Báo cáo vừa được công bố “hé lộ” có hàng loạt ngân hàng thời gian qua đã tham gia “giúp sức” cho Novaland phát hành trái phiếu và đưa doanh nghiệp này lên vị trí quán quân trong số doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu từ đầu năm đến nay.
Báo cáo vừa được công bố “hé lộ” có hàng loạt ngân hàng thời gian qua đã tham gia “giúp sức” cho Novaland phát hành trái phiếu và đưa doanh nghiệp này lên vị trí quán quân trong số doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu từ đầu năm đến nay.
Khoảng 3 năm trở lại đây, sau khi bị ngân hàng siết tín dụng cho vay bất động sản, các doanh nghiệp địa ốc đã chuyển hướng sang huy động vốn bằng cách “đua nhau” phát hành trái phiếu để lấy tiền làm dự án.
Theo số liệu mới được công bố của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), chỉ tính riêng từ đầu năm nay đến hết tháng 8/2022, thị trường trái phiếu có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của Công ty CP Tập đoàn Vin Group trị giá 625 triệu USD, 18 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 9.296 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 344 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 211.300 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành).
Như vậy, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm ngân hàng đang dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt gần 119.633 tỷ đồng, tương đương 54.2% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn từ 1 đến 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong nhóm này với 91,998 tỷ đồng, chiếm 76.9%.
Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 47.060 tỷ đồng, chiếm 21.3%. Đáng chú ý, trong nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu thời gian qua thì Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) phát hành nhiều nhất với 9.857 tỷ đồng, xếp sau là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Eagle Side (3.930 tỷ đồng). Lãi suất phát hành trung bình của nhóm này là gần 10.2%/năm.
Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2022 của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NoVa (Novaland, HOSE: NVL) vừa được công bố cuối tháng 8 vừa qua, đến thời điểm này, nợ phải trả của Novaland tăng 21,5% so với hồi đầu năm lên gần 195.000 tỷ đồng, chiếm tới 81,4% tổng nguồn vốn.
Đáng chú ý, trong khi “núi nợ” tăng gần 35.000 tỷ đồng lên gần 195.000 tỷ đồng so với ngày 31/12/2021 thì vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ chiếm gần 18,6% với mức hơn 44.464 tỷ đồng.
Như vậy, nếu so sánh nợ phải trả và vốn chủ sở hữu thì hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đang ở mức rất cao 4,38 lần. Điều này cho thấy cơ cấu nguồn vốn của Novaland đang mất cân đối nghiêm trọng và tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.
Đáng lo ngại hơn là hiện riêng nợ trái phiếu của Novaland đã chiếm tới 72,4% tổng nợ vay với mức 49.663 tỷ đồng (cao gấp 1,12 lần vốn), bao gồm 14.368,7 tỷ đồng nợ trái phiếu ngắn hạn và 35.294,2 tỷ đồng dài hạn.
Báo cáo vừa được công bố cũng hé lộ có hàng loạt ngân hàng thời gian qua đã tham gia “giúp sức” cho Novaland phát hành trái phiếu và đưa doanh nghiệp này lên vị trí quán quân trong số doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu từ đầu năm đến nay.
Theo báo cáo, tính tới ngày 30/6/2022, trái chủ lớn của Novaland là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 9.100 tỷ đồng, bao gồm 2.180 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn và 6.920 tỷ đồng dài hạn. Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) với 7.877,4 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cũng mua 1.300 tỷ đồng trái phiếu của Novaland….
Cụ thể, với loại trái phiếu ngắn hạn. Đứng đầu danh sách tham gia phát hành trái phiếu cho Novaland là Công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương với lô trái phiếu có trị giá 1.290 tỷ đồng.
Đây là khoản huy động bằng việc phát hành trái phiếu theo mệnh giá bằng VNĐ có ngày đáo hạn cuối cùng vào năm 2022. Lãi suất cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên cố định bằng 10,5%/năm.
