Báo cáo tài chính quý III/2023 của PG Bank cho thấy lợi nhuận giảm mạnh, số dư nợ xấu chỉ tăng nhẹ so với đầu năm nhưng nhóm nợ quá hạn lại tăng quá mạnh. Đặc biệt, dư nợ cho vay với ngành ô tô tăng đột biến.
Báo cáo tài chính quý III/2023 của PG Bank cho thấy lợi nhuận giảm mạnh, số dư nợ xấu chỉ tăng nhẹ so với đầu năm nhưng nhóm nợ quá hạn lại tăng quá mạnh. Đặc biệt, dư nợ cho vay với ngành ô tô tăng đột biến.
Thời gian gần đây, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank - Mã: PGB) liên tục có sự thay đổi nhân sự từ vị trí Tổng Giám đốc đến Chủ tịch HĐQT. Sự thay đổi này bắt nguồn từ sau khi Petrolimex thoái vốn và không còn là cổ đông lớn của PG Bank và PG Bank có thêm ba cổ đông tổ chức lớn khác.
Ngân hàng này cũng dự kiến sẽ đổi tên, nhận diện thương hiệu, trụ sở chính và bầu mới loạt nhân sự vào Hội đồng quản trị tại đại hội đồng cổ đông bất thường dự kiến tổ chức vào ngày 23/10 tới đây.
Đặc biệt, kết quả kinh doanh tại PG Bank trong quý III và 9 tháng đầu năm 2023 lại không mấy tích cực.
Theo báo cáo tài chính quý III/2023, tất cả mảng kinh doanh của PG Bank đều đi lùi so với cùng kỳ. Cụ thể, thu nhập lãi thuần đạt hơn 278 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ. Các nguồn thu ngoài lãi đều sụt giảm mạnh như lãi từ dịch vụ giảm 42% mang về gần chưa đến 15 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm đến 61% còn 1,6 tỷ đồng và lãi từ hoạt động khác cũng giảm sâu 76% mang về hơn 7 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động của PG Bank giảm hơn 23% trong khi tổng chi phí hoạt động lại tăng 8,4% khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng giảm gần một nửa.
Mặc dù chi phí dự phòng quý III/2023 giảm 26%, chỉ còn trích hơn 57 tỷ đồng song lãi trước thuế tại PG Bank vẫn giảm đến 60% so với cùng kỳ, đạt gần 57 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, nguồn thu chính tại PG Bank chỉ tăng 10% so với cùng kỳ, đạt hơn 959 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Đáng nói, các nguồn thu ngoài lãi đều sụt giảm.
Đáng nói, PG Bank chỉ dành ra 144 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 34% so với 9 tháng đầu năm 2022. Vì vậy, nhà băng này chỉ thu được 360 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 7% so với cùng kỳ.
Nếu so với kế hoạch lãi trước thuế 530 tỷ đồng đặt ra cho năm 2023, PG Bank thực hiện được 68% mục tiêu sau 9 tháng.
Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của PG Bank thu hẹp 2% so với đầu năm, còn 47.832 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt giảm 35% còn 215 tỷ đồng); tiền gửi NHNN giảm 50% xuống còn 425 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 5% đạt 30.485 tỷ đồng;…
Về phía nguồn vốn, tiền gửi của các TCTD khác giảm 21% xuống còn 7.245 tỷ đồng và tiền gửi của khách hàng tăng 9% đạt 34.098 tỷ đồng. Trước đó vào quý II/2023, chỉ tiêu này đã giảm 32 tỷ đồng, trong đó, tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm 1.196 tỷ (tương đương 14,9%) trong khi tiền gửi của cá nhân tăng 1.165 tỷ.
Theo thuyết minh BCTC quý III/2023 tại PG Bank, dư nợ cho vay của PG Bank tại thời điểm 30/9/2023 là hơn 30.485 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay theo ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, đạt gần 2.770 tỷ đồng, tăng 63% so với đầu năm, tương đương tăng thêm 1.000 tỷ đồng trong 9 tháng. Tiếp đến là dư nợ cho vay theo ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 24% so với đầu năm.
