HDBank là số ít ngân hàng bị xem xét hạ bậc tín nhiệm trong bối cảnh Moody's vừa tiến hành nâng mức xếp hạng quốc gia của Việt Nam.
HDBank là số ít ngân hàng bị xem xét hạ bậc tín nhiệm trong bối cảnh Moody's vừa tiến hành nâng mức xếp hạng quốc gia của Việt Nam.
Rủi ro từ việc tiếp nhận ngân hàng yếu kém
Tổ chức xếp hạng Moody's Investors Service (Moody’s) vừa ra thông báo cho biết, đang xem xét hạ bậc tín nhiệm đối với Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) sau khi ngân hàng này tuyên bố sẽ tiếp nhận một ngân hàng yếu kém.
Hành động xếp hạng phản ánh kỳ vọng của Moody's rằng việc tiếp nhận này sẽ làm xấu hồ sơ tín dụng tổng thể của ngân hàng này.
HDBank hiện vẫn chưa tiết lộ các thông tin chi tiết của giao dịch bao gồm tên ngân hàng yếu kém, chất lượng tài sản của ngân hàng mục tiêu, vốn hóa, lỗ lũy kế cũng như các ưu đãi mà cơ quan quản lý Việt Nam đưa ra nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tiềm ẩn của giao dịch.
Do đó, Moody's cho biết sẽ xem xét đánh giá lại xếp hạng của HDBank khi có các chi tiết tài chính của giao dịch.
“Mặc dù HDBank sẽ không bị yêu cầu hợp nhất ngân hàng, nhưng Moody's có thể sẽ đánh giá tình hình tài chính của HDBank trên cơ sở hợp nhất vì ngân hàng có thể được yêu cầu thực hiện bơm vốn và hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng mục tiêu trong quá trình phục hồi”, Moody’s cho biết.
Moody's cũng cân nhắc những tác động tiêu cực tiềm ẩn của việc mua lại là rủi ro quản trị trong khuôn khổ môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vì nó phản ánh chiến lược tài chính và quản lý rủi ro của HDBank, có thể làm tổn hại đến hồ sơ tín dụng của ngân hàng.
Tổ chức này cũng cho biết, trong quá trình xem xét, sẽ tập trung vào tác động tài chính của việc công bố mua lại HDBank và chiến lược độc lập của ngân hàng như tăng trưởng tín dụng, kế hoạch tăng vốn, nếu có.
12 ngân hàng được nâng hạng tín nhiệm
HDBank là số ít ngân hàng bị xem xét hạ bậc tín nhiệm trong bối cảnh Moody's vừa tiến hành nâng mức xếp hạng quốc gia của Việt Nam lên 1 bậc, từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng xếp hạng được thay đổi từ tích cực sang ổn định.
Cùng với động thái trên, cơ quan này cũng đã nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của 8 ngân hàng và nâng xếp hạng rủi ro đối tác bằng nội tệ, ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác với 7 ngân hàng Việt.
Cụ thể, 8 ngân hàng được nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn bao gồm Vietcombank, BIDV, OCB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB và VietinBank.
7 ngân hàng được nâng hạng về rủi ro đối tác bằng nội tệ, ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác bao gồm BIDV, Agribank, VietinBank, ABBank, LienVietPostBank, SHB và MSB.
Cũng trong lần đánh giá này, Moody’s điều chỉnh triển vọng xếp hạng của các ngân hàng Agribank, BIDV, OCB, SeABank, TPBank, VIB, Vietcombank và VietinBank từ Ổn định sang Tích cực. Trong khi đó, triển vọng xếp hạng của ABBank, LienVietPostBank và MSB vẫn Ổn định và triển vọng tín nhiệm của SHB vẫn giữ ở Tích cực.
Theo Moody's, sức mạnh tín dụng của Việt Nam là yếu tố đầu vào quan trọng trong việc xếp hạng tiền gửi và nhà phát hành đối với các tổ chức tài chính trong nước. Việc nâng xếp hạng các ngân hàng mới nhất phản ánh khả năng hỗ trợ của chính phủ mạnh mẽ hơn trong thời điểm căng thẳng.
Xem thêm: Những ngân hàng bất ngờ điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm
Trung Kiên