Sau ba tháng đầu năm 2022, hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận lãi dự thu tăng mạnh. Điều này làm dấy lên lo ngại về chất lượng lợi nhuận của các nhà băng cũng như nợ xấu tiềm ẩn.
Sau ba tháng đầu năm 2022, hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận lãi dự thu tăng mạnh. Điều này làm dấy lên lo ngại về chất lượng lợi nhuận của các nhà băng cũng như nợ xấu tiềm ẩn.
Lãi dự thu tại Seabank, VIB, Techcombank… tăng mạnh
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022 cho thấy, nhiều nhà băng ghi nhận các khoản lãi dự thu tăng khá mạnh trong 3 tháng đầu năm 2022.
Điển hình tại ngân hàng Seabank, quý đầu năm ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 1.049 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ. Trong khi đó, khoản lãi dự thu tính đến cuối tháng 3/2022 hơn 2.971 tỷ tỷ đồng, tăng gần 1.112 tỷ, tương đương tăng tới 66% so với đầu năm và chiếm 1,2% tổng tài sản.
Ngân hàng VIB cũng ghi nhận lãi sau thuế quý 1/2022 tăng 26% đạt hơn 1.823 tỷ đồng.Trong khi đó, lãi dự thu tại VIB tăng tới 28% từ 1.857 tỷ đồng lên hơn 2.384 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản phải thu tại ngân hàng tính đến cuối tháng 3/2022 cũng tăng tới 34% so với đầu năm, lên hơn 10.185 tỷ đồng.
Tương tự tại TPBank, lãi dự thu tăng 12% lên hơn 2.276 tỷ đồng. Khoản mục này trên báo cáo tài chính của ngân hàng Bản Việt cũng tăng 17% từ 856 tỷ đồng lên gần 1.006 tỷ đồng; lãi dự thu tại MB cũng tăng 8% lên 4.946 tỷ đồng sau 3 tháng đầu năm;…
Thậm chí tại ‘ông lớn’ Techcombank cũng ghi nhận lãi dự thu tăng tới 25% so với đầu năm, lên hơn 7.252 tỷ đồng và chiếm hơn 1% tổng tài sản.
Lãi dự thu tại Vietcombank cũng tăng trưởng hai chữ số từ 7.149 tỷ đồng lên 8.217 tỷ đồng, tương đương tăng 15% so với đầu năm.
Xét về quy mô, ngân hàng SCB và BIDV là 2 ngân hàng có lãi dự thu cao nhất trong hệ thống ngân hàng. Đến hết quý 1, lãi dự thu của SCB vẫn còn rất lớn lên tới hơn 106.747 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm và chiếm 14% tổng tài sản của nhà băng này. Trong khi đó, quý đầu năm lợi nhuận sau thuế tại SCB tăng tới 88% so với cùng kỳ, đạt hơn 582 tỷ đồng.
Còn tại ngân hàng BIDV, báo lãi sau thuế quý 1/2022 tăng 34% so với cùng kỳ, đạt hơn 3.637 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi dự thu tính đến cuối tháng 3/2022 tăng từ 10.902 tỷ đồng hồi đầu năm lên 12.120 tỷ đồng, tương đương tăng 11%.
Lãi dự thu có ảnh hưởng tới lợi nhuận?
Về lý thuyết, lãi dự thu là khoản lãi mà ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai từ các tài sản sinh lời, trong đó bao gồm cho vay khách hàng. Dù ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này, nhưng vẫn được ghi nhận vào vào kết quả hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, nếu lãi dự thu không thể thu hồi trong thời gian dài có thể do nợ xấu hoặc bên phải trả mất khả năng thanh toán thì sẽ có những rủi ro nhất định. Con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận của ngân hàng càng cao
Khi tỷ lệ này quá lớn hoặc tăng quá nhanh và đặc biệt là cô đặc trong một khoảng thời gian dài thì dễ trở thành một dấu hiệu cảnh báo về chất lượng tài sản, nợ xấu tiềm ẩn cũng như chất lượng lợi nhuận của nhà băng. Do đó, lãi dự thu có liên quan mật thiết đến lợi nhuận, tăng trưởng tín dụng và cả nợ xấu thực.
Điều này khiến lãi dự thu được quan tâm như một yếu tố khác bên cạnh nợ xấu để đánh giá chất lượng tài sản, hiệu quả kinh doanh của ngân hàng.
Trong báo cáo phân tích ngành ngân hàng, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) nêu quan điểm thận trọng về vấn đề này. Theo đó, lãi dự thu cao có thể bóp méo lợi nhuận.
"Một số ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản tương đối cao có thể làm lợi nhuận của họ bị sai lệch, đồng thời tăng rủi ro tiềm ẩn nếu ngân hàng không thu được các khoản lãi dự thu này. Các ngân hàng buộc phải ghi giảm doanh thu nếu không thu được lãi trong cùng kỳ kế toán hoặc sẽ phải ghi tăng chi phí nếu nó xảy ra ở khác kỳ kế toán", chuyên gia của YSVN nêu ý kiến.
Theo chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán này, trong mọi trường hợp, lãi dự thu chưa thu được có thể làm ngân hàng sụt giảm lợi nhuận. Do đó, các nhà đầu tư nên chú ý đến chỉ số này như một thước đo chất lượng thu nhập của các ngân hàng. YSVN lưu ý các ngân hàng có tỷ lệ lãi dự thu trên tổng tài sản từ 1,5%.
Tuy nhiên, trao đổi với Dân trí, Giám đốc Phân tích của Công ty chứng khoán VIS Nguyễn Hồng Khanh lại đưa ra quan điểm lãi dự thu chỉ là một trong rất nhiều tiêu chí để đánh giá các ngân hàng, không phải yếu tố mang tính trọng yếu.
Theo ông Khanh, sự biến động lãi dự thu sau một vài quý chưa thể hiện nhiều ý nghĩa. Nhà đầu tư cần nhìn vào sự thay đổi của chỉ số trên trong 3 - 4 năm để có sự đánh giá chính xác. Việc nhìn nhận tốt xấu của mức lãi dự thu cao hay thấp còn phụ thuộc thời điểm, tính chất hoạt động của từng ngân hàng.
Hoàng Long/Theo Petrotimes
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/bien-dong-lai-du-thu-ngan-hang-seabank-va-vib-tang-manh-scb-cao-nhat-nganh-652806.html?fbclid=IwAR01s1rvQgrmvzNs5G73W-FReYmmbJC56zGe7wYIsmFVXIbPY39G2oiHdb0