Ba ngân hàng lớn tiếp tục giảm lãi suất huy động; Vietcombank họp cổ đông bất thường vào ngày 6 tháng 10; VPBank sẽ miễn phí trọn đời khi đăng ký nhận theo dõi biến động số dư trên app VPBank NEO… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật
Ba ngân hàng lớn tiếp tục giảm lãi suất huy động; Vietcombank họp cổ đông bất thường vào ngày 6 tháng 10; VPBank sẽ miễn phí trọn đời khi đăng ký nhận theo dõi biến động số dư trên app VPBank NEO… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa thông báo triển khai gói vay dành cho doanh nghiệp, lãi suất ưu đãi từ 6,2% một năm, triển khai từ nay đến ngày 31/12 nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, gói vay dành 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh ngắn hạn với lãi suất từ 6,2% mỗi năm. Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trung dài hạn hoặc có nhu cầu vay mua ôtô, có thể tiếp cận gói vay 1.000 tỷ đồng với lãi suất từ 9,5% mỗi năm.
Nhằm hỗ trợ người dân, kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng phục vụ đời sống, mới đây Sacombank đã tung gói tín dụng 30.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5% mỗi năm.
Bên cạnh các gói vay ưu đãi, nhà băng cũng triển khai các chương trình khuyến mại về phí, quà tặng. Từ nay đến 31/12, đơn vị thực hiện chương trình "Trọn ưu đãi - Nối thành công". Các doanh nghiệp được miễn phí gói dịch vụ tài khoản doanh nghiệp Business-Plus, chuyển tiền quốc tế, chi lương, chọn tài khoản số đẹp, phí thường niên thẻ doanh nghiệp... cùng hàng trăm phần quà giá trị như xe Mercedes, iPad Pro, bộ thiết bị họp trực tuyến công nghệ cao.
Với nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Sacombank liên tục nhận các giải thưởng như: Sao khuê năm 2023 cho Dịch vụ thu hộ có đối soát tự động; "Doanh nghiệp TP HCM tiêu biểu năm 2022" do Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM bình chọn và "Ngân hàng tốt nhất dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam năm 2022" do Asiamoney bình chọn.
Cụ thể, tại Techcombank, ngân hàng đã áp dụng biểu lãi suất mới từ ngày 17/8, giảm 0,1% ở loạt kỳ hạn.
Cụ thể, lãi suất cao nhất tại ngân hàng chỉ còn 6,3%/năm, áp dụng với khách hàng ưu tiên gửi tiền kỳ hạn từ 12 tháng trở lên theo hình thức online và số tiền từ 3 tỷ đồng. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng gửi online đã giảm xuống còn 5,85-6,2%/năm, trong đó, mức lãi suất 5,85-6,05%/năm dành cho khách hàng thường.
Đối với gửi tại quầy, lãi suất cao nhất của Techcombank là 6,2%/năm, kỳ hạn gửi từ 12 tháng trở lên và chỉ áp dụng cho khách hàng Private gửi tiền từ 3 tỷ đồng.
Sacombank cũng thay đổi biếu lãi suất huy động từ hôm nay 17/8 và giảm 0,2-0,8 điểm % so với trước, đặc biệt là kỳ hạn ngắn giảm rất mạnh. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tiết kiệm online đã giảm từ 4,75%/năm xuống còn 3,9%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng giảm từ 4,75% xuống 4,1%/năm.
Đối với kỳ hạn 6 tháng khi gửi online, lãi suất huy động của Sacombank giảm 0,2 điểm % xuống còn 5,9%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,3 điểm % xuống 6,3%/năm; lãi suất kỳ hạn 36 tháng giảm 0,3 điểm % xuống 6,5%/năm.
Một ngân hàng lớn khác là ACB cũng giảm sâu lãi suất. Hiện gửi tiền kỳ hạn 6 tháng - 12 tháng theo hình thức của nhà băng này chỉ còn tối đa 6,2%/năm thay vì 6,4-6,5%/năm như trước. Để được lãi suất này, khách hàng cần gửi số tiền từ 5 tỷ đồng trở lên.
Động thái giảm lãi suất huy động vẫn liên tục diễn ra trên toàn hệ thống, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước mới đây lại thúc giục các nhà băng hạ mặt bằng lãi suất. Cụ thể, cơ quan quản lý yêu các nhà băng đồng thời giảm lãi suất khoản vay cũ và mới ít nhất 1,5-2%, theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm nay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8. Các đơn vị này báo cáo kết quả thực hiện và gửi Ngân hàng Nhà nước trước ngày 8/1/2024.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa thông báo sẽ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 06/10/2023 tại Hội trường tầng 19, tòa nhà Vietcombank Tower, 198 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự Đại hội cổ đông bất thường là 05/09/2023.
Cuộc họp nhằm thông qua tờ trình về việc miễn nhiệm thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2023-2028; và một số tờ trình khác (nếu có).
Cũng liên quan đến vấn đề nhân sự của Vietcombank, ngân hàng này vừa thông báo bổ nhiệm cùng lúc 2 Phó tổng giám đốc và người phụ trách Kế toán.
