số 1023/UBND gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Bảo Lâm cho rằng, đến nay công trình xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn xã Lộc phú, huyện Bảo Lâm đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng để chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn huyện Bảo Lâm.
Đồng thời, căn cứ công văn số 2565/SNN-KL ngày 13/10/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc cung cấp thông tin phục vụ lập quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030; Căn cứ quyết định số: 1727/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ Tướng Chính Phủ về việc phê duyệt quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 tại phụ lục X kèm theo thì khu xử lý chất thải rắn tại xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm được quy hoạch diện tích là 10 ha.
Theo đó, UBND huyện Bảo Lâm đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng bổ sung danh mục dự án phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng dự kiến có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đối với dự án xây dựng công trình: Nâng cấp bãi chôn lấp rác thải rắn xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm, với diện tích dự kiến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là 3.42 ha, trong đó rừng tự nhiên sản xuất là 3.31 ha; rừng tự nhiên NLN là 0.11 ha. Tại tiểu khu 438A, xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm.
Huyện Đông Anh ( Hà Nội) tổ chức thành công 6 phiên đấu giá đất
Vừa qua, huyện Đông Anh tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác an ninh - quốc phòng quý I-2024; tổng kết hoạt động thi đua, thi đua cao điểm mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn.
Báo cáo tại Hội nghị, Lãnh đạo huyện cho biết, trong quý 1 đã tổ chức thành công 6 phiên đấu giá quyền sử dụng đất, thu nộp ngân sách ước khoảng 800 tỷ đồng. Ngoài ra, toàn huyện đã triển khai 400 dự án phục vụ đời sống nhân dân; triển khai 183 dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống chiếu sáng đèn trang trí trên toàn bộ tuyến đường trục chính trung tâm 24 xã, thị trấn và trung tâm 195 thôn làng, tổ dân phố. 24/24 xã, thị trấn đang tập trung thực hiện Đề án quy hoạch và đầu tư xây dựng trung tâm 3 cấp.
Trong tháng 4 này, UBND huyện Đông Anh sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá 11 lô đất, giá khởi điểm cao nhất hơn 37 triệu đồng/m2. Các lô đất này đều là tài sản đấu giá của UBND huyện đã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh, có diện tích từ 77,9 - 100m2. Giá khởi điểm có mức từ 14,3 - 37,3 triệu đồng/m2.
Cũng tại hội nghị, Lãnh đạo UBND huyện Đông Anh cho biết, quý I/2024, kinh tế trên địa bàn huyện duy trì mức tăng trưởng cao - tốc độ tăng trưởng đạt 9,3%. Trong đó, doanh thu dịch vụ, thương mại đạt hơn 20.785 tỷ đồng, tăng 14,2% so cùng kỳ năm trước; sản xuất công nghiệp đạt hơn 40.481 tỷ đồng, tăng 8,7% so cùng kỳ năm trước. 3 tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách toàn huyện đạt trên 3.000 tỷ đồng.
Huyện tiếp tục chỉ đạo tổ chức lập quy hoạch chi tiết 4 đồ án; tổ chức lấy ý kiến đối với 3 đồ án quy hoạch chi tiết. Đặc biệt, đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực thôn Lại Đà, xã Đông Hội, đã được UBND huyện phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức công bố, tiếp nhận bàn giao.
Đông Anh cũng đã thu hồi và giải phóng mặt bằng tổng diện tích trên 10,96ha, chi trả tiền bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho 475 hộ gia đình cá nhân với số tiền hơn 67,3 tỷ đồng để triển khai các dự án; thu hồi hơn 30ha đất nông nghiệp để trồng cây xanh.
Giá chào thuê bất động sản bán lẻ tại TP HCM duy trì mức tăng
Theo báo cáo thị trường bất động sản TP HCM quý I/2024 vừa được CBRE công bố, thị trường bán lẻ Việt Nam giai đoạn ba tháng đầu năm 2024 tiếp tục cho thấy diễn biến khả quan với giá thuê và tỷ lệ lấp đầy tiếp tục đà tăng.
Theo báo cáo của CBRE, thị trường bán lẻ Việt Nam giai đoạn ba tháng đầu năm 2024 tiếp tục cho thấy diễn biến khả quan với giá thuê và tỷ lệ lấp đầy tiếp tục đà tăng.
Theo đó, hầu hết các giao dịch thuê được ghi nhận trong quý đều từ các thương hiệu nước ngoài mở rộng tại TP HCM, thuộc đa dạng các ngành hàng từ thời trang, ăn uống đến siêu thị.
