Bắc Giang sắp có thêm 2 cụm công nghiệp hơn 112ha;Nghệ An kêu gọi đầu tư dự án tâm linh hơn 600 tỷ đồng;Thanh Hóa khởi công cụm công nghiệp hơn 18ha…là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Bắc Giang sắp có thêm 2 cụm công nghiệp hơn 112ha;Nghệ An kêu gọi đầu tư dự án tâm linh hơn 600 tỷ đồng;Thanh Hóa khởi công cụm công nghiệp hơn 18ha…là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp Thanh tra tỉnh, các sở và đơn vị liên quan kiểm tra dự án sân golf The Dàlat At 1200 của Cty TNHH Acteam International.
Nếu phát hiện hành vi vi phạm của bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào, cần phải xử lý nghiêm và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 15/4 đến Thường trực Tỉnh ủy. Dự án này nằm tại huyện Đơn Dương, với tổng diện tích đất và mặt nước hơn 750ha và vốn đầu tư hàng chục triệu USD, đã được đưa vào sử dụng từ năm 2018.
Trước đó, Sở NN&PTNT đã tổ chức cuộc họp để xem xét đề xuất về việc xử lý diện tích rừng bị mất trong quá trình thực hiện dự án của Công ty TNHH Acteam International tại huyện Đơn Dương. Cuộc họp đã có sự tham gia của Ban Nội chính của Tỉnh ủy, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Chi cục Kiểm lâm để thống nhất hướng xử lý và chỉ đạo.
Theo kết quả kiểm tra, so sánh biến động trạng thái rừng giữa hai lần kiểm kê (năm 2007 và năm 2022), diện tích đất có rừng giảm hơn 43,2ha, trong đó có hơn 38,2ha rừng tự nhiên. Các cơ quan chức năng nhận định, Công ty TNHH Acteam International đã trực tiếp phá rừng để xây dựng công trình hạ tầng. Mất rừng xảy ra từ khi thực hiện dự án đến khoảng năm 2017.
Vụ việc này có dấu hiệu vi phạm hành chính và có thể hủy hoại rừng theo quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến diện tích rừng bị giảm đã lâu, và cần có bổ sung hồ sơ về hiện trạng rừng trước khi tiến hành xử lý.
Công ty TNHH Acteam International cũng đã nhận thiếu sót do không đảm bảo thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định. Trước tình hình này, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND tỉnh xem xét giao Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra toàn diện đối với dự án, nhằm đưa ra kiến nghị và đề xuất xử lý đảm bảo không bỏ lọt tội phạm, đồng thời bảo vệ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 2 Cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn, tổng diện tích 112,5ha.
Cụ thể, CCN Phương Sơn - Đại Lâm, huyện Lục Nam và huyện Lạng Giang thuộc địa giới hành chính của thị trấn Phương Sơn, huyện Lục Nam và xã Đại Lâm, huyện Lạng Giang. Ranh giới được giới hạn phía Bắc giáp khu dân cư hiện trạng và cánh đồng thôn Kẻn, thị trấn Phương Sơn; phía Nam giáp nhà xưởng, khu dân cư hiện trạng và cánh đồng canh tác thôn Đại Giáp, xã Đại Lâm; phía Đông giáp đường bê tông và khu nuôi trồng thủy sản thôn Phương Lạn, thị trấn Phương Sơn; phía Tây giáp khu dân cư và đất canh tác nông nghiệp thôn Đại Giáp, xã Đại Lâm.
Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 47,5ha. CCN Phương Sơn - Đại Lâm có tính chất là CCN xanh, có công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường, thu hút các ngành nghề như: Ngành điện, điện tử, truyền thông, cơ khí, may mặc, thiết bị dụng cụ y tế, dược, chế biến nông sản thực phẩm, bao bì và các sản phẩm từ nhựa, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo khác.
Các hạng mục cần đầu tư xây dựng bao gồm: Công trình hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc, ga rác, trạm xử lý nước thải...; công trình: Văn phòng, thương mại dịch vụ, nhà xưởng sản xuất...
CCN Hương Sơn 2, huyện Lạng Giang thuộc địa giới hành chính của xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang. Ranh giới được giới hạn phía Bắc giáp Quốc lộ 37 và trụ sở UBND xã Hương Sơn; phía Nam giáp đồi trồng cây ăn quả và dân cư hiện trạng xã Hương Sơn; phía Đông giáp đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, dân cư hiện trạng; phía Tây giáp dân cư hiện trạng và đường quy hoạch.
Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 65ha.
