Bất động sản Biz

Tin bất động sản ngày 23/3: Nhiều vướng mắc khi làm dự án vành đai ngàn tỉ tại Cần Thơ

Thứ năm, 23/03/2023 | 09:45 Theo dõi BĐS Biz trên

Tin bất động sản ngày 23 2 đáng chú ý với thông tin sau hơn bốn tháng khởi công, dự án đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ gặp nhiều vướng mắc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nên chỉ có 17% mặt bằng để thi công và các sản phẩm tại dự án Vinh Lotus Residence tại TP Vinh (Nghệ An) có mức giá khoảng 26 triệu đồng m2...

Cần Thơ: Nhiều vướng mắc khi làm dự án vành đai ngàn tỉ

Ngày 22/3, UBND TP Cần Thơ có buổi làm việc cùng các đơn vị liên quan về tình hình thi công dự án đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ (nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C).

Dự án có chiều dài hơn 19,2km, tổng mức đầu tư hơn 3.837 tỉ đồng, do Sở Giao thông Vận tải TP Cần Thơ (GTVT) làm chủ đầu tư. Điểm đầu giao với Quốc lộ 91 đoạn sau cầu Ô Môn, điểm cuối giao với Quốc lộ 61C. Đường vành đai phía Tây TP Cần Thơ đi qua địa bàn huyện Phong Điền và các quận Ninh Kiều, Ô Môn, Bình Thủy và Cái Răng, ảnh hưởng khoảng 1.380 hộ dân.

Đến nay, các địa phương có dự án đi qua chỉ mới ban hành các quyết định phê duyệt, chi trả bồi thường cho khoảng 419 trường hợp. Thống kê đến nay, tổng chiều dài mặt bằng đã bàn giao có thể triển khai thi công tính chỉ được 17%.

Đối với gói thầu xây lắp, ngày 18/3 chỉ có một nhà thầu tập kết được hai xe cuốc, tiến hành phát quang, đào khuôn đường được khoảng 680m. Hai nhà thầu còn lại hiện vẫn chưa có mặt bằng thi công. Do đó, các đơn vị này đang tập trung hoàn thiện thủ tục liên quan đến nhân sự, đầu vào nguồn vật liệu...

Theo Sở GTVT TP Cần Thơ, dự án hiện đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, số lượng các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án khoảng 1.380 trường hợp, nhưng đến thời điểm này các địa phương chỉ phê duyệt được 416 trường hợp.

Dự án đường vành đai phía tây TP Cần Thơ có tổng mức đầu tư hơn 3.837 tỉ đồng, do Sở GTVT TP làm chủ đầu tư, khởi công ngày 17-11-2022
Dự án đường vành đai phía tây TP Cần Thơ có tổng mức đầu tư hơn 3.837 tỉ đồng, do Sở GTVT TP làm chủ đầu tư, khởi công ngày 17/11/2022. Ảnh: PLO.vn
 

Cạnh đó, các khu tái định cư của các quận, huyện đang trong giai đoạn hoàn thiện và chưa áp giá nền tái định cư nên chưa đủ điều kiện để bàn giao nền cho các hộ dân. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Một vấn đề nữa là theo khái toán sơ bộ của các địa phương tính theo giá đất năm 2022 thì kinh phí công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư toàn bộ dự án dự kiến tăng. Tuy nhiên, với kinh phí được duyệt ban đầu chỉ giải quyết cho khoảng 40% số hộ, còn lại 60% phải chờ điều chỉnh chủ trương đầu tư mới triển khai tiếp tục được.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Dương Tấn Hiển Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ yêu cầu Sở GTVT xây dựng kế hoạch chi tiết để có lộ trình cụ thể triển khai thi công dự án và giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Đối với việc bố trí tái định cư, ông Hiển cho rằng có thể tổ chức bốc thăm giao nền trước khi có quyết định.

“Thực tế một số người dân nhận nền tái định cư nhưng xây nhà chỉ khoảng 30%, còn lại là bán nền, do đó, có thể đẩy mạnh phương án tái định cư phân tán. Ngoài ra, cần tính thêm phương án xây chung cư tái định cư thì mới đủ để bố trí” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ lưu ý.

Cần quy định bổ sung nguồn tài chính cho phát triển quỹ đất

Cần có quy định bổ sung một số "nguồn tài chính khác" cho "Quỹ phát triển đất" như dành một tỷ lệ nhất định nguồn thu từ hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, lợi nhuận xổ số kiến thiết trong năm của địa phương, hoặc đề nghị Chính phủ quy định cơ cấu, tổ chức, chức năng nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của "Tổ chức phát triển quỹ đất" .

