Từ cuối tháng 2/2023 đến nay, các chi nhánh của ngân hàng Agribank liên tục rao bán hàng loạt các lô đất nông nghiệp diện tích lớn có giá từ vài tỷ đồng đến trăm tỷ đồng để thu hồi nợ xấu.
Từ cuối tháng 2/2023 đến nay, các chi nhánh của ngân hàng Agribank liên tục rao bán hàng loạt các lô đất nông nghiệp diện tích lớn có giá từ vài tỷ đồng đến trăm tỷ đồng để thu hồi nợ xấu.
Những ngày gần đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) liên tục thông báo rao bán một loạt tài sản đảm bảo là các lô đất nông nghiệp có diện tích lớn để thu hồi nợ. Những tài sản được rao bán đấu giá gồm đất trồng cây lâu năm, đất trồng lúa, đất vườn… Mỗi tài sản có tình trạng pháp lý khác nhau.
Chẳng hạn ngày 27/2 vừa qua, ngân hàng Agribank Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn thông báo chào bán 5.000 m2 đất ruộng tại xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP. HCM. Đây là đất trồng lúa, hạn sử dụng đến 30/8/2016. Giá khởi điểm là 7 tỷ đồng. Tài sản được bán theo nguyên trạng và theo phương thức có sao bán vậy.
Cùng ngày, Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn cũng rao bán quyền sử dụng đất tại thửa đất số 624, số 625, 626 tờ bản đồ số 24 tại xã Nhơn Đức, Huyện Nhà Bè, Thành Phố Hồ Chí Minh với diện tích: 3277,5m2 đất trồng lúa. Giá khởi điểm 6,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi nhánh này cũng thông báo đăng bán đấu giá 8 quyền sử dụng đất vườn tại xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP. HCM. Các lô đất này có tổng diện tích 13.035m2, được ngân hàng Agribank chào bán với giá khởi điểm 24,345 tỷ đồng. Đồng thời, Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn rao bán tiếp 12 quyền sử dụng đất vườn tại xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP. HCM. Các lô đất này có tổng diện tích 12.523m2 với giá khởi điểm hơn 92,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi nhánh này cũng rao bán 7.000m2 đất trồng lúa và 1.053m2 đất trồng cây lâu lâu năm tại xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP. HCM. Nguồn gốc sử dụng cả hai lô đất này là Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất như Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Giá khởi điểm là 14 tỷ đồng.
Ngày 23/2, Agribank Chi nhánh Nhà Bè cũng đang rao bán khu đất rộng 12.187m2 tại xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận. Đây là đất rừng sản xuất có thời hạn sử dụng 50 năm, đến ngày 10/05/2054.
Cùng này, Agribank Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn thông báo rao bán thửa đất số 155 đường Trần Phú, Thị trấn Dương Đông, H. Phú Quốc, T. Kiên Giang với diện tích 432,9m2. Trong đó đất ở đô thị là 200m2 có thời hạn sử dụng lâu dài và đất trồng cây lâu năm là 232,9m2 có thời hạn sử dụng đến tháng 10/2023. Giá khởi điểm là 10,143 tỷ đồng.
Tiếp đến, Agribank AMC cũng thông báo bán đấu giá quyền sử dụng đất tại địa chỉ phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa theo hợp đồng thế chấp giữa Agribank CN Tân Bình ( Bên nhận thế chấp), Ông Nguyễn Hữu Tuấn ( Bên thế chấp) và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Lộc Phan ( Bên vay vốn). Tài sản rao bán có diện tích 5.500,9m2 bao gồm 4.800m2 là đất ở đô thị có thời hạn sử dụng lâu dài và 700,9m2 là đất trồng cây lâu năm có thời hạn sử dụng đến 17/5/2060. Giá khởi điểm hơn 83 tỷ đồng.
Ngày 21/2 vừa qua, ngân hàng Agribank chi nhánh Sơn La thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản của gia đình ông Trần Văn Định là quyền sử dụng đất và các tài sản gắn liền với đất có diện tích 201m2. Trong đó, đất ở đô thị có diện tích 50m2 thời hạn ở lâu dài và đất trồng cây lâu năm có diện tích 151m2 thời hạn sử dụng đến 15/10/2043. Giá khởi điểm là 2,260 tỷ đồng.
Ngoài ra, CN Sơn La cũng thông báo lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản của gia đình ông Trần Công Bắc và Bà Dương Thị Tìu có diện tích 267,2m2 gồm 42,2m2 đất ở đô thị có thời hạn sử dụng lâu dài và 225m2 đất trồng cây lâu năm thời hạn sử dụng đến 30/11/2055. Nguồn gốc sử dụng là nhận chuyển nhượng đất được nhà nước CNQSD đất như giao đất có thu tiền sử dụng. Giá khởi điểm 957 triệu đồng.
Tại Khánh Hòa, Agribank AMC thông báo bán đấu giá 8 lô đất ở tại nông thôn tại xã Cam Thành Bắc và Cam Phước Tây thuộc huyện Cam Lâm. Các lô đất này có tổng diện tích 7.740m2, được Agribank chào bán với giá khởi điểm hơn 71 tỷ đồng.
Như vậy, để xử lý nợ xấu, Agribank đã liên tiếp rao bán hàng loạt các lô đất nông nghiệp có diện tích lớn.
Hiện nhà băng này chưa công bố báo cáo tài chính năm 2022. Theo báo cáo tài chính giữa niên độ với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 15.080 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ.
Tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tăng 5,9% ở mức gần 1,4 triệu tỷ đồng, trích lập dự phòng rủi ro tăng 12,9% với 38.420 tỷ đồng.
Số dư tiền gửi khách hàng của Agribank tăng nhẹ 3,1% lên 1,59 triệu tỷ đồng. Số dư nợ xấu của ngân hàng tăng 22,1% ở mức 29.983 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn chiếm 64,6% nợ xấu (19.375 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu từ 1,87% vào đầu năm tăng lên 2,16% khi kết thúc 6 tháng đầu năm 2022.
Theo số liệu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 cho thấy, tính đến cuối năm 2021, tài sản thế chấp của khách hàng tại Agribank đạt hơn 2,32 triệu tỷ, tương đương tăng hơn 262.000 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2020. Trong đó, riêng bất động sản thế chấp tại Agribank đã có giá trị trên 2,01 triệu tỷ đồng, chiếm 87% tổng giá trị tài sản thế chấp và tăng gần 10% so với năm 2020.
Theo thống kê từ FiinGroup, khoảng 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại hệ thống ngân hàng hiện nay là bất động sản. Việc phát mãi tài sản bảo đảm, bán nợ theo cơ chế thị trường để xử lý nợ xấu gặp trở ngại đáng kể khi thị trường bất động sản gặp khó khăn.
Bất động sản là một trong những tài sản thế chấp được các ngân hàng đẩy mạnh rao bán thời gian qua nhằm xử lý, thu hồi nợ, bên cạnh nhiều tài sản bảo đảm khác như máy móc, nhà xưởng, ôtô, tàu biển...
Hà Phương