Những chiêu thức lừa đảo thuê nhà hiện nay ngày càng tinh vi. Kẻ xấu lợi dụng công nghệ và sự cả tin của người cần thuê nhà để chiếm đoạt tiền bạc. Một phụ nữ đã sập bẫy những kẻ lửa đảo qua mạng khi thuê nhà.
Những chiêu thức lừa đảo thuê nhà hiện nay ngày càng tinh vi. Kẻ xấu lợi dụng công nghệ và sự cả tin của người cần thuê nhà để chiếm đoạt tiền bạc. Một phụ nữ đã sập bẫy những kẻ lửa đảo qua mạng khi thuê nhà.
Chị A muốn tìm thuê căn hộ tại một dự án chung cư Quận 3, TP.HCM. Căn hộ được rao cho thuê với thông tin hấp dẫn, hình ảnh đẹp và đặc biệt là giá thuê thấp hơn so với mặt bằng chung của các căn hộ cho thuê trong cùng dự án và khu vực lân cận.
Bị thu hút bởi thông tin này, chị A nhanh chóng liên hệ với người đăng tin tự xưng là chính chủ để trao đổi về căn hộ. Người này cho biết căn hộ đang có người thuê nhưng sắp đến hạn trả nhà nên cần tìm khách thuê mới.
Cảm thấy ưng ý với căn hộ và giá thuê, chị A muốn đến xem thực tế thì phía “chủ nhà” lấy lý do nhà vẫn đang có khách thuê, người này hay đi vắng nên không tiện đến xem ngay mà phải hẹn một ngày khác. Tuy nhiên, “chủ nhà” cho biết căn hộ này có nhiều người quan tâm hỏi thuê nên nếu chị A không đặt cọc trước thì có thể sẽ không còn. “Chủ nhà” yêu cầu chị A đặt cọc 3 triệu để giữ chỗ trước, khi nào qua xem nhà nếu ưng ý thì ký hợp đồng thuê, không thì họ sẽ trả lại tiền cọc.
Để khiến chị A tin tưởng, người này gửi cho chị A ảnh chụp sổ hồng căn hộ cùng Căn cước công dân rõ mặt và đầy đủ thông tin. Các thông tin về chủ sở hữu trên sổ và căn cước đều trùng khớp, thậm chí tài khoản Zalo dùng để liên hệ cũng trùng tên và có ảnh đại diện rõ ràng nên chị A tin tưởng mình đang giao dịch với chính chủ.
Người này liên tục nhắn tin thúc giục chị A chuyển tiền cọc trước, còn soạn sẵn hợp đồng đặt cọc với thông tin của 2 bên, hẹn chị A khi đến xem nhà có thể ký tên sau. Lo lắng căn hộ ưng ý với mức giá hấp dẫn bị người khác thuê mất, chị A đã chuyển tiền đặt cọc cho người này.
Sau khi nhận được tiền cọc, “chủ nhà” lập tức biến mất, số điện thoại không liên lạc được. Người đó vốn không phải chủ căn hộ và toàn bộ hình ảnh, thông tin sổ hồng, căn cước công dân, tài khoản Zalo cũng là giả mạo. Lúc này chị A mới biết mình đã bị kẻ xấu lừa.
Dù chiêu thức lừa đảo thuê nhà này vẫn còn sơ hở như thông tin cho thuê mơ hồ, đòi đặt cọc trước khi xem nhà nhưng nhiều người nhẹ dạ, cả tin vẫn bị lừa vì số tiền cọc không quá lớn, lại bị hấp dẫn bởi giá thuê rẻ và tâm lý sợ bỏ lỡ, người khác thuê mất. Tinh vi hơn nữa là số điện thoại dùng để đăng tin cho thuê nhà là số thật, hoàn toàn có thể dùng để đăng ký tài khoản đăng tin trên các website bất động sản mà hệ thống không ghi nhận bất thường. Sau khi lừa đảo xong, kẻ xấu vứt sim điện thoại đi, nên người bị lừa hay các đơn vị, cơ quan khác cũng không có cách nào tìm được chúng.
Sau khi nạn nhân chuyển tiền, kẻ lừa đảo lập tức mất hút cùng số tiền cọc và tiếp tục tìm kiếm những “con mồi” tiếp theo. Trong câu chuyện của chị A, sau khi bị lừa, chị đi hỏi một số người thì mới biết với cùng chiếc "bẫy" lừa đảo cho thuê nhà này, kẻ xấu đã dụ được ít nhất 3 người chuyển cọc.
Người thuê chỉ nên đặt cọc giữ chỗ khi có thỏa thuận, biên nhận rõ ràng, không có dấu hiệu lừa đảo. Trong biên nhận/hợp đồng đặt cọc, bạn phải yêu cầu chủ cho thuê ghi rõ ràng, chi tiết những thỏa thuận về tiền cọc, tiền thuê, điều kiện hủy thuê như thế nào, có hoàn lại tiền cọc hay không,… Cần đảm bảo giấy đặt cọc có đầy đủ chữ ký của cả 2 bên, sao thành ít nhất 2 bản để mỗi bên giữ 1 bản làm căn cứ xử lý những tranh chấp phát sinh về sau (nếu có).
Với những bạn trẻ chưa có kinh nghiệm, hãy đi xem phòng trọ với người thân, bạn bè để tham khảo ý kiến khách quan của họ, đồng thời đề phòng bị kẻ xấu chuyên lừa đảo thuê nhà.
Hoàng Minh