Đoàn Liên ngành thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) dừng xuất, nhập cảnh đối với đại diện pháp luật của các doanh nghiệp đang nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Đoàn Liên ngành thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) dừng xuất, nhập cảnh đối với đại diện pháp luật của các doanh nghiệp đang nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Ngày 16/9, đoàn Liên ngành thành phố gồm: Cục Thuế Hà Nội, các Sở Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường và Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã đã làm việc với 26 doanh nghiệp, dự án chậm triển khai trên địa bàn, nhưng còn nợ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, tiền chậm nộp theo quy định.
Theo đó, Liên ngành thành phố Hà Nội thống nhất nhiều nội dung; trong đó, đáng chú ý là việc phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) dừng xuất, nhập cảnh đối với đại diện pháp luật của các doanh nghiệp đang nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Ngoài ra, Liên ngành thành phố còn đề nghị thành phố không phê duyệt chủ trương đầu tư dự án mới hoặc thủ tục hành chính đối với các chủ đầu tư còn nợ ngân sách Nhà nước. Riêng các dự án chưa triển khai hoặc triển khai dang dở, nhưng còn nợ nghĩa vụ tài chính, đại diện Liên ngành thành phố cho biết sẽ tổng hợp, báo cáo, đề xuất thành phố thu hồi đất, thu hồi dự án theo quy định của Luật Đất đai.
Theo Cục Thuế thành phố Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của thành phố về giám sát các dự án chậm triển khai trên địa bàn, các ngành đã được giao rà soát, đôn đốc, xử lý nợ đối với 40 dự án chậm triển khai trên địa bàn với số nợ ngân sách Nhà nước 3.867 tỷ đồng.
Đến giữa tháng 9/2022, Liên ngành thành phố đã thực hiện đôn đốc và thu được 757 tỷ đồng của 23 dự án; trong đó, 11 dự án đã hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước với số nộp 495 tỷ đồng, 12 dự án thực hiện nộp một phần nghĩa vụ với số nộp 262 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số dự án còn lại đang nợ ngân sách Nhà nước trên 3.100 tỷ đồng. Do đó, Liên ngành thành phố sẽ tiếp tục đôn đốc, xử lý các vướng mắc của chủ đầu tư để thu hồi nợ thuế. Trường hợp các chủ đầu tư chây ỳ nộp ngân sách Nhà nước thì Liên ngành kiến nghị UBND thành phố Hà Nội kiên quyết triển khai các biện pháp bảo đảm đôn đốc, thu hồi, xử lý các khoản nợ đọng ngân sách theo luật định.
Mới đây, trong số các doanh nghiệp trây ì nợ thuế Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (MCK: FLC) vừa có thông báo về việc đã nhận được quyết định số 44135/QĐ-CTHN-QLN ngày 8/9/2022 về việc cưỡng chế thuế từ Cục Thuế TP Hà Nội liên quan khoản nợ thuế của doanh nghiệp.
Nguyên nhân là vì Tập đoàn FLC có số tiền quá hạn nộp gần 325,8 tỷ đồng phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật quản lý thuế.
Cơ quan thuế TP đã ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn với Tập đoàn FLC, đồng nghĩa với việc FLC sẽ không thể xuất hóa đơn cho các giao dịch bán hàng hóa, dịch vụ cho đối tác và khách hàng tại các đầu mối kinh doanh do Cục Thuế Hà Nội quản lý.
Thời gian gần đây, FLC liên tiếp vướng vào các vi phạm liên quan lĩnh vực thuế, chủ yếu đến từ các khoản nợ thuế hàng trăm tỷ đồng của doanh nghiệp.
Đầu tháng 9/2022, FLC bị Cục Thuế tỉnh Quảng Bình ra quyết định cưỡng chế thuế số tiền hơn 448 tỷ đồng bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản ngân hàng.
Trước đó, ngày 18/8, Chi cục Thuế khu vực TP Sầm Sơn - Quảng Xương (Thanh Hóa) cũng ra 8 quyết định cưỡng chế thuế bằng hình thức phong tỏa tài khoản với số tiền hơn 130 tỷ đồng với FLC.
Đầu tháng 8/2022, FLC cũng đã nhận 3 quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế tỉnh Quảng Bình với tổng số tiền gần 224 tỷ đồng.
Trước đó, văn bản số 452/TB-VP của Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã thống nhất, kết luận và chỉ đạo chấm dứt, dừng thực hiện đối với 7 dự án đầu tư chậm tiến độ.
1. Dự án Tòa nhà hỗn hợp dành một phần để bán cho cán bộ chiến sỹ Văn phòng Interpol Việt Nam tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm.
2. Dự án Khu đô thị sinh thái Đại Thịnh tại các xã: Mê Linh, Văn Khê và Đại Thịnh, huyện Mê Linh.
3. Dự án Khu đô thị mới Việt Á tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh.
4. Dự án Khu đô thị BMC Thăng Long tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh.
5. Dự án khu nhà ở cao cấp Phương Viên tại các xã: Thạch Đà, Đại Thịnh, Văn Khê, Tam Đồng, huyện Mê Linh.
6. Dự án Khu đô thị Quang Minh Bắc huyện Thường Tín.
7. Dự án Khu đô thị Quang Minh Nam tại huyện Thường Tín.
UBND thành phố Hà Nội giao giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đăng thông tin liên hệ, làm việc với nhà đầu tư theo quy định, làm cơ sở báo cáo UBND thành phố, báo cáo Thành ủy xem xét, chỉ đạo đối với việc chấm dứt, dừng thực hiện dự án đầu tư này.
PV