Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng thực sự 'hạ nhiệt' so với trước đây. Đặc biệt, mức lãi suất huy động trên 10% đã biến mất.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng thực sự 'hạ nhiệt' so với trước đây. Đặc biệt, mức lãi suất huy động trên 10% đã biến mất.
Trong những ngày đầu tháng 2/2023, mặt bằng lãi suất tiết kiệm được điều chỉnh tăng/giảm tùy từng ngân hàng. Một số ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,05 – 0,5% nhưng vẫn có một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất từ 0,1 – 0,7% và một số ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất tiết kiệm ổn định so với tháng trước đó.
Theo đó, biểu lãi suất tiết kiệm mới nhất tháng 2/2023 được Techcombank công bố cho thấy giảm tại nhiều kỳ hạn. Sau khi điều chỉnh, khung lãi suất huy động cho kỳ hạn 1 - 36 tháng, lãi lĩnh cuối kỳ đang nằm trong phạm vi 5,9 - 8,7%/năm, đối với phân khúc khách hàng thường và hội viên Techcombank Inspire.
Cụ thể, các kỳ hạn 6 - 11 tháng giảm 0,5 điểm % xuống mức tương ứng là 8,5%/năm. Từ kỳ hạn 12 tháng đến 36 tháng được hưởng mức lãi suất tiết kiệm là 8,7%/năm, cùng giảm 0,3 điểm % so với tháng trước.
Đáng chú ý, đối với kỳ hạn 12 tháng, nếu khách hàng sở hữu khoản tiền gửi từ 999 tỷ trở lên và cam kết không được tất toán trước hạn sẽ được Techcombank áp dụng mức lãi suất tiền gửi cao nhất lên đến 9,5%/năm. Cũng trong tháng 2 này, Techcombank đã điều chỉnh biểu lãi suất tiết kiệm Phát Lộc giảm tại hầu hết kỳ hạn gửi.
Tương tự, lãi suất tiết kiệm tại Sacombank cũng điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, kỳ hạn từ 1 tháng đến 5 tháng lãi suất lần lượt từ 5,7%/năm đến 6%/năm, giảm 0,1 - 0,3 điểm phần trăm. Kỳ hạn 6 - 11 tháng sẽ được hưởng lãi suất ổn định từ 8,3%/năm đến 8,8%/năm.
Tại hai kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng, lãi suất tiền gửi là 8,9%/năm. Hiện tại, 9%/năm đang là mức lãi suất ngân hàng ưu đãi nhất được áp dụng cho hình thức tiết kiệm truyền thống, triển khai cho kỳ hạn từ 15 tháng đến 36 tháng.
Ở chiều ngược lại, các ngân hàng khác như SeABank, NCB, Saigonbank, SCB, MSB, PGBank, VietABank, CBBank, MB,PVBank, HDBank, VPBank, DongABank,BacABank, VietBank, ACB, Eximbank, Bản Việt vẫn giữ nguyên lãi suất so với tháng trước.
Bên cạnh đó, KienlongBank điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm từ 0,1 – 0,7%. Cụ thể, các kỳ hạn 6, 9, 12 tháng đều tăng thêm 0,7% lên mức lần lượt là 9,3%/năm, 9,4%/năm, 9,5%/năm; riêng kỳ hạn 24 tháng có lãi suất niêm yết là 8,5%/năm, tăng thêm 0,1%.
Có thể thấy, trước tết nguyên đán, mức lãi suất tiết kiệm cao nhất của các ngân hàng trong khoảng 9,2-10,2%/năm nay đã hạ xuống phổ biến trong khoảng 8,5-9,5%/năm.
Đặc biệt, Saigonbank là ngân hàng có lãi suất giảm mạnh nhất. Cuối năm 2022, lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng này lên tới 10,5%/năm. Tuy nhiên, chỉ qua 1 tháng, sau Tết Nguyên đán, theo biểu lãi suất mới, cao nhất tại ngân hàng này chỉ còn 9,5%/năm, áp dụng cho các khoản tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng.
Ở nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank), lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn duy trì ổn định so với tháng trước đó. Mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất tại quầy của các ngân hàng này vẫn ghi nhận ở mức 7,4%/năm còn gửi online cao nhất là 8,2%/năm.
Dù có dấu hiệu giảm nhẹ trong tháng đầu năm, nhưng theo các chuyên gia phân tích tại CTCK Vietcombank (VCBS), lãi suất huy động vẫn còn dư địa tăng trong năm 2023. Theo đó, áp lực lớn nhiều hơn vào thời điểm 6 tháng đầu năm, sau đó lãi suất huy động dự báo đi ngang, thậm chí hạ nhiệt vào nửa cuối năm. Lãi suất huy động được dự báo sẽ đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 với mức tăng 1-1,5%.
Ngoài ra, CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, áp lực tăng lãi suất sẽ vẫn còn khi các NHTW trên thế giới vẫn còn có các kế hoạch tăng lãi suất, ít nhất trong đầu năm 2023, đặc biệt là Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Bên cạnh đó, khi dư nợ tín dụng trong hệ thống trong năm vừa rồi đã vượt mức huy động, các ngân hàng trong nước cũng có áp lực thu hút tiền gửi nhằm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn, do đó có thể phải thực hiện tăng lãi suất.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng còn nhiệm vụ ổn định giá cả, đặc biệt trong những tháng đầu năm nay khi áp lực lạm phát đã bắt đầu từ quý 4/2022 và vẫn đang còn rất lớn (BVSC dự báo có thể vượt mục tiêu lạm phát 4,5% trong các tháng đầu năm). Do đó, lãi suất khó có thể có diễn biến giảm ngay trong các tháng đầu năm 2023.
Hà Phương (t/h)