Tin doanh nghiệp nổi bật (ngày 18/11): Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát lấy lại vị thế tỷ phú; Cổ phiếu BOS (ART) bị đình chỉ giao dịch; Chủ tịch PPI đăng ký thoái toàn bộ vốn
Tin doanh nghiệp nổi bật (ngày 18/11): Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát lấy lại vị thế tỷ phú; Cổ phiếu BOS (ART) bị đình chỉ giao dịch; Chủ tịch PPI đăng ký thoái toàn bộ vốn
Chỉ trong vòng một tuần kể từ thời điểm rời danh sách tỷ phú USD của Forbes, khối tài sản của ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - đã lấy lại mốc 1 tỷ USD nhờ những diễn biến tích cực trên thị trường chứng khoán.
Sau liên tiếp những phiên bứt phá mạnh, thị giá HPG đã tăng hơn 25% từ đáy, lên mức 15.100 đồng/cổ phiếu tương ứng vốn hóa thị trường lấy lại 18.000 tỷ đồng. Dù vậy, mức vốn hóa gần 88.400 tỷ đồng doanh nghiệp đầu ngành thép thời điểm hiện tại chỉ bằng khoảng 1/3 so với đỉnh đạt được cách đây chừng một năm.
Theo đó, tài sản của ông Long được nâng thêm 92 triệu USD lên 1,1 tỷ USD. Hiện vị lãnh đạo tập đoàn thép đang xếp ở vị trí 2.316 người giàu nhất thế giới.
Dẫu vậy, so với ngày 11/3 (thời điểm Forbes chốt số liệu tài sản dựa trên giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái), tài sản của ông Long đã giảm 2,2 tỷ USD, tương đương mức thiệt hại 65%. Đến nay, vị trí của ông đã lùi xuống 1.365 bậc.
Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có thông báo đưa cổ phiếu BOS (HNX: ART) sẽ bị đưa vào diện đình chỉ từ ngày 21/11/2022.
HNX cho biết nguyên nhân do Công ty tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi chứng khoán bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, cụ thể là Chứng khoán BOS vẫn chưa nộp BCTC quý 3/2022.
Do đó, HNX yêu cầu Chứng khoán BOS phải giải trình nguyên nhân, đưa ra biện pháp khắc phục tình trạng chứng khoán bị đình chỉ và công bố thông tin theo đúng quy định.
Trước khi bị đình chỉ giao dịch, cổ phiếu ART đã bị chuyển về diện hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần) từ ngày 12/10. Nguyên nhân là Chứng khoán BOS chậm nộp BCTC bán niên 2022 quá 45 ngày so với thời hạn quy định. Theo giải trình của Công ty, việc chậm nộp BCTC do Công ty gặp khó khăn trong tìm kiếm đơn vị kiểm toán.
Chủ tịch CTCP Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương (UPCoM: PPI) - ông Phạm ĐỨc Tấn, đồng thời là cổ đông lớn của Công ty, đăng ký thoái toàn bộ gần 2,6 triệu cổ phiếu PPI (5,3%) đang nắm giữ.
Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ 21/11-16/12/2022. Mục đích giao dịch nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư.
Nếu giao dịch diễn ra thành công, ông Tấn sẽ không còn nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào, qua đó rút khỏi danh sách cổ đông của Công ty.
Chủ tịch PPI có động thái mạnh tay thoái vốn trong bối cảnh giá cổ phiếu không những bị hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch phiên thứ Sáu hàng tuần) mà thị giá vẫn trên đà lao dốc kể từ đầu năm 2022. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 18/11, cổ phiếu PPI dừng lại ở mức giá tham chiếu 600 đồng/cp, giảm gần 78% so với đầu năm.
CTCP May Sông Hồng (HOSE: MSH) thông báo chốt quyền tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt. Bên cạnh đó, Ban giám đốc đề xuất phương án góp vốn vào Công ty TNHH BSS Logistics Việt Nam.
Về phương án chia cổ tức, MSH sẽ trả tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền theo tỷ lệ 25%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 2.500 đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 08/12/2022.
Với hơn 75 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính MSH cần chi 187,5 tỷ đồng để hoàn tất đợt tạm ứng này. Ngày dự tính chi trả là 23/12/2022.
Trước đó, ngày 08/06, MSH đã phát hành xong 25 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2021, tỷ lệ 50% (cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được nhận thêm 1 cổ phiếu mới). Nguồn thực hiện tối đa 250 tỷ đồng, là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2021 trên BCTC hợp nhất được kiểm toán năm 2021.
Vào tháng 12/2021, MSH từng tạm ứng cổ tức năm 2021 bằng tiền, tỷ lệ 45%.
Như vậy, sau đợt phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 50%, tổng tỷ lệ cổ tức năm 2021 mà Công ty chia cho cổ đông là 95%.
Hương Giang (T/h)