Trên đây là nội dung góp ý của Hiệp hội Bất động sản TP HCM đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến các quy định về cơ chế phát triển quỹ đất, tổ chức phát triển quỹ đất.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP HCM, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã “đổi mới tư duy kinh tế về đất đai” thể hiện trong quy định “Nhà nước đầu tư phát triển quỹ đất để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư” và cơ chế “Quỹ phát triển đất” ứng vốn cho “Tổ chức phát triển quỹ đất” để thực hiện “việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất”.

Điều 113 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định nguồn thu tài chính của “Quỹ phát triển đất” được tiếp nhận từ 3 nguồn gồm được phân bổ từ ngân sách Nhà nước; huy động các nguồn khác theo quy định của pháp luật; được phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất.

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho rằng, nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương không nhiều, nhất là đối với các tỉnh vùng sâu vùng xa, ngay cả TP HCM thì nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất năm 2021 cũng chỉ có 11.229 tỷ đồng, nếu trích 10% thì cũng chỉ được 1.122 tỷ đồng, không đáp ứng được yêu cầu về vốn để thực hiện nhiệm vụ của “Quỹ phát triển đất” và “Tổ chức phát triển quỹ đất”.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị bổ sung quy định cấp tỉnh dành một tỷ lệ nhất định nguồn thu từ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, lợi nhuận xổ số kiến thiết trong năm của địa phương để tạo nguồn tài chính cho “Quỹ phát triển đất”.

Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò đầu tàu phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh minh họa
Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò đầu tàu phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh minh họa
 

Theo ông Lê Hoàng Châu, quán triệt chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, về nội dung: “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.

Đồng thời, hoàn thiện tổ chức, bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các tổ chức phát triển quỹ đất, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đủ năng lực tạo lập, quản lý, khai thác quỹ đất, thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất”, chúng tôi nhận thấy, với quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nguồn tài chính của “Quỹ phát triển đất” sẽ tăng trưởng lớn mạnh và theo thời gian dần dần Nhà nước có thể trở thành nhà cung ứng quỹ đất lớn nhất, tin cậy nhất trên “thị trường sơ cấp” về đất đai của “thị trường bất động sản” đi đôi với cơ chế “Quỹ phát triển đất” ứng vốn cho “Tổ chức phát triển quỹ đất” để thực hiện “việc bồi thường, giải phóng mặt bằng” hỗ trợ, tái định cư thật thỏa đáng, thật chu đáo cho người có đất bị thu hồi, rồi sau đó thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thì hoàn toàn có thể hạn chế tối đa việc xảy ra khiếu kiện của người dân.

Bên cạnh đó, theo ông Châu, hiệp hội nhận thấy khoản 2 Điều 114 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), quy định “Đất thuộc quỹ đất được giao, cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư theo quy định của pháp luật” chưa thể hiện đầy đủ yêu cầu phải thực hiện “theo quy định của Luật Đất đai và pháp luật có liên quan”\'; trong đó, chủ yếu là thực hiện “đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư” để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch và cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Về hoạt động của “Tổ chức phát triển quỹ đất”, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, để hoạt động hiệu quả thì vừa phải có nguồn vốn tài chính ban đầu đủ lớn để hoạt động, vừa phải xây dựng được cơ cấu, tổ chức, chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động rất chủ động, năng động (tương tự như tính chủ động, năng động của doanh nghiệp tư nhân), nhưng vừa phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, nên cơ chế, tổ chức hoạt động của “Tổ chức phát triển quỹ đất” cần được Chính phủ quy định chi tiết.

Từ phân tích trên, đại diện hiệp hội kiến nghị, sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 113 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), theo hướng UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, dành một tỷ lệ nhất định nguồn thu từ hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, lợi nhuận xổ số kiến thiết hàng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất”. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 115 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) “Chính phủ quy định cơ cấu, tổ chức, chức năng nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổ chức phát triển quỹ đất”.

Quy hoạch TP. Biên Hòa trở thành đô thị dịch vụ và công nghiệp của Đồng Nai

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 252/QĐ-TTg (ngày 17/3/2023) phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Biên Hòa gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố, 30 đơn vị hành chính cấp phường/ xã với diện tích hơn 26.407 ha.

Mục tiêu của việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch là chuyển đổi dần từ mô hình cấu trúc “đô thị công nghiệp” sang mô hình cấu trúc “đô thị dịch vụ và công nghiệp”; hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững.

Cụ thể, phát triển TP Biên Hòa trở thành một trong các cực tăng trưởng trọng điểm của vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; có vai trò quan trọng trong vùng đô thị TP HCM; phát huy thế mạnh kết nối vùng và quốc tế về dịch vụ thương mại, logistics, công nghiệp công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.

Tạo lập không gian đô thị có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng xã hội hiện đại, tiện nghi, đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố. Hướng tới phát triển đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa, lịch sử đặc trưng; đảm bảo các yêu cầu về quốc phòng - an ninh của vùng và quốc gia.

