Bình Dương thông qua quy hoạch 2 khu công nghiệp quy mô 1.500 ha; Dự án nhà ở xã hội gặp khó khi vay gói tín dụng 120.000 tỉ đồng; Hà Giang dự kiến chi gần 1.300 tỉ xây 1.500 căn nhà ở xã hội… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Bình Dương thông qua quy hoạch 2 khu công nghiệp quy mô 1.500 ha; Dự án nhà ở xã hội gặp khó khi vay gói tín dụng 120.000 tỉ đồng; Hà Giang dự kiến chi gần 1.300 tỉ xây 1.500 căn nhà ở xã hội… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Theo Thanh tra TP HCM, dự án cao ốc văn phòng tại địa chỉ số 257 Điện Biên Phủ, phường 6, quận 3, TP HCM do Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV (Resco), doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án khoảng 300 tỉ đồng.
Từ năm 2006, UBND TP HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cao ốc văn phòng tại địa chỉ số 257 Điện Biên Phủ, nhưng đến thời điểm thanh tra vào tháng 1/2021, dự án vẫn chưa hoàn thành đưa vào khai thác, tất cả các gói thầu thi công tại dự án này đều chậm tiến độ.
Thanh tra TP HCM kết luận, khu đất số 257 đường Điện Biên Phủ, phường 6 quận 3 là đất của nhà nước trả tiền thuê hằng năm nhưng Resco kêu gọi đầu tư góp vốn từ Nguyễn Kim khi chưa xin ý kiến của UBND TP HCM.
Thanh tra TP HCM cho biết số tiền huy động từ Nguyễn Kim là 168,9 tỉ đồng. Vì tổng mức đầu tư thực tế vào dự án giảm so với dự kiến ban đầu nên cần rà soát lại số tiền mỗi bên góp vào dự án sau khi quyết toán công trình.
Từ đó, xem xét lại tỉ lệ vốn góp và tỉ lệ phân chia lợi nhuận giữa chủ đầu tư và Công ty Nguyễn Kim, đảm bảo lợi ích của chủ đầu tư. Về giá trị vốn góp bằng giá trị thương quyền của khu đất, Resco và Nguyễn Kim đã thống nhất xác định phần vốn góp này là 45 tỉ đồng.
Thanh tra TP HCM cho rằng khu đất này do Nhà nước cho thuê nên giá trị thương quyền của khu đất thuộc về Nhà nước. Resco phải nộp lại số tiền này vào ngân sách nhà nước.
Để xảy ra những hạn chế, thiếu sót tại dự án 257 Điện Biên Phủ, theo Thanh tra TP HCM, trách nhiệm thuộc về Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc phụ trách, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của Resco cùng tổ chức, cá nhân có liên quan trong thời kỳ phát sinh vụ việc.
Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Dương vừa ban hành Nghị quyết số 13 về việc thông qua nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng (tỉ lệ 1/5.000) Khu công nghiệp Cây Trường.
Cụ thể, Khu công nghiệp Cây Trường có vị trí tại thị trấn Lai Uyên và xã Cây Trường 2 (huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương). Phía Đông giáp đất cao su (thuộc thị trấn Lai Uyên); phía Tây giáp đường Hồ Chí Minh (thuộc xã Cây Trường 2); phía Nam giáp Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng và đất cao su; phía Bắc giáp đất cao su (thuộc xã Cây Trường 2). Quy mô lập quy hoạch 700ha với khoảng 35.000 người.
Tỉnh Bình Dương vừa ban hành Nghị quyết số 12 và 13 về việc thông qua quy hoạch Khu công nghiệp Cây Trường và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 3 với tổng diện tích lên đến 1.500 ha.
Khu công nghiệp Cây Trường được xác định là một khu công nghiệp tập trung, đa ngành với các loại hình công nghiệp thu hút các dự án đầu tư có các ngành nghề theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Bình Dương cũng ban hành Nghị quyết số 12 về việc thông qua Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 3 (giai đoạn 2).