Về tính chất, Cụm công nghiệp Hương Sơn 2 là cụm công nghiệp xanh, có công nghệ hiện đại, tiên tiến, thân thiện với môi trường, thu hút các ngành nghề như: Ngành điện, điện tử, truyền thông; cơ khí; may mặc; thiết bị dụng cụ y tế, dược; chế biến nông lâm sản, thực phẩm; bao bì; công nghiệp chế biến, chế tạo; cho thuê nhà xưởng; công nghiệp hỗ trợ khác.
Các hạng mục cần đầu tư xây dựng bao gồm: Công trình hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc, ga rác, trạm xử lý nước thải...; công trình văn phòng, thương mại dịch vụ, nhà xưởng sản xuất...
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An mời gọi nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án Khu du lịch sinh thái - văn hóa - tâm linh núi Chung.
Dự án thuộc Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, huyện Nam Đàn.
Dự án có quy mô diện tích hơn 56,5ha, bao gồm diện tích sử dụng đất và mặt nước (không bao gồm đất xây dựng đền Chung Sơn, khu công viên Liên Trì, khu vực đón tiếp và bãi đỗ xe có diện tích 5,33ha và đất rừng đặc thù 21,78ha).
Quy mô xây dựng gồm có khu công viên du lịch rộng hơn 27ha, với các hạng mục gồm: Khu hoạt động nghĩa quân Cần Vương, khu Dăm Sim, khu cắm trại dã ngoại, khu trưng bày đặc sản xứ Nghệ, công viên du lịch hồ Màng Tang. Khu cây xanh cảnh quan có quy mô hơn 19ha và hồ Mang Tang với phần mặt nước có diện tích khoảng 6ha. Công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật có diện tích hơn 3,8ha.
Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án gần 605 tỷ đồng, được thực hiện 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào quý 1.2026.
Các nhà đầu tư quan tâm thực hiện dự án nộp hồ sơ đăng ký đến hết ngày 6.5.2024.
Trước đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cũng mời các nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án Khu nhà ở tại khối Sỹ Tân, Yên Trung, phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai.
Dự án có diện tích sử dụng đất 5,9ha. Cơ cấu sản phẩm bao gồm: nhà ở thấp tầng với 210 lô, trong đó có nhà ở liền kề, nhà ở biệt thự; nhà ở cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ. Quy mô dân số khoảng 1.200 người.
Tổng mức đầu tư gần 670 tỷ đồng.
Mới đây, UBND huyện Thọ Xuân cùng Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đã cụm công nghiệp Thọ Nguyên với tổng diện tích hơn 18ha.
Dự án được xây dựng thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 triển khai trên diện tích hơn 15ha. Giai đoạn 2, triển khai phần diện tích còn lại khoảng 3ha. Các khu chức năng của cụm công nghiệp gồm: khu quản lý, điều hành; khu vực nhà máy, nhà xưởng sản xuất công nghiệp; khu vực hạ tầng kỹ thuật; khu cây xanh mặt nước và đất giao thông nội khu.
Cụm công nghiệp Thọ Nguyên sẽ thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh các ngành nghề: may mặc, da giày; chế biến nông sản, thực phẩm, các dự án chế biến gỗ, thủ công mỹ nghệ; cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, các sản phẩm kim loại, linh kiện, phụ kiện kim loại, nhóm các dự án điện, điện tử, viễn thông, điện lạnh...
Dự kiến đến giữa năm 2025, dự án sẽ được đưa dự án vào khai thác, sử dụng, thu hút các nhà đầu tư lấp đầy khoảng 50%; đến hết năm 2026, lấp đầy 100% diện tích, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động.
Trước đó, ngày 30/5/2023, Cụm công nghiệp đầu tiên trên địa bàn huyện Thọ Xuân là Cụm công nghiệp Chu Lai đã được Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Xuân Lai khởi công với diện tích gần 15ha.
Được biết, huyện Thọ Xuân đã quy hoạch được 8 cụm công nghiệp, trong đó có 3 cụm công nghiệp đã có nhà đầu tư gồm: Cụm công nghiệp Xuân Lai, cụm Công nghiệp Thọ Minh, cụm Công nghiệp Thọ Nguyên, với tổng diện tích quy hoạch là trên 82ha.
Từ năm 2016 đến nay, đã thu hút 82 nhà đầu tư vào địa phương, với tổng diện tích là trên 1.000ha và tổng số vốn đầu tư gần 12.000 tỷ đồng. Điển hình như Tập đoàn Sao Mai, Tập đoàn Hoa Lợi, Công ty TNHH Speed Motion Việt Nam, Công ty cổ phần may Minh Anh…
Huy Tùng (T/h)