Cảm giác hỗn loạn ngập tràn thị trường khi cổ phiếu Credit Suisse liên tục chạm đáy, khiến nhiều người lo lắng cho số phận của ngân hàng số 2 Thụy Sĩ.
Cảm giác hỗn loạn ngập tràn thị trường khi cổ phiếu Credit Suisse liên tục chạm đáy, khiến nhiều người lo lắng cho số phận của ngân hàng số 2 Thụy Sĩ.
Cổ phiếu của Credit Suisse đã giảm 60% trong năm qua, xuống mức thấp kỷ lục gần như sau một chuỗi các vụ bê bối và thua lỗ nghiêm trọng bất chấp CEO ngân hàng này cố gắng trấn an thị trường về sự ổn định tài chính của Credit Suisse, nhưng tất cả chỉ làm tăng thêm cảm giác lo lắng của thị trường.
Thành lập từ năm 1856, Credit Suisse đóng vai trò tài chính quan trọng trong lịch sử và sự phát triển của Thụy Sĩ cũng như là một trong những ngân hàng lớn nhất của lục địa già. Nhưng chuỗi thua lỗ, thất bại trong quản lý rủi ro cao và sự thay đổi của lãnh đạo cao nhất đã thu hút sự giám sát của các nhà đầu tư đối với ngân hàng này trong suốt thời gian qua.
Đầu tiên là vụ bê bối gián điệp của Credit Suisse vào năm 2019, khi ông Iqbal Khan - cựu Giám đốc quản lý tài sản quốc tế của ngân hàng này tố cáo một thám tử tư theo dõi ông và vợ ông vì nghi ngờ họ tìm cách "lôi kéo" các đồng nghiệp cũ khi rời Credit Suisse chuyển sang làm cho ngân hàng đối thủ UBS.
Vụ việc ban đầu được Credit Suisse mô tả là “một vụ theo dõi gián điệp” do Giám đốc vận hành (COO) khi đó là ông Pierre-Olivier Bouee chỉ đạo đã dần mở rộng khi xuất hiện thêm các thông tin về những trường hợp khác bị giám sát, trong đó có cựu Giám đốc nhân sự Peter Goerke.
Vụ việc không những ảnh hưởng đến danh tiếng của Credit Suisse, gây chấn động giới ngân hàng, mà còn dẫn đến cuộc điều tra hình sự tại Thụy Sĩ. Ông Pierre-Olivier Bouee đã từ chức vào tháng 10/2019.
Giám đốc điều hành Tidjane Thiam cũng từ chức vào tháng 2/2020 sau khi thừa nhận vụ việc.
Ngay sau đó, Credit Suisse đã mất 5,5 tỷ USD do tiếp xúc với nhà quản lý quỹ đầu cơ Archegos Capital bị sụp đổ, đồng thời cũng chịu thiệt hại liên quan đến sự sụp đổ của tập đoàn tài chính chuỗi cung ứng Greensill Capital.
Nhưng chỉ đến tháng 1/2022, Antonio Horta-Osorio đã buộc phải từ chức sau khi một cuộc điều tra nội bộ cho thấy, ông đã vi phạm quy tắc cách ly COVID-19 để tham dự giải vô địch quần vợt Wimbledon và cũng đã sử dụng máy bay riêng của ngân hàng để đi nghỉ ở Maldives.
Tiếp sau đó, giám đốc điều hành Thomas Gottstein cũng rời khỏi ngân hàng vào tháng 7 năm nay, người đã từ chức vì những gì ông mô tả là "những cân nhắc lý do cá nhân và liên quan đến sức khỏe".
Người kế nhiệm của ông là Ulrich Koerner, giám đốc điều hành thứ tư của ngân hàng, mới đây đã hứa sẽ đưa ra một thông báo tái cơ cấu lớn trước cuối tháng này, với nỗ lực cắt giảm chi phí và ngăn chặn dòng chảy "mực đỏ" đã dẫn đến các kết quả gần đây.
Hiện tại, khoản lỗ của Credit Suisse đã lên tới gần 4 tỷ franc Thụy Sĩ (tương đương 4 tỷ USD) chỉ trong ba quý vừa qua, trong khi chi phí tài chính của ngân hàng đã tăng lên trong bối cảnh xếp hạng uy tín lại bị hạ cấp.