Theo đó, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 3 được lập quy hoạch phân khu xây dựng có vị trí nằm trên địa bàn của 2 đơn vị hành chính gồm phường Hội Nghĩa thuộc Tp. Tân Uyên và xã Tân Lập thuộc huyện Bắc Tân Uyên.
Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 3 có ranh giới phía Bắc giáp tuyến ĐT 745A theo quy hoạch và giáp khu vực đã lập Quy hoạch phân khu xây dựng giai đoạn 1 (196,45ha); phía Nam giáp đường Vành đai 4 theo quy hoạch Vùng Tp. HCM. Phía Đông giáp đất dân cư xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên; phía Tây giáp đất cao su thuộc Công ty Cổ phần cao su Phước Hòa và khu vực đã lập Quy hoạch phân khu giai đoạn 1 (196,45ha). Quy mô lập quy hoạch khu công nghiệp là 803,55ha với quy mô lao động từ 33.000 - 35.000 người.
Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 3 (giai đoạn 2) là khu công nghiệp sản xuất tập trung đa ngành nghề, trong đó, ưu tiên khai thác các loại hình công nghiệp công nghệ cao, gắn với khu trung tâm dịch vụ, điều hành của toàn Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 3 và kết nối trục giao thông đối ngoại đường ĐT 746.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cách đây 2 tháng đã công bố danh mục dự án được vay gói tín dụng 120.000 tỉ đồng để xây nhà ở xã hội nhưng đến giờ, doanh nghiệp vẫn chưa vay được vì "khó ở ngân hàng".
Tại tọa đàm “Mua nhà để ở, bây giờ hay đợi thêm?” vừa diễn ra tại TP HCM, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, cho biết theo thống kê, hiện có 39 dự án nhà ở xã hội được cấp phép xây dựng trên cả nước với nhu cầu đầu tư khoảng hơn 39.000 tỉ đồng.
Trong đó, doanh nghiệp có nhu cầu vay và thuộc đối tượng vay gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ (theo Nghị quyết 33 năm 2023 của Chính phủ) khoảng 18.000 tỉ đồng.
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, riêng khu vực phía Nam, TP HCM có 6 dự án, tỉnh Bình Dương 4 dự án, Kiên Giang 2 dự án, Vũng Tàu 1 dự án và An Giang 2 dự án.
"Thế nhưng, đến nay, cái khó vẫn nằm tại ngân hàng tại vì vay đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhưng ngân hàng lại đưa ra điều kiện vay như làm dự án nhà ở thương mại. Cách đây 2 tháng, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công bố danh mục dự án được vay gói 120.000 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa vay được vì ngân hàng yêu cầu rất nhiều giấy tờ" - ông Nguyễn Mạnh Khởi nói.
Đây là nội dung có trong Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Trong kế hoạch này, tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 1.500 căn hộ nhà ở xã hội được Thủ tuóng Chính phủ giao tại Đề án, vượt 400 căn so với chỉ tiêu 1.100 căn theo nội dung Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Hà Giang đến năm 2030.
Tổng kinh phí dự kiến để đạt chỉ tiêu 1.500 căn hộ nhà ở xã hội khoảng 1.277 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn đến năm 2025 là 340 tỉ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là 937 tỉ đồng.
Kinh phí này từ vốn ngân sách nhà nước, vốn xã hội hoá của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng ưu đãi, vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội và các nguồn vốn hợp pháp khác.
UBND tỉnh Hà Giang giao Sở Xây dựng khẩn trương hoàn thành việc lập Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, thời gian hoàn thành quý 4.2023. Lập kế hoạch triển khai cụt hể cho việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội theo từng năm và theo từng giai đoạn đến năm 2030 đảm bảo nhu cầu thực tiễn của tỉnh. Đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các dự án đang triển khai, các dự án đã có chủ trương đầu tư, bố trí và công khai các quỹ đất đã giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để doanh nghiệp quan tâm, đề xuất dự án.
Đặc biệt, cần nghiên cứu quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các vị trí thuận tiện, quy mô phù hợp, hạ tầng đầy đủ.
Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ nguồn thu sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng dưới 10ha để đầu tư xây dựng nhà ở nhà xã hội.
Huy Tùng (T/h)