Cụ thể, Vietcombank sẽ miễn nhiệm chức danh kế toán trưởng đối với ông Lê Hoàng Tùng, đồng thời bổ nhiệm ông Tùng giữ chức vụ Phó tổng giám đốc ngân hàng trong vòng 5 năm. Ngày bắt đầu có hiệu lực là 15/8/2023.
Thay thế cho ông Tùng, Vietcombank cũng đã bổ nhiệm bà Lê Thị Huyền Diệu - Trưởng phòng Chính sách tài chính Kế toán trụ sở chính Vietcombank đảm nhiệm chức vụ người phụ trách kế toán của Vietcombank, thực hiện trách nhiệm và quyền hạn của Kế toán trưởng ngân hàng này.
Ngoài ra, Vietcombank cũng bổ nhiệm thêm một Phó tổng giám đốc khác là ông Hồ Văn Tuấn. Trước khi đảm nhiệm vị trí này, ông Tuấn giữ chức vụ Giám đốc Vietcombank chi nhánh Sở giao dịch.
Với việc bổ nhiệm 2 phó tổng giám đốc mới, Ban điều hành Vietcombank có tổng cộng 10 thành viên với ông Nguyễn Thanh Tùng làm Tổng giám đốc và 9 Phó tổng giám đốc.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước và sau thuế của Vietcombank đạt lần lượt 20.499 tỷ đồng và 16.420 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2022.
Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản Vietcombank dừng ở mức hơn 1,704 triệu tỷ đồng, giảm 109.542 tỷ đồng so với hồi đầu năm, tương đương giảm hơn 6%. Trong đó, dự nợ cho vay khách hàng của Vietcombank tăng 2,9%, lên 1,178 triệu tỷ đồng.
Nhận thông báo biến động số dư tài khoản ngân hàng bằng tin nhắn điện thoại (SMS banking) là hình thức phổ biến và truyền thống mà người dùng ngân hàng đã quen thuộc từ nhiều năm nay.
Nếu như từ năm 2021 trở về trước, các ngân hàng thường thu phí SMS banking ở các mức dưới 20.000 đồng/tháng/số điện thoại, thì hai năm trở lại đây, đặc biệt trong quý I năm 2023, do ngày càng phải bù lỗ rất nhiều khi thanh toán các khoản phí SMS Banking cho các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông, các ngân hàng đồng loạt thông báo tăng mức phí này, mức cao nhất phổ biến trong khoảng 70.000-80.000 đồng/tháng.
Gần đây, khi các ứng dụng ngân hàng điện tử trên điện thoại thông minh (app) trở nên gần gũi và thông dụng hơn với người dùng, các ngân hàng đã rất nhanh nhạy đưa phần thông báo biến động số dư (BĐSD) này lên app, vừa giảm thiểu được nguy cơ rủi ro lộ thông tin cá nhân lại rất dễ theo dõi, quản lý ngay cả khi giao dịch tại nước ngoài mà không cần chuyển vùng số điện thoại (roaming) để nhận SMS banking, và đặc biệt là hoàn toàn miễn phí.
Vừa qua, VPBank vừa ra thông báo về việc điều chỉnh phí dịch vụ SMS Banking. "Để đảm bảo công bằng cho các khách hàng sử dụng dịch vụ (dùng ít - trả ít, dùng nhiều - trả nhiều), kể từ ngày 01/9/2023, VPBank sẽ điều chỉnh mức phí SMS banking từ mức gói cố định hàng tháng là 12.000 đồng/số tài khoản/1 thuê bao chuyển thành biểu phí tăng dần tính theo số lượng tin nhận được hàng tháng", đại diện VPBank cho biết. Cũng theo VPBank, từ sau ngày 1/9/2023, ngân hàng sẽ chỉ thu phí SMS banking với những giao dịch có giá trị từ 100.000 đồng trở lên. Các giao dịch có giá trị dưới 100.000 đồng (mức giao dịch tối thiểu) sẽ không nhận thông báo BĐSD về điện thoại mà nhận trên app Ngân hàng điện tử VPBank NEO. Dịch vụ theo dõi số dư trên app VPBank NEO đã được VPBank triển khai từ đầu năm 2021 và hoàn toàn miễn phí.
"Với việc thay đổi lần này, chúng tôi mong muốn khách hàng chuyển sang quản lý biến động số dư trên app VPBank NEO (miễn phí trọn đời) thay vì sử dụng SMS banking (có thu phí) như trước, để giúp tiết kiệm chi phí cho cả khách hàng và ngân hàng, bởi ngay cả khi đã tăng phí thì ngân hàng vẫn phải bù lỗ hàng chục tỷ đồng mỗi năm để thanh toán cho các công ty viễn thông", đại diện VPBank chia sẻ.
Khách hàng VPBank trên các hội nhóm đang truyền tay nhau clip ghi lại các thao tác hủy dịch vụ SMS banking và đăng ký nhận biến động số dư trên app VPBank NEO do ngân hàng hướng dẫn: https://youtu.be/Dav2DPVRTB8.
Huy Tùng (T/h)