Năm 2021, Credit Suisse có vốn hóa thị trường là 22,3 tỷ USD. Ngày nay, giá trị thị trường của ngân hàng chỉ là 10,4 tỷ USD và cổ phiếu đã giảm tổng thể tới 56,2%. Chi phí hoán đổi nợ tín dụng (CDS) của nó cũng đã đạt mức cao nhất kể từ năm 2009.
Năm 1856, Credit Suisse được thành lập bởi chính trị gia Thụy Sĩ và doanh nhân Alfred Escher để tài trợ cho đường sắt của đất nước và hỗ trợ công nghiệp hóa.
Thông qua một loạt các vụ mua bán và sáp nhập, giờ đây Credit Suisse đã trở thành ngân hàng cho vay lớn thứ hai ở Thụy Sĩ và là một trong những ngân hàng lớn nhất ở châu Âu với hơn 50.000 nhân viên. Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản mà ngân hàng này quản lý là 1.620 tỷ USD.
Credit Suisse được Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ chỉ định là một trong những ngân hàng quan trọng toàn cầu nói chung cũng như đối với hệ thống tài chính của Thụy Sĩ nói riêng. Điều này đồng nghĩa sự thất bại của nó sẽ gây ra "tổn hại đáng kể cho nền kinh tế và hệ thống tài chính Thụy Sĩ".
Tuần trước, chi phí bảo hiểm trái phiếu của ngân hàng để bảo vệ cho trường hợp vỡ nợ đã tăng khoảng 15% vào cuối tuần trước, đẩy giá giao dịch CDS (Credit Default Swap) của Credit Suisse lên mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2009, cho thấy các nhà đầu tư đang lo lắng về sức khỏe tài chính của Credit Suisse. Được biết, CDS là công cụ hợp đồng phái sinh về tín dụng giữa hai đối tác, được xem như một công vụ phòng vệ rủi ro tài chính, giống như các loại hợp đồng bảo hiểm. Bên mua trả phí bảo vệ rủi ro để được bồi thường một khoản tiền cố định nếu sự cố sẽ xảy ra.
Dù thừa nhận rằng ngân hàng đang ở "thời điểm quan trọng", giám đốc điều hành Ulrich Koerner vẫn cam kết sẽ gửi cho nhân viên các bản cập nhật thường xuyên cho đến khi ngân hàng công bố kế hoạch chiến lược mới vào ngày 27/10 - ngày D-Day của ngân hàng khi ông Ulrich Koerner dự kiến sẽ trình bày một kế hoạch chiến lược để tránh nộp đơn xin phá sản. Điều này nên bao gồm việc thoái vốn các hoạt động ngân hàng đầu tư.
Nhưng các nhà phân tích ước tính Credit Suisse cần 4 tỷ franc Thụy Sĩ (khoảng 4 tỷ USD) ngay cả sau khi đã bán một số tài sản để tài trợ cho việc tái cơ cấu, nỗ lực tăng trưởng và những các cơn sóng gió có thể sẽ xảy ra trong tương lai không xa.
Theo các chuyên gia phân tích tại KBW, những gì Credit Suisse đang trải qua giống với cuộc khủng hoảng niềm tin khiến Deutsche Bank AG chao đảo 6 năm trước. Khi đó ngân hàng Đức cũng bị hoài nghi về chiến lược kinh doanh, đồng thời bị giới chức Mỹ điều tra về các chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp. Giá CDS do Deutsche Bank phát hành tăng vọt, trái phiếu bị hạ bậc xếp hạng và một số khách hàng ngừng hợp tác.
Vài tháng sau, áp lực lắng xuống sau khi Deutsche Bank giàn xếp được mức phạt thấp hơn dự báo và huy động được 7,8 tỷ USD vốn mới để tái cấu trúc. Tuy nhiên, phải mất vài năm ngân hàng này mới thoát được vòng luẩn quẩn giữa doanh thu sụt giảm và chi phí đi vay tăng cao.
Tuy nhiên có những điểm khác biệt giữa hai ngân hàng. Credit Suisse không đứng trước án phạt 7,2 tỷ USD như Deutsche Bank, và tỷ lệ vốn của nó là 13,5% - cao hơn mức 10,8% của ngân hàng Đức 6 năm trước.
SHTT