Cần Thơ bổ sung thêm 4 dự án vào danh mục cần thu hồi đất; Hải Dương sắp có cụm công nghiệp 634 tỉ đồng; Ninh Thuận hủy thu hồi đất để xây dự án điện hạt nhân…là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Cần Thơ bổ sung thêm 4 dự án vào danh mục cần thu hồi đất; Hải Dương sắp có cụm công nghiệp 634 tỉ đồng; Ninh Thuận hủy thu hồi đất để xây dự án điện hạt nhân…là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2023, Thành phố đã nghiệm thu đưa vào sử dụng 1 dự án nhà ở xã hội, với 1.275 căn hộ.
Ngoài ra, TP Đà Nẵng đang triển khai 5 dự án với 3.086 căn hộ, đang xin chủ trương chuyển đổi công năng 2 khu ký túc xá tập trung phía Tây thành phố và Khu ký túc xá tập trung phía Tây thành phố mở rộng tại Khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh với 728 căn.
TP Đà Nẵng cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư và đang kêu gọi đầu tư 3 dự án với 2.851 căn. Ngoài ra đang phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chọn địa điểm để triển khai 1 dự án thiết chế công đoàn, gồm nhà ở và các thiết chế văn hoá, giáo dục, phục vụ công nhân tại quận Liên Chiểu.
Hiện TP Đà Nẵng có quỹ nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước gần 10.000 căn hộ - cao nhất cả nước để bố trí cho thuê đối với các đối tượng khó khăn về nhà ở, thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Theo Sở Xây dựng, thời gian đến TP Đà Nẵng sẽ tập trung rà soát công tác quản lý sử dụng nhà ở xã hội. Ưu tiên nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách để bố trí đối với đối tượng là người có công cách mạng, hộ nghèo, cán bộ công chức có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Đồng thời, triển khai lập và thực hiện Đề án thí điểm bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đang bố trí cho thuê, với số lượng 1.715 căn hộ, nhằm tạo điều kiện cho người đang thuê được mua nhà ở xã hội để ổn định cuộc sống, giảm nguồn lực của nhà nước trong công tác quản lý vận hành nhà ở và bổ sung nguồn kinh phí để tái đầu tư các dự án nhà ở xã hội mới.
Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn vốn ngân sách để triển khai các dự án nhà ở xã hội cho người có công với cách mạng, chuyển đổi công năng 3 khu ký túc xá tại Khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh sang nhà ở công nhân. TP Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện về quỹ đất, cơ chế chính sách để kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngoài ngân sách để bán, cho thuê…
Tính đến tháng 5/2023, TP Đà Nẵng đã hoàn thành 15.213 căn hộ chung cư và 1.146 phòng ký túc xá sinh viên.
HĐND TP Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã nhất trí thông qua Danh mục bổ sung 4 dự án cần thu hồi đất năm 2023 với tổng diện tích 26,83 ha, trong đó diện tích đất trồng lúa là 23,4 ha.
Bốn dự án gồm: Dự án cầu Ô Môn (đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ) thuộc Dự án nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (Khu vực phía Nam). Địa điểm thực hiện Dự án tại phường Thới Hòa và phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, do UBND quận Ô Môn làm chủ đầu tư, có diện tích đất thu hồi năm 2023 là 0,53 ha.
Dự án Trạm 110kV Cái Răng và Đường dây đấu nối, TP Cần Thơ. Địa điểm thực hiện Dự án tại phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, do Tổng Công ty Điện lực Miền Nam làm chủ đầu tư, có diện tích đất thu hồi năm 2023 là 0,65 ha.
Dự án Khu tái định cư phục vụ Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh giai đoạn 1 (Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ) ở xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, do UBND huyện Vĩnh Thạnh làm chủ đầu tư, có diện tích đất thu hồi năm 2023 là 23 ha.
Dự án đầu tư nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ trên địa phận tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ để tổ chức lại giao thông. Dự án thực hiện tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, do UBND huyện Vĩnh Thạnh làm chủ đầu tư, có diện tích đất thu hồi năm 2023 là 2,65 ha.
Tại kỳ họp thường niên thứ 11, HĐND TP Cần Thơ giao UBND Thành phố tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định. UBND TP Cần Thơ chịu trách nhiệm toàn diện trước HĐND Thành phố, cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan khác về tính chính xác của thông tin số liệu, đảm bảo tính minh bạch của dự án.
Mới đây, UBND tỉnh Hải Dương có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp Cao Thắng, xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện trị giá hơn 634 tỉ đồng.
Theo đó, Cụm công nghiệp Cao Thắng được thực hiện đầu tư xây dựng trên diện tích 41,7ha, trong đó diện tích đất công nghiệp 28,4ha; đất giao thông 6,6ha; đất cây xanh 4,6ha; còn lại là đất dịch vụ hành chính, đất hạ tầng kỹ thuật…
Tổng vốn đầu tư dự án hơn 634 tỉ đồng, trong đó vốn tự chủ sở hữu của nhà đầu tư là 264 tỉ đồng, còn lại là vốn vay.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động trước ngày 7/12/2024.
Cũng tại quyết định này UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận cho Công ty cổ phần đầu tư công nghệ Cao Phúc Hưng là nhà đầu tư dự án.
Trước đó, trong cuộc họp thường kỳ tháng 11/2022 (lần 2) của UBND tỉnh Hải Dương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản thống nhất giao Công ty Cổ phần May công nghệ cao Hải Dương làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Cao Thắng.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, Cụm công nghiệp Cao Thắng thuộc địa bàn các xã Cao Thắng, Tứ Cường, huyện Thanh Miện (Hải Dương) được quy hoạch với diện tích gần 49ha, có tổng vốn đầu tư ban đầu là 130 tỉ đồng. Ngành nghề thu hút đầu tư gồm: công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; công nghiệp phụ trợ; sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ và các dự án ít tác động đến môi trường.
Sau đó, Sở Công Thương Hải Dương đề nghị UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận điều chỉnh vốn đầu tư lên 602 tỉ đồng, bổ sung lĩnh vực cơ khí vào ngành nghề thu hút đầu tư.
Theo thống kê, tính tới nay, tại Hải Dương đang có 14 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó, 11 khu công nghiệp đã hoàn thành xong việc quy hoạch và đưa vào hoạt động. Có 46 cụm công nghiệp có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế của tỉnh. Đến năm 2025, Hải Dương phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại hóa.
Chiều ngày 13/7, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có thông báo hủy việc thu hồi đất để xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) và Ninh Thuận 2 (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải).
Lý do hủy các thông báo thu hồi đất trước đó nhằm thực hiện Nghị quyết 31 ngày 22/11/2016 của Quốc hội dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.
UBND tỉnh Ninh Thuận giao các địa phương trên thông báo cho các hộ gia đình, cá nhân có đất biết; hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai như: kê khai, đăng ký đất đai; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất... theo quy định.
Năm 2009, hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 được Quốc hội thông qua. Hai nhà máy này có tổng công suất 4.000MW, được xây dựng trên diện tích đất rộng 820ha.
Theo thống kê, có khoảng 1.000 hộ dân với khoảng 3.800 nhân khẩu nằm trong vùng quy hoạch dự án.
Tuy nhiên suốt nhiều năm sau đó dự án không triển khai, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Cuối năm 2016, Quốc hội ra Nghị quyết tạm dừng chủ trương đầu tư dự án.
Huy Tùng (T/h)