Năm 2023, cơ cấu dư nợ cho vay theo ngành nghề kinh doanh của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB) ghi nhận thay đổi với hàng loạt sổ đỏ thế chấp.
Năm 2023, cơ cấu dư nợ cho vay theo ngành nghề kinh doanh của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank - Mã: SSB) ghi nhận thay đổi với hàng loạt sổ đỏ thế chấp.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023, tính đến 31/12/2023, tổng tài sản của SeABank ở mức 266.100 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Cho vay khách hàng gần 179.800 tỷ đồng, tăng gần 17% so với đầu năm, cao hơn trung bình ngành. Trong đó, toàn bộ tăng trưởng trong dư nợ tới từ nhóm khác hàng tổ chức, đặc biệt là các công ty Trách nhiệm hữu hạn. Tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân đã giảm từ 24,1% xuống 20,5%, còn tỷ trọng cho vay khách hàng tổ chức tăng từ 75,9% lên 79,5%.
Đặc biệt, cơ cấu dư nợ cho vay theo ngành nghề kinh doanh của SeABank vẫn không có sự thay đổi đáng kể.
Cụ thể, SeABank tập trung chủ yếu cho vay tiêu dùng hộ gia đình nhiều nhất, đó là hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình và sản xuất sản phẩm vật chất, dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình với 36.857 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm, chiếm 21% tổng dư nợ cho vay khách hàng. Tiếp đến là bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khách hơn 27.394 tỷ đồng, tăng 21%, chiếm 15% tổng dư nợ cho vay khách hàng; Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành được SeaBank rót tiền lớn thứ ba với hơn 15.341 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm.
Xét về tốc độ tăng trưởng, ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí có dư nợ vay ngân hàng tăng khá mạnh trong năm 2023 với 46% so với đầu năm, từ 9.874 tỷ đồng lên mức hơn 14.454 tỷ đồng nhưng chỉ chiếm khoảng 8% tổng dư nợ cho vay. Đặc biệt, ngành hành chính và dịch vụ hỗ trợ có dư nợ vay ngân hàng hơn 5.736 tỷ đồng trong khi hồi đầu năm không có khoản vay nào. Tuy nhiên, chỉ chiếm 3,2% tổng dư nợ cho vay.
Thực tế, nếu biết được sự phân bổ dư nợ tín dụng của ngân hàng vào từng ngành nghề, lĩnh vực kinh tế là điều cần thiết, giúp đánh giá được rủi ro cũng như nhận định được triển vọng từng ngành để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.
Trong hoạt động tín dụng, tài sản bảo đảm tiền vay rất đa dạng, có thể là bất động sản, động sản,…Tuy nhiên, các ngân hàng thường có xu hướng chấp nhận tài sản đảm bảo cho khoản vay là bất động sản do có nhiều ưu điểm như tính cố định, tính thanh khoản cao, khó giảm giá trị. SeaBank cũng không ngoại lệ khi 60% tài sản đảm bảo của khách hàng đều là bất động sản.
Tính đến 31/12/2023, tài sản thế chấp của khách hàng tại SeABank ghi nhận hơn 311.378 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Trong đó, lượng bất động sản thế chấp tại SeABank đã đạt hơn 186.213 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm, chiếm 60% tổng tài sản thế chấp. Trong khi đó, động sản thế chấp tại SeAbank giảm nhẹ so với đầu năm, còn hơn 10.000 tỷ đồng; giấy tờ có giá thế chấp hơn 46.796 tỷ đồng và các tài sản đảm bảo khác hơn 68.321 tỷ đồng, giảm 27% so với đầu năm.
Bất động sản thế chấp ở ngân hàng bao gồm đất đai, nhà ở, nhà xưởng, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, các tài sản gắn liền với công trình xây dựng. Đó có thể là các tài sản hiện có, cũng có thể là các tài sản hình thành trong tương lai (tức là các tài sản hình thành trong và sau thời điểm ký kết hợp đồng thế chấp) như lợi tức thu được từ sử dụng BĐS, tài sản hình thành từ vốn vay, công trình xây dựng trong tương lai…
Mặc dù chuộng tài sản bảo đảm là bất động sản nhưng việc xử lý những tài sản này để thu hồi nợ không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là trong bối cảnh thị trường địa ốc gặp khó khăn như thời gian qua. Trên thực tế, những khối bất động sản hàng nghìn tỷ đồng, ngân hàng thường phải rao bán rất nhiều lần, kéo dài vài năm và giảm giá liên tục mới có thể bán được thành công.
Hà Phương