Ngân hàng Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 36.693 tỷ đồng, đồng thời nợ xấu và lãi dự thu đều tăng. Ngoài ra, nhà băng này đối mặt với tình trạng tăng trưởng tín dụng có tốc độ đi lên vượt trội so với huy động vốn.
Ngân hàng Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 36.693 tỷ đồng, đồng thời nợ xấu và lãi dự thu đều tăng. Ngoài ra, nhà băng này đối mặt với tình trạng tăng trưởng tín dụng có tốc độ đi lên vượt trội so với huy động vốn.
Vừa qua, Vietcombank công bố lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 đạt 36.693 tỷ đồng, tăng gần 38% so với năm trước và tiếp tục giữ vị trí quán quân về lợi nhuận. Riêng quý 4/2022, lãi trước thuế tăng gần 52% tuy nhiên nhiều mảng kinh doanh ghi nhận lãi thuần giảm.
Cụ thể, trong quý 4/2022, thu nhập lãi thuần tại ngân hàng Vietcombank tăng 39% lên 14.809 tỷ đồng, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng không đáng kể 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Các mảng kinh doanh khác lại ghi nhận sụt giảm mạnh như lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh giảm 79% xuống còn 4 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 47%, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 3,4%. Mảng chứng khoán đầu tư ghi nhận lỗ 1,9 tỷ đồng.
Vì vậy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 21% đạt gần 14.098 tỷ đồng. Quý này, ngân hàng giảm 51,6% chi phí dự phòng rủi ro xuống còn 1.678 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước thuế quý 4/2022 tại ngân hàng Vietcombank tăng gấp rưỡi cùng kỳ năm trước đạt 12.419 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lãi và phí phải thu (lãi dự thu) lại Vietcombank tính đến 31/12/2022 tăng 31% so với đầu năm, từ 6.954 tỷ đồng lên 9.082 tỷ đồng.
Lãi dự thu là khoản lãi dự kiến sẽ thu được trong tương lai và là một phương thức hạch toán trong bảng cân đối kế toán của ngân hàng, Tuy nhiên, nếu lãi dự thu không thể thu hồi trong thời gian dài có thể do nợ xấu hoặc bên phải trả mất khả năng thanh toán thì sẽ có những rủi ro nhất định. Con số lãi dự thu càng lớn, khả năng tác động đến lợi nhuận ngân hàng càng cao.
Đây cũng là một "khối u" nhức nhối không kém gì nợ xấu. Trường hợp số dư lãi dự thu càng lớn cho thấy chất lượng tài sản của các ngân hàng đang kém dần, ảnh hưởng đến việc đánh giá xếp hạng và áp dụng các chuẩn mực quốc tế.
Nợ xấu tại Vietcombank cũng tăng đáng kể. Tính đến 31/12/2022, số dư nợ xấu tăng 27% lên 7.775 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) đều giảm lần lượt 45% và 20% so với đầu năm. Thế nhưng, dư nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) lại tăng 50% từ 4.395 tỷ đồng lên 6.597 tỷ đồng, qua đó tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,64% lên 0,68%.
Ngoài nợ xấu ghi nhận trên bảng cân đối kế toán, tính đến 31/12/2022 ngân hàng Vietcombank có tới 135.353 tỷ đồng “nghĩa vụ nợ tiềm ẩn” (bao gồm bảo lãnh vay vốn hơn 2.151 tỷ đồng; cam kết trong nghiệp vụ thư tín dụng gần 84.727 tỷ đồng và bảo lãnh khác gần 48.475 tỷ đồng).
Ngoài ra, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản ngân hàng đạt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 28,2% so với đầu năm. Cho vay khách hàng tại ngân hàng Vietcombank tăng 19% so với đầu năm, đạt gần 1,14 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi khách hàng chỉ tăng 9% đạt gần 1,24 triệu tỷ đồng.
Trước đó, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà từng đánh giá, tốc độ huy động vốn của hệ thống ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2022 chỉ bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng của tín dụng, đặt ra thách thức đối với hệ số sử dụng vốn rất cao, gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng vì có huy động tiền được mới cho vay được nền kinh tế.
Trong năm 2023, ban lãnh đạo Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản đạt 9% so với năm 2022, tăng trưởng tín dụng dự kiến 12,8%, trong đó chưa loại trừ dư nợ 51.000 tỷ đồng dự kiến bán cho một TCTD yếu kém nhận chuyển giao bắt buộc trong năm 2023.
Lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm trước, ước vượt 41.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1,5%.
Hà Phương