Tại Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 ngày 30/11, Quảng Ninh đã chia sẻ sáng kiến phát triển đô thị của địa phương này!
Tại Hội nghị đô thị toàn quốc năm 2022 ngày 30/11, Quảng Ninh đã chia sẻ sáng kiến phát triển đô thị của địa phương này!
Trong những năm qua, tốc độ phát triển của tỉnh Quảng Ninh có bước tiến vượt bậc. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn so với bình quân chung của cả nước.
Về quy mô, tốc độ đô thị hóa, năm 2011, tỉnh Quảng Ninh có 3 thành phố, dân số toàn tỉnh khoảng 1,1 triệu người, tỉ lệ đô thị hóa khoảng 55,53%.
Đến nay, tỉnh có 4 thành phố; dân số hơn 1,35 triệu người; dân số đô thị khoảng 945 nghìn người; tỉ lệ đô thị hóa đạt 67,5% (là một trong 5 địa phương có tỉ lệ đô thị hóa cao nhất toàn quốc).
Chia sẻ tại Hội nghị đô thị toàn quốc, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy cho biết, để đạt được kết quả như trên, tỉnh Quảng Ninh xác định nguồn lực cho phát triển đô thị là rất quan trọng.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng là có quy hoạch tốt thì có dự án tốt, dự án tốt thì có nhà đầu tư tốt, vì vậy, đầu tiên, tỉnh Quảng Ninh xác định công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm.
"Quy hoạch là khởi nguồn cho sự phát triển, là công cụ quan trọng trong công tác quản lý nhà nước, là khung pháp lý phục vụ phát triển và là cơ sở để các cấp, các ngành lập quy hoạch và xây dựng các chương trình, dự án phát triển", ông Cao Tường Huy cho hay.
Cách đây 10 năm, tỉnh đã ban hành một nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quy hoạch. Tỉnh đã thuê các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới lập và tư vấn chiến lược. Từ đó đến nay, trên cơ sở các quy hoạch được duyệt, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai hiệu quả 7 quy hoạch chiến lược, với tỉ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu các địa phương đạt 60%, tỉ lệ quy hoạch nông thôn mới đạt 100%...
Quảng Ninh đã hoàn thành việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch tỉnh (giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050) trên cơ sở kế thừa và phát huy các quy hoạch giai đoạn trước là "một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực"; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng quy hoạch của tỉnh và các địa phương…
Tỉnh cũng tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược (cải cách hành chính, phát triển hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực) theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương. Nhờ đó, môi trường kinh doanh không ngừng cải thiện, cải cách hành chính có bước đột phá.
Tỉnh cũng thúc đẩy đầu tư theo hình thức đối tác công – tư và đã thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách lớn; đồng thời đổi mới cơ chế để khai thông các điểm nghẽn, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, theo phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp, "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư".
Quảng Ninh đã mạnh dạn đi đầu thực hiện thành công phương thức huy động nguồn lực đầu tư theo hình thức đối tác công - tư để đầu tư cho hạ tầng giao thông. Đến nay, nhiều công trình trọng điểm được đưa vào hoạt động, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng và hợp tác quốc tế góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Các công trình, dự án giao thông trọng điểm này đã kết nối các trung tâm đô thị, cảng biển, khu công nghiệp, khu công nghệ cao… tạo động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ của tỉnh.
Ngoài ra, trong xây dựng và phát triển, tỉnh luôn gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội; diện mạo thành thị và nông thôn thay đổi rõ rệt; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, nhất là tại các khu vực đặc biệt khó khăn, nông thôn, miền núi, biên giới, biển đảo… Quy hoạch phải gắn với giải pháp huy động nguồn lực.
Theo Vnmedia