TP Biên Hòa có tính chất là đô thị loại I, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, dịch vụ, khoa học kỹ thuật của tỉnh Đồng Nai; có vai trò là đô thị hạt nhân trong vùng đô thị trung tâm của tỉnh; là một trong các trung tâm công nghiệp, dịch vụ, văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, giáo dục nghề nghiệp và đổi mới sáng tạo; đầu mối logistics quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng Đông Nam bộ.

Đồng thời, TP Biên Hòa là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng trong vùng Đông Nam bộ, gắn với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Vành đai 3 - TP HCM và cảng Đồng Nai; là địa bàn trọng điểm chiến lược về quốc phòng - an ninh của vùng cũng như của cả nước.

Dự kiến đến năm 2030, TP Biên Hòa có quy mô dân số từ 1,5-1,6 triệu người; đất xây dựng đô thị khoảng 20.000 -21.000 ha, trong đó, đất dân dụng khoảng 11.300-12.800 ha. Đến năm 2045, dân số đạt từ 1,9-2 triệu người; đất xây dựng đô thị khoảng 22.000 -23.000 ha (đất dân dụng khoảng 13.300-15.000 ha).

Quy hoạch cũng yêu cầu phát triển TP Biên Hòa theo các tiêu chí, như: nâng cao chất lượng các khu chức năng hiện hữu là động lực phát triển của đô thị như: các khu công nghiệp Biên Hòa II, Amata, Loteco, Agtex Long Bình, khu du lịch Bửu Long… Hình thành các trung tâm là động lực phát triển mới của đô thị để đáp ứng các yêu cầu về phát triển dịch vụ, văn hóa, khoa học – công nghệ, giáo dục nghề nghiệp và đổi mới sáng tạo, đầu mối logistics…

Bên cạnh đó, hướng phát triển đô thị cần tạo sự kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành; đề xuất kết nối sân bay Biên Hòa với các khu vực chức năng đô thị; Định hướng hệ thống cây xanh và không gian mở đô thị gắn với cảnh quan sông Đồng Nai, sông Cái, cù lao Hiệp Hòa… Rà soát quỹ đất rừng trồng tại các phường Trảng Dài, Phước Tân, Tam Phước để đề xuất khai thác phù hợp…

Được biết, hiện nay, Biên Hòa đang có số dân khoảng 1,2 triệu người, là thành phố thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước, tương đương với 2 thành phố trực thuộc trung ương là Đà Nẵng và Cần Thơ và cao hơn dân số của 37 tỉnh, thành phố khác (ngoại trừ TP Thủ Đức, TP HCM, theo cơ chế đặc thù của Quốc hội).

Biên Hòa còn là một thành phố công nghiệp của tỉnh Đồng Nai với hệ thống các khu công nghiệp lớn khi đã có 31 khu công nghiệp đã vào hoạt động. Ngoài ra, cùng với cảng hàng không quốc tế Long Thành đang xây dựng, hệ thống cảng biển, như: cảng Gò Dầu và cảng Cái Mép - Thị Vải; cảng Phước An cũng đang được xây dựng… cũng như các tuyến quốc lộ lớn chạy qua, như: quốc lộ 1 (chiều dài đi qua là 13 km), quốc lộ 1K (chiều dài đi qua là 14 km và quốc lộ 51 (chiều dài đi qua là 16 km), do đó, tỉnh đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 20-25%/ hằng năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP của tỉnh từ 10-15%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 35%...

Vinh Lotus Residence: Dự án căn hộ chung cư tại Nghệ An

Vinh Lotus Residence nằm trên đường Hồng Bàng, phường Quang Trung, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Dự án nằm ngay trung tâm thành phố, liền kề tuyến đường lớn như Quang Trung, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Phú thuận tiện di chuyển trong thành phố và các vùng lân cận.

Vinh Lotus Residence là dự án căn hộ chung cư có tổng diện tích 900,93 m2, mật độ xây dựng 40%, nằm trong quần thể dự án Vincom Shophouse Vinh diện tích 3,8 ha.

Chung cư Vinh Lotus Residence được thiết kế xây dựng với 1 tòa tháp cao 21 tầng với 413 căn hộ. Trong đó:

Tầng 1: Trung tâm thương mại.

Tầng 2 – 15: Là căn hộ tái định cư cho cư dân ở khu tập thể Quang Trung cũ.

Tầng 16 – 21: Căn hộ thương mại của Tập đoàn Vingroup.

Mỗi tầng tại tòa tháp sở hữu 20 căn hộ, được thiết kế từ 1 – 3 phòng ngủ. Diện tích mỗi căn đa dạng từ 27,6 – 100,9 m2.

Vinh Lotus Residence
Dự án Vinh Lotus Residence.
 