Lãi suất cho các kỳ tính lãi tiếp theo được điều chỉnh 3 tháng một lần và bằng lãi suất tham chiếu tại thời điểm điều chỉnh cộng 4,2%/năm. Trái phiếu này được đảm bảo bằng cổ phần của công ty thuộc sở hữu của các cổ đông và phần vốn góp của công ty tại công ty con.
Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng với lô trái phiếu 1.180 tỷ đồng. Đây là các khoản huy động bằng việc phát hành trái phiếu theo mệnh giá bằng VNĐ do Công ty cổ phần Chứng khoán VPS tư vấn, gồm 3 gói trái phiếu có tổng mệnh giá 7.000 tỷ đồng.
Cụ thể, trái phiếu 1: Tổng giá trị 3.000 tỷ đồng, thời hạn 36 tháng, đáo hạn vào năm 2023. Trái phiếu 2: Tổng giá trị 1.500 tỷ đồng, thời hạn 36 tháng, đáo hạn vào năm 2023. Trái phiếu 3: Tổng giá trị 2.500 tỷ đồng, thời hạn 36 tháng, đáo hạn vào năm 2023.
Cả 3 lô trái phiếu này được hưởng lãi suất cố định trong kỳ tính lãi đầu tiên là 11%/năm, sau đó sẽ được điều chỉnh ba tháng một lần với lãi suất áp dụng cho các kỳ tính lãi tiếp theo được xác định theo nguyên tắc bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 3,9%/năm.
Đây là các lô trái phiêu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền được đảm bảo bằng quyền tài sản phát sinh liên quan đến một dự án tại quận 2, TP.HCM.
Không dừng ở lô trái phiếu trên, cũng Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng nhưng Chi nhánh TP.HCM tiếp tục góp sức cho Novaland phát hành lô trái phiếu với 1000 tỷ đồng.
Đây là các khoản huy động bằng việc phát hành trái phiếu theo mệnh giá bằng VNĐ, bao gồm 2 lô trái phiếu với tổng mệnh giá là 2.100 tỷ đồng.
Lô trái phiếu 1: Tổng giá trị 1.000 tỷ đồng, thời hạn 36 tháng, đáo hạn vào năm 2022. Lô trái phiếu 2: Tổng giá trị 1.100 tỷ đồng, thời hạn 48 tháng, đáo hạn vào năm 2023.
Lãi suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên là 12%/năm, các kỳ tính lãi sau được cộng thêm biên độ 4,65%/năm nhưng không thấp hơn 12%/năm. Khoản huy động này được đảm bảo bằng quyền sử dụng đất và quyền tài sản hình thành trong tương lai của một phần dự án tại xã Long Hưng, TP.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai.
Cùng ở kỳ hạn ngắn hạn, một ngân hàng khác cũng tham gia phát hành trái phiếu cho Novaland còn có Ngân hàng TMCP Quân Đội – Chi nhánh Bắc Sài Gòn với nhiều lô trái phiếu có giá trị từ 350 - 2.300 tỷ đồng.
Đối với trái phiếu dài hạn, đứng đầu danh sách là Ngân hàng Credit Suisse AG – Chi nhánh Singapore với khối lượng trái phiếu phát hành là 7.000 tỷ đồng. Đây là khoản huy động vốn bằng việc phát hành 1.500 trái phiếu chuyển đổi vào ngày 16/7/2021 (ngày phát hành) theo mệnh giá bằng USD cho các nhà đầu tư quốc tế do The Bank of New York Mellon – Chi nhánh London với tư cách là đại lý uỷ thác và ngân hàng Credit Suisse – Chi nhánh Singapore thu xếp và làm đại lý phát hành.
Gói trái phiếu chuyển đổi có tổng giá trị 300 triệu USD với mệnh giá 200.000 USD/trái phiếu sẽ đáo hạn vào ngày 16/7/2026, chịu lãi trái phiếu là 5,25%/năm, được trả 6 tháng/lần và lãi mua lại là 6% năm, được tính trên cơ sở 6 tháng/lần.