Nổi bật trong quý là hoạt động khai trương của hai nhãn hàng thời trang cao cấp là Rene Caovilla tại Union Square, TP HCM và The Hour Glass Opera mở tại số 63 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Trong quý vừa qua, tập đoàn Vingroup cũng thoái vốn thành công Vincom Retail với giá trị thương vụ lên đến 39.100 tỷ đồng.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh - Phó Giám đốc, bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE tại TP HCM cho biết, trong thời gian kinh tế gặp nhiều thách thức, tỷ lệ lấp đầy ở các trung tâm thương mại ngoài trung tâm tuy có biến động, nhưng nhanh chóng tìm được khách thuê thay thế.
“Xu hướng các trung tâm được lấp đầy bởi nhiều khách thuê lớn hơn ngày càng rõ rệt, nhằm đảm bảo cung cấp cho khách mua sắm trải nghiệm đa dạng với đầy đủ dịch vụ cộng thêm”, bà chia sẻ.
Tại TP HCM, giá thuê trung bình khu vực Trung tâm gần ngưỡng 240 USD/m2/tháng, tăng nhẹ 1,8% so với năm trước. Tỷ lệ trống khu vực Trung tâm ở mức 4,7%, giảm 1,1 đpt so với quý I/2023. Diện tích bán lẻ trống tại khu vực Trung tâm ở cả hai thành phố đều ở ngưỡng rất thấp. Tại khu vực ngoài Trung tâm, TP HCM ghi nhận mức giá thuê tăng trưởng tốt.
Mức giá thuê ngoài Trung tâm tại TP HCM, mức giá thuê cùng khu vực tăng mạnh lên 53,3 USD/m2/tháng, tương đương với mức tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2023 do một số trung tâm tái cơ cấu khách thuê. Tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn thị trường TP HCM đạt 90%, tăng nhẹ theo năm.
Dự kiến trong năm năm tới, tổng nguồn cung mới trung bình mỗi năm ở TP HCM khoảng 65.000 m2, thấp hơn 57% so với trung bình của 10 năm vừa qua. Vì nguồn cung mới hạn chế, ít dự án quy mô hoàn thành, nhưng sẽ ít khan hiếm hơn trong những năm vừa qua, CBRE kỳ vọng giá thuê tiếp tục tăng nhưng với tốc độ chậm hơn, cụ thể tăng từ 2-3% tại khu vực ngoài trung tâm, và 5-8% tại khu vực trung tâm.
Quảng Nam xử lý dự án hơn 39 tỷ đồng, bỏ hoang nhiều năm; Bắc Giang có thêm dự án khu đô thị mới Chũ Central Park; Cần Thơ chấn chỉnh việc mua bán nhà ở xã hội; Bình Định rà soát các dự án Condotel, gỡ vướng cấp "sổ đỏ"… là những tin tức xây dựng, bất động sản đáng chú ý.
Quảng Nam xử lý dự án hơn 39 tỷ đồng, bỏ hoang nhiều năm; TP HCM đề xuất lập đề án di dời hơn 46.000 căn nhà ven kênh rạch; Ba doanh nghiệp tại TP HCM "chiếm giữ" tài sản nhà, đất của nhà nước… là những tin tức xây dựng, bất động sản đáng chú ý.
Là dự án hiếm đang triển khai giữa nội đô, tổ hợp căn hộ Hanoi Melody Residences (Tây Nam Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) khiến khách mua ở thực, đặc biệt là nhóm khách gia đình vô cùng ưa chuộng nhanh chóng nhờ bộ 3 tiện ích mua sắm, chăm sóc sức khỏe và giáo dục liền kề.
Ngày 11/11 sẽ là thời điểm tổ chức phiên đấu giá 32 thửa đất LK05 và LK06 tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Đa số các lô đất có diện tích khoảng 97 m2, cá biệt có những lô rộng tới 144 - 172 m2.
Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (PCCC & CHCN) - Công an TP Hà Nội (PC07) đã tiến hành kiểm tra Khu đô thị Eurowindow River Park ngày 18/10/2024, qua đó ra biên bản xác nhận hệ thống PCCC tại đây hoạt động ổn định, đáp ứng các yêu cầu an toàn cho cư dân.
Nguồn cung căn hộ mở mới tại TP HCM trong quý 3/2024 ghi nhận con số thấp nhất trong 5 năm qua - với 125 căn, giảm 89% so với quý trước. Giá bán trung bình của toàn thị trường TP HCM tiếp tục tăng, đạt 80,2 triệu/m2.
Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý III/2024. Hiện cả nước đang triển khai xây dựng 939 dự án nhà ở thương mại với quy mô khoảng 426.158 căn, có 55 dự án đủ điều kiện mở bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 49 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2022/TT-NHNN quy định về bảo lãnh ngân hàng, có hiệu lực thi hành từ 10/12.