Năm 2023, tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp, còn nhóm cho vay cá nhân ghi nhận tăng trưởng chậm, thậm chí có xu hướng giảm.
Năm 2023, tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp, còn nhóm cho vay cá nhân ghi nhận tăng trưởng chậm, thậm chí có xu hướng giảm.
Năm 2023, tín dụng tăng trưởng yếu hơn đáng kể so với cùng kỳ khi nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp. Đến 3 tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng đã ghi nhận sự đột phá mạnh mẽ. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng có sự phân bổ không đồng đều giữa nhóm khách hàng tổ chức kinh tế và cho vay cá nhân.
Đơn cử tại ngân hàng MB, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, cả năm 2023, dư nợ cho vay cá nhân tăng 25% so với năm 2022 đạt 275.697 tỷ đồng, trong khi cho vay tổ chức kinh tế tăng tới 38% đạt 322.083 tỷ đồng.
Cho vay cá nhân tại "ông lớn" Vietcombank cũng chỉ tăng trưởng 5% so với năm 2022, đạt hơn 566.000 tỷ đồng trong khi cho vay doanh nghiệp tăng 16% đạt hơn 704.000 tỷ đồng.
Đặc biệt tại ngân hàng VIB chuyên về khách hàng bán lẻ, nhưng năm 2023 tăng trưởng tín dụng chủ yếu đến từ cho vay tổ chức kinh tế, tăng tới 72% so với năm 2022, đạt hơn 41.500 tỷ đồng còn cho vay cá nhân chỉ tăng khiêm tốn 8% đạt 224.800 tỷ đồng.
Tương tự, tại SeaBank, tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2023 được thúc đẩy bởi khách hàng doanh nghiệp. Dư nợ cho vay cá nhân tại nhà băng này giảm nhẹ 1% so với năm 2022 đạt hơn 36.800 tỷ đồng; còn cho vay tổ chức kinh tế tăng 22% đạt hơn 142.880 tỷ đồng.
Tại TPBank, năm 2023 cho vay khách hàng doanh nghiệp tăng tới 45% so với năm 2022, từ 67.000 tỷ đồng lên 96.980 tỷ đồng trong khi cho vay cá nhân tại nhà băng này chỉ tăng 15% đạt hơn 108.000 tỷ đồng.
Ngân hàng quy mô nhỏ như VietABank cũng ghi nhận dư nợ cho vay cá nhân năm 2023 giảm tới 22%, đạt hơn 2.000 tỷ đồng trong khi cho vay khách hàng doanh nghiệp tăng 12% đạt hơn 67.000 tỷ đồng.
Trong báo cáo chiến lược năm 2024, Chứng khoán SSI dự báo dư địa tăng trưởng có thể sẽ đến từ khối doanh nghiệp như: ngành xây dựng cơ sở hạ tầng; doanh nghiệp sản xuất và FDI và các ngành nghề được ưu tiên (như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghệ cao, SME và công nghiệp bổ trợ).
Trong khi đó, dư nợ cho vay mua nhà khó phục hồi mạnh trong năm 2024 do giá nhà không giảm, trong khi thu nhập và tâm lý người mua nhà bị ảnh hưởng; số lượng căn chung cư mới không nhiều và tài sản của người dân vẫn bị mắc kẹt. Cho vay mua nhà chiếm một tỷ trọng lớn trong cho vay cá nhân.
Sáng 20/2, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc Ngân hàng VPBank cho rằng các ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng lãi suất hiện nay không phải là vấn đề của thị trường.
“Thực tế sức mua vẫn rất yếu, lĩnh vực cho vay mua nhà chiếm tỷ lệ lớn trong các ngân hàng cổ phần như chúng tôi. Năm 2023 cho vay trong lĩnh vực này sụt giảm, năm 2024 cũng khó mà tăng được khi các dự án bất động sản vẫn đang bất động”.
Theo đại diện VPBank, cho vay tiêu dùng tại 16 công ty tài chính đều sụt giảm. Nhu cầu thì có, nhưng khả năng để vay và trả nợ là khó. Do vậy, không thể nào chỉ tăng trưởng tín dụng chỉ bằng việc giảm lãi suất.
“Muốn tăng trưởng tín dụng thì phải giảm lãi suất hoặc nới điều kiện cho vay. Nhìn vào các hộ kinh doanh có thể thấy mấy năm nay đều kiệt quệ. Đi ra ngoài đường, cửa hàng đóng rất nhiều. Ngày xưa họ là khách hàng nhưng giờ cũng chẳng có tiền, và cũng chẳng ai dám cho vay nữa, cho vay rồi đâu có trả. Rõ ràng chúng ta đang phải đối phó với rủi ro gia tăng”, ông Vinh cho biết.
Huy Tùng - Hoàng Trang