Sau nửa đầu năm 2024, Vietcombank đã hoàn thành gần 50% kế hoạch lợi nhuận năm. Tính đến ngày 30/6/2024, dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 1,37 triệu tỷ đồng, tăng gần 8% so với đầu năm.
Sau nửa đầu năm 2024, Vietcombank đã hoàn thành gần 50% kế hoạch lợi nhuận năm. Tính đến ngày 30/6/2024, dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 1,37 triệu tỷ đồng, tăng gần 8% so với đầu năm.
Khép lại nửa đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế tại Vietcombank đạt gần 20.835 tỷ đồng, lãi sau thuế tại Vietcombank đạt gần 16.711 tỷ đồng, đều tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ, tiếp tục đứng đầu toàn hệ thống.
Năm 2024, ngân hàng này đặt mục tiêu lãi trước thuế đạt hơn 42.000 tỷ đồng, như vậy sau nửa đầu năm, Vietcombank đã hoàn thành gần 50% kế hoạch lợi nhuận năm.
Cơ cấu lợi nhuận tại Vietcombank đến từ thu nhập lãi thuần nửa đầu năm 2024 đạt hơn 27.985 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 2.358 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác đạt 532 tỷ đồng và lãi thuần từ hoạt động dịch vụ mang về 2.940 tỷ đồng.
Đặc biệt, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nửa đầu năm 2023 giảm 33% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 3.021 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm nhẹ từ 230% về 212%.
Riêng quý II/2024, thu nhập lãi thuần - nguồn thu chính của Vietcombank giảm nhẹ 1%, còn 13.908 tỷ đồng. Khoản lãi từ dịch vụ đạt gần 1.499 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối thu về gần 1.161 tỷ đồng.
Đáng chú ý, lãi từ hoạt động khác giảm tới 91% so với cùng kỳ, còn hơn 24 tỷ đồng và mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ hơn 1,3 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tại Vietcombank giảm 2%, còn 11.629 tỷ đồng.
Lưu ý, trong quý II/2024, Vietcombank cắt giảm tới 40% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn 1.513 tỷ đồng. Vì vậy ngân hàng này báo lãi trước thuế đạt 10.116 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, vấn đề nợ xấu của các ngân hàng gần đây trở thành chủ đề được quan tâm và "ông lớn" Vietcombank cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Vietcombank mở rộng 4% so với hồi đầu năm, lên hơn 1,9 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt gần 1,37 triệu tỷ đồng, tăng gần 8% so với đầu năm.
Về phía nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tại Vietcombank lại giảm 2% so với đầu năm, còn hơn 1,37 triệu tỷ đồng. Mặc dù tốc độ cho vay khách hàng tăng trưởng song chất lượng nợ vay lại đáng lo ngại khi tổng nợ xấu tại Vietcombank tính đến 30/6/2024 tăng tới 32% so với đầu năm, lên mức 16.446 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ghi nhận hơn 10.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng nhẹ từ mức 0,98% đầu năm lên 1,2%.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024, lượng tài sản thế chấp tại Vietcombank tính đến 30/6/2024 giảm nhẹ 5% so với thời điểm đầu năm, ghi nhận hơn 2,15 triệu tỷ đồng.
Trong đó, bất động sản là cấu phần lớn nhất, chiếm gần 72% tổng lượng tài sản thế chấp tại Vietcombank với hơn 1,54 triệu tỷ đồng, con số này đã giảm nhẹ 5% so với đầu năm.
Vietcombank cũng nhận gần 226.234 tỷ đồng tiền gửi làm tài sản thế chấp, giảm nhẹ 2%. Trong khi lượng tài sản bảo đảm là giấy tờ có giá tăng nhẹ 5% từ 53.131 tỷ đồng hồi đầu năm lên hơn 55.883 tỷ đồng. Các loại tài sản thế chấp khác tại Vietcombank ghi nhận hơn 330.437 tỷ đồng, giảm nhẹ 5%.
Như vậy, giá trị tài sản thế chấp tại Vietcombank đang cao gấp 1,57 lần dư nợ cho vay khách hàng.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thanh Tùng, tổng giám đốc Vietcombank cho biết, tăng trưởng tín dụng tại Vietcombank đến hết ngày 17/6/2024 mới chỉ tăng 2,4% so với cuối năm 2023. Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chậm là do tình hình kinh tế thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến nhu cầu mua hàng trên toàn cầu sụt giảm.
Hoàng Trang