Nhiều ngân hàng rao bán tài sản 'khủng' với giá bèo, chấp nhận mất một nửa, thậm chí mất trắng số tiền lãi hàng chục tỷ đồng để thu hồi khoản nợ xấu.
Nhiều ngân hàng rao bán tài sản 'khủng' với giá bèo, chấp nhận mất một nửa, thậm chí mất trắng số tiền lãi hàng chục tỷ đồng để thu hồi khoản nợ xấu.
Nhiều áp lực về nợ xấu ngày càng gia tăng khi hành lang pháp lý hỗ trợ hết thời gian, buộc các ngân hàng phải tăng cường rao bán tài sản đảm bảo để giảm bớt gánh nặng này.
Vừa qua, Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) có thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty TNHH TH Bonbon (Công ty Bonbon). Giá khởi điểm Agribank AMC đưa ra là 83,8 tỷ đồng, giảm gần 20 tỷ đồng so với lần thông báo hồi tháng 8/2021.
Tài sản đấu giá mà Agribank AMC công bố là nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc gắn liền với quyền sử dụng đất thuê thuộc sở hữu của Công ty Bonbon và toàn bộ máy móc thiết bị phục vụ sản xuất thức ăn gia súc thuộc sở hữu của công ty tại xã Hợp Châu (nay là Thị trấn Hợp Châu), huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Nhóm tài sản gồm hai công trình trên đất giai đoạn 1 và giai đoạn 2 là nhà xưởng và một số hạng mục như nhà văn phòng, nhà ăn, nhà kho Zamin, hệ thống tháp sản xuất. Ngoài ra tài sản đảm bảo cũng là một số hạng mục phụ trợ cùng nhiều hệ thống máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc.
Ngân hàng BIDV cũng thông báo bán đấu giá khoản nợ của CTCP Vertical Synergy Việt Nam. Tổng dư nợ tính đến ngày 14/8 là 477,5 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 347,1 tỷ đồng, dư nợ lãi là 130,3 tỷ đồng.
Giá khởi điểm bán đấu giá là 381,5 tỷ đồng, thấp hơn tổng dư nợ tới 96 tỷ đồng.
Ngân hàng rao bán tài sản bảo đảm của khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 63 (tầng 1) Pasteur, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM, chủ tài sản là ông Hoàng Như Luận. Ngoài ra còn có 12 bất động sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Phường An Phú Đông, Quận 12, TP HCM , chủ tài sản là ông Phạm Văn Công và bà Phạm Thị Nhàn.
Bên cạnh đó tài sản đảm bảo còn có tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 102 Trần Quốc Toản, phường 7, quận 3, TP HCM và hàng tồn kho theo các hợp đồng thế chấp đã ký.
Tương tự, ngân hàng Sacombank cũng rao bán đấu giá 18 khoản nợ liên quan đến dự án KCN Phong Phú (tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM). Tổng giá trị các khoản nợ tính đến ngày 31/12/2021 là 16.196 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là hơn 5.134 tỷ đồng và lãi tồn đọng là hơn 11.061 tỷ đồng.
Mức giá khởi điểm mà ngân hàng đưa ra trong lần đấu giá này là 8.640 tỷ đồng, thấp hơn một nửa so với tổng dư nợ. Phía ngân hàng cho biết sẽ bán toàn bộ 18 khoản nợ, không tách rời.
Được biết, hồi tháng 3/2022, ngân hàng rao bán khoản nợ này với mức giá khởi điểm là 14.577 tỷ đồng nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư tham gia đấu giá. Đến tháng 5/2022 tiếp tục rao bán với giá khởi điểm giảm còn 11.810 tỷ đồng. Đến đầu tháng 8 vừa qua, mức giá khởi điểm mà Sacombank đưa ra chỉ còn 9.600 tỷ đồng và đến tháng 9/2022 còn hơn 8.600 tỷ đồng.
Chủ đầu tư dự án được sở hữu bởi ba cổ đông: CTCP Xây dựng Bình Chánh (BCCI, 70%), CTCP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco, 25%) và Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC, 5%).
Có thể thấy, ngân hàng rao bán tài sản thu hồi nợ xấu chủ yếu là các bất động sản thế chấp. Đây là loại tài sản được các nhà băng ưu tiên nhận cầm cố, thế chấp hơn cả.
Mặc dù chuộng tài sản bảo đảm là bất động sản nhưng việc xử lý những tài sản này để thu hồi nợ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Trên thực tế, những khối bất động sản hàng nghìn tỷ đồng, ngân hàng thường phải rao bán rất nhiều lần, kéo dài vài năm và giảm giá liên tục, thậm chí chấp nhận mất trắng lãi mới có thể bán được thành công.
Xem thêm: Lãi suất vay mua nhà một ngân hàng ghi nhận từ 9,1%/năm
Hoàng Long (t/h)