Từ dự án Vinh Lotus Residence, cư dân thuận tiện di chuyển đến các tiện ích lân cận như: Cách chợ Vinh 500 m, cách khu vui chơi giải trí Galaxy 500 m, cách quảng trường thành phố Viinh 1 km, cách công viên trung tâm 1 km, cách quảng trường Hồ Chí Minh 2 km…

Chủ đầu tư dự án Vinh Lotus Residence Nghệ An là Tập đoàn Vingroup – Công ty CP, tổng thầu xây dựng dự án Delta Group.

Theo tìm hiểu được biết, dự án Vinh Lotus Residence có tên pháp lý là dự án Cải tạo khu B khu chung cư Quang Trung tại phường Quang Trung, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Dự án được chủ đầu tư khởi công vào tháng 06/2019, hiện đã hoàn thành và đang trong quá trình chuẩn bị bàn giao cho khách hàng.

Ngày 31/01/2021, Công ty Cổ phần Xây dựng và Ứng dụng Công nghệ Delta-V thuộc Delta Group tổ chức lễ cất nóc dự án Vinh Lotus Residence.

Theo thông tin từ môi giới trên thị trường, các sản phẩm tại dự án Vinh Lotus Residence có mức giá khoảng 26 triệu đồng/m2.

Bảo An

Theo sohuutritue.net.vn Copy
Tin bất động sản ngày 19/3: Khởi tố vụ án bán đất chênh lệch giá hơn 11 tỷ đồng

Tin bất động sản ngày 19/3: Khởi tố vụ án bán đất chênh lệch giá hơn 11 tỷ đồng

Nha Trang sắp có thêm dự án căn hộ quy mô 434 căn; Quảng Nam sắp có thêm khu công nghiệp sinh thái hơn 435 ha; Bắc Giang tìm nhà đầu tư cho dự án khu dịch vụ thương mại, thể dục thể thao gần 200 tỷ đồng… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
2 lần hạ lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ vẫn “ế vốn”, doanh nghiệp đề xuất nới thêm đối tượng được vay

2 lần hạ lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ vẫn “ế vốn”, doanh nghiệp đề xuất nới thêm đối tượng được vay

Trước đây, chúng ta có gói 30 ngàn tỷ đồng nhưng sau đó đã dừng, nên nhiều khách hàng là người dân, công nhân, lực lượng vũ trang khi mua nhà không được hưởng ưu đãi...
Chuyên gia: Nên quy hoạch các vị trí gần trung tâm để xây nhà ở xã hội cho thuê

Chuyên gia: Nên quy hoạch các vị trí gần trung tâm để xây nhà ở xã hội cho thuê

Chúng ta phải có một chương trình, quy hoạch những vị trí ở gần trung tâm nhưng lợi thế thương mại thấp để xây dựng quỹ nhà ở cho thuê. Chỉ cho thuê chứ không bán, như vậy chúng ta mới đáp ứng được nhu cầu của người thu nhập thấp về chỗ ở.
Bộ Xây dựng đề xuất giảm thêm lãi suất vay gói 120.000 tỷ

Bộ Xây dựng đề xuất giảm thêm lãi suất vay gói 120.000 tỷ

Ngày 16/3, tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, xem xét hạ lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng với nhà ở xã hội để phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Tin bất động sản tuần qua: Nên cho thuê 100% nhà ở xã hội

Tin bất động sản tuần qua: Nên cho thuê 100% nhà ở xã hội

Thái Nguyên đấu giá 22 lô đất khu dân cư, giá khởi điểm 1,25 tỷ đồng; Hơn 100 dự án bất động sản tại Long Biên đưa vào sử dụng trong năm 2024; Thanh Hóa điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở… là những tin tức bất động sản...
HoREA: Người mua nhà dưới 3,5 tỷ đồng được vay gói 120.000 tỷ đồng

HoREA: Người mua nhà dưới 3,5 tỷ đồng được vay gói 120.000 tỷ đồng

Đây là ý kiến của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 diễn ra ngày14 3.
Giá nhà bình dân tại Hà Nội, TP HCM tăng 20-30% 'nhà ở vừa túi tiền' gần như 'tuyệt chủng'

Giá nhà bình dân tại Hà Nội, TP HCM tăng 20-30% 'nhà ở vừa túi tiền' gần như 'tuyệt chủng'

Đây là những thông tin mà LS. TS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn CEO đã trình bày tham luận với nội dung Phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền...
Thủ tướng yêu cầu có giải pháp tín dụng với từng doanh nghiệp bất động sản

Thủ tướng yêu cầu có giải pháp tín dụng với từng doanh nghiệp bất động sản

Thủ tướng yêu cầu rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với từng doanh nghiệp, từng dự án đủ điều kiện.
Bất động sản Biz