CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) đã công bố BCTC hợp nhất quý 4 2022 với 3.218 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 16% so với cùng kỳ.
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) đã công bố BCTC hợp nhất quý 4 2022 với 3.218 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 16% so với cùng kỳ.
Theo đó, kết quả kinh doanh quý 4/2022, HBC ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.218 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, nhưng do kinh doanh dưới giá vốn, công ty lỗ gộp 426 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên trong 13 năm qua, HBC lỗ gộp (lần gần nhất là quý II/2009 lỗ gộp 4 tỷ đồng).
Trong quý 4/2022, doanh thu tài chính ghi nhận mức âm 112 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính đạt 164 tỷ đồng (gấp 2,1 lần cùng kỳ). Chi phí quản lý cũng lên tới 496 tỷ đồng, tăng gấp 3,3 lần, chủ yếu do trích lập dự phòng phải thu khó đòi tới 358 tỷ đồng. Điều này đã khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 1.214 tỷ đồng – lần đầu tiên âm kể từ quý III/2020.
Kết quý 4/2022, HBC báo lỗ trước thuế 1.215 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 47 tỷ đồng; lỗ sau thuế 1.202 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 19 tỷ đồng.
Luỹ kế năm 2022, doanh thu thuần đạt 14.122 tỷ đồng, tăng 24%, song lợi nhuận gộp chỉ đạt 258 tỷ đồng, giảm 69% so với năm trước.
Do quý IV ghi nhận doanh thu âm, nên doanh thu tài chính cả năm chỉ còn 158 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính lên tới 521 tỷ đồng (tăng 72%) và chi phí quản lý tới 939 tỷ đồng (tăng 2,3 lần).
Kết quả là HBC lỗ trước thuế 1.102 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 148 tỷ đồng; lỗ sau thuế 1.140 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 97 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử HBC lỗ sau thuế và lại lỗ rất đậm.
Năm 2022, HBC đặt mục tiêu doanh thu thuần 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng. Như vậy, HBC mới chỉ hoàn thành được 80% mục tiêu doanh thu và không hoàn thành được % mục tiêu lợi nhuận nào.
Về tài sản, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của HBC đạt 16.926 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản có điểm đáng chú ý là sự sụt giảm mạnh của khoản tiền và tương đương tiền, giảm 33%, còn 493 tỷ đồng.
Trong khi đó, các khoản phải thu tăng 5%, lên 12.212 tỷ đồng, chiếm tới 72% tổng tài sản; riêng khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng gấp đôi lên 774 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 31/12/2022 đạt 14.283 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Như vậy, có tới 84% tài sản của HBC được hình thành từ nợ phải trả. Trong đó, nợ vay là 6.130 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm.
Vốn chủ sở hữu của HBC đã giảm mạnh (-35%) xuống còn 2.643 tỷ đồng, do khoản lỗ khổng lồ năm 2022. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu do vậy đạt tới 5,4 lần, tăng mạnh so với mức 3,08 lần hồi đầu năm.
Dòng tiền kinh doanh năm 2022 của HBC rất xấu khi âm 844 tỷ đồng, do tăng các khoản phải thu (919 tỷ đồng), chi trả lãi vay (515 tỷ đồng). Dòng tiền đầu tư cũng âm 614 tỷ đồng, do tăng mua sắm tài sản (252 tỷ đồng), tăng chi cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác và tăng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.
Hệ quả tất yếu là dòng tiền vay/trả được đẩy lên ngưỡng rất cao, đạt 10.788 tỷ đồng/9.754 tỷ đồng, lần lượt tăng 10% và giảm 0,7% so với năm trước. Lưu chuyển tiền thuần cả năm âm 241 tỷ đồng.
Năm 2022, Hòa Bình từng gây chú ý với các nhà đầu tư và thị trường bởi lùm xùm xung quanh chiếc ghế Chủ tịch HĐQT.
Cụ thể, thông cáo báo chí ngày 31/12/2022 của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình khẳng định, ông Lê Viết Hải tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Thế nhưng, chỉ một ngày sau đó (1/1/2023), ông Nguyễn Công Phú (người vừa được bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT theo Nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐQT HBC ngày 14/12/2022) đã có đơn gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để nhờ bảo vệ lợi ích vì cho rằng, việc ông Lê Viết Hải và ông Nguyễn Văn Tịnh (người phụ trách quản trị công ty) ban hành Nghị quyết HĐQT số 53/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 31/12/2022 là không có căn cứ và cơ sở pháp lý để thực hiện.
Đáng chú ý, thời điểm đó, nhóm ông Nguyễn Công Phú - những người đang đấu tranh quyết liệt sau cú "quay xe" hoãn từ nhiệm của ông Chủ tịch Lê Viết Hải đã tung ra nhiều thông tin về tình hình quản trị và tài chính của Hòa Bình theo chiều hướng kém tích cực.
Trên thị trường chứng khoán, mặc dù ghi nhận đà hồi phục trong tháng cuối năm 2022, nhưng so với thời điểm đầu năm, thị giá cổ phiếu HBC đã giảm khoảng 65%, vốn hóa theo đó cũng giảm hàng nghìn tỷ đồng. Chốt phiên cuối tuần này (10/2/2023), cổ phiếu HBC đang dừng ở mức 9.010 đồng/cp (-2,6%).
Lam Phương