Cần lưu ý, thời gian gần đây có thông tin Tập đoàn Thành Công, nhà sản xuất, phân phối và kinh doanh các dịch vụ liên quan đến ô tô hàng đầu Việt Nam đang có tham vọng tham gia vào HĐQT PG Bank thông qua một số hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A).
Hơn nữa, PG Bank vừa công bố bổ sung các tài liệu trong Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023, Đại hội dự kiến tổ chức vào ngày 23/10, tại The Five Villas & Resort Ninh Binh tỉnh Ninh Bình.
Theo các thông tin công khai trước nay, The Five Villas & Resort Ninh Binh nằm trong quần thể Sân Golf Hoàng Gia (Royal Golf Club) quy mô 54 lỗ - sân golf lớn nhất Việt Nam với diện tích xây dựng lên đến 670 ha. Dự án được đầu tư và phát triển bởi TCG Land, đơn vị phát triển bất động sản của Tập đoàn Thành Công. The Five Villas & Resort là hệ sản phẩm Villas & Resort thuộc thương hiệu The Five Hospitality mà Tập đoàn Thành Công đang phát triển.
Tính đến 30/9/2023, nợ xấu tại PG Bank ghi nhận 796 tỷ đồng, tăng nhẹ 7% so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất, từ 62 tỷ đồng lên 177 tỷ đồng; nợ nghi ngờ cũng tăng tới 53% ghi nhận gần 183 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn lại giảm 22% từ 563 tỷ đồng hồi đầu năm giảm còn 436 tỷ đồng nhưng vẫn chiếm tỷ trọng gần 55% tổng nợ xấu. Do đó, đưa tỷ lệ nợ xấu nhích nhẹ từ 2,56% hồi đầu năm lên 2,61%.
Bên cạnh nợ xấu tăng thì nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) tính đến 30/9/2023 tại PG Bank tăng gấp 2 lần so với đầu năm, từ 485 tỷ đồng tăng lên gần 998 tỷ đồng.
Ngoài ra, bất động sản là tài sản thế chấp phổ biến nhất của các khoản vay tại ngân hàng, thường chiếm quá nửa giá trị tổng số tài sản thế chấp. Và PG Bank cũng không ngoại lệ khi bất động sản thế chấp tính đến 30/9/2023 ghi nhận hơn 44.573 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 59% trong tổng giá trị tài sản thế chấp của khách hàng.
Ngân hàng Việt thường chuộng tài sản đảm bảo là bất động sản bởi mức độ ổn định, an toàn hơn so với những lựa chọn khác như trái phiếu, cổ phiếu, xe ô tô, máy móc,... Bên cạnh đó, bất động sản có khả năng tăng giá, cũng như có tính thanh khoản tương đối tốt.
Tuy nhiên, khi ngân hàng nhận thế chấp bất động sản cũng khiến gặp nhiều rủi ro như bất động sản giảm giá, vướng vào tranh chấp, kiện tụng hay khó thanh khoản. Trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện, việc xử lý những lô đất, dự án bất động sản có quy mô lớn hay vướng vào tranh chấp có thể sẽ kéo dài nhiều năm. Có những trường hợp ngân hàng phải giảm giá tài sản nhiều lần vẫn chưa tìm được người mua.
Từ giữa năm ngoái sau khi vấn đề về bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp xảy ra, có thể thấy ngành bất động sản đang gặp vấn đề pháp lý rất nặng khiến dòng tiền không đáp ứng được kế hoạch trả nợ, đặc biệt là nợ trái phiếu góp phần làm tăng tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ cho vay bất động sản tính tới cuối tháng 7 đạt khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, tăng gần 5% so với đầu năm. Số dư nợ này chiếm tỷ trọng 21% so với tín dụng toàn nền kinh tế.
Trong khi tín dụng vào bất động sản có xu hướng tăng chậm lại thì nợ xấu của lĩnh vực này lại có chiều hướng gia tăng. Tỷ lệ nợ xấu bất động sản tại thời điểm cuối tháng 7 là 2,58%, tăng 0,11 điểm % so với cuối tháng 6 và tăng mạnh so với mức 1,8% vào cuối tháng 7 năm ngoái.
Lê Thanh - Huy Tùng