Trái phiếu không có tài sản đảm bảo và có thể chuyển đổi thành cổ phần Công ty cồ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va, bắt đầu từ ngày tròn 41 ngày kể từ khi phát hành cho đến ngày thứ mười trước ngày đáo hạn.
Tiếp theo là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng với lô trái phiếu 5.820 tỷ đồng. Tương tự, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng – Chi nhánh Hồ Chí Minh cũng có mặt trong lô trái phiếu 1.100 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Quân Đội – Chi nhánh Bắc Sài Gòn cũng có 6 lô trái phiếu với mệnh giá từ 23 -1.650 tỷ đồng. Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Tiên Phong – Chi nhánh Bến Thành với lô trái phiếu 1.440 tỷ đồng. Hay như, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam – Chi nhánh TP.HCM với lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng….
Ngoài các ngân hàng trên, còn có hàng loạt công ty chứng khoán và công ty chứng khoán của các ngân hàng, như: Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí, Công ty cổ phần Chứng khoán MB, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam… tham gia vào quá trình phát hành hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu của Novaland.
Đáng chú ý, không chỉ “góp sức” cho Novaland phát hành gần 50.000 tỷ đồng trái phiếu, nhiều ngân hàng còn cho doanh nghiệp này vay nợ hàng nghìn tỷ đồng.
Hiện Novaland đang là “con nợ” nghìn tỷ của hàng loạt ngân hàng. Đứng đầu là Credit Suisse AG- Chi nhánh Singapore với mức vay nợ 3.350 tỷ; Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam với số dư nợ hơn 1.500 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Bắc Sài Gòn là hơn 1.300 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam – Chi nhánh TP.HCM với 1.350 tỷ đồng….
Liên quan đến việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp, tại buổi Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm” tổ chức mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết, thống kê tổng dư nợ TPDN tới thời điểm hiện tại vào khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 1/3 tổng số vốn trung dài hạn hệ thống ngân hàng (5 triệu tỷ đồng).
Những năm qua, vốn trái phiếu tăng trưởng với khoảng 30-35%/năm. Nếu tính toán công thức có nghĩa 2 năm sau khối lượng trái phiếu tăng lên gấp đôi, lên khoảng 2,8 triệu tỷ, 2 năm kế tiếp lên 5,6 triệu tỷ, 6 năm sau lên 11,2 triệu tỷ - con số này được đánh giá là có thể “gánh” được gần như toàn bộ nguồn vốn trung dài hạn mà hệ thống ngân hàng tìm vốn ngắn cho vay trung dài hạn.
Ông Nghĩa cho biết, đây là điều chúng ta kỳ vọng trong tương lai, trong khi hiện tại lại có quan điểm coi trái phiếu như trò chơi đánh bạc của các nhà phát hành, khi có trường hợp sai phạm, nhà đầu tư phải ráng chịu.
“Trái phiếu là thị trường vô cùng quan trọng nhưng đang không được phát triển với tâm thế xem nó là "máu" của nền kinh tế thị trường”, chuyên gia nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nghĩa, bộ phận phát triển thị trường trái phiếu là bộ phận hẹp trong Uỷ ban chứng khoán Nhà nước là điều rất đáng trách. Thị trường trái phiếu là một thị trường có độ rủi ro tương đối cao, vì thế cần có hệ thống giám sát vi phạm chuẩn để nhà đầu tư nhìn vào sức khỏe doanh nghiệp, nhà đầu tư theo đó chỉ biết nhìn vào, quyết định chọn theo khẩu vị rủi ro.
"Hiện tại tôi cho rằng chưa có đủ định chế thật sự để quản lý giám sát phát triển thị trường này. Cách làm hiện nay có vấn đề, cứ mỗi khi có sai phạm lại bị hình sự hóa. Cứ mỗi lần như vậy thị trường bị rủi ro nhiều trong khi thị trường này là niềm tin", ông Nghĩa nói.
Xem thêm: Bản tin bất động sản 16/9: Nha Trang quyết định tạm dừng tách thửa trên địa bàn thành phố
Văn Xuân