Dự án Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vạn An không qua đấu giá; Hai doanh nghiệp đề xuất đầu tư dự án khu đô thị tại TP Đông Hà; Bình Dương cắm biển cảnh báo dự án Hoàng Nam Uyên Hưng… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Dự án Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vạn An không qua đấu giá; Hai doanh nghiệp đề xuất đầu tư dự án khu đô thị tại TP Đông Hà; Bình Dương cắm biển cảnh báo dự án Hoàng Nam Uyên Hưng… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Làm rõ trách nhiệm việc cao ốc Saigon Center chậm triển khai hơn chục năm
Mới đây, Bộ Xây dựng có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến thẩm định về việc điều chỉnh Dự án Saigon Centre-IV và Saigon Centre V của Công ty TNHH Keppel Land Watco IV và V.
Theo hồ sơ gửi kèm, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mã số dự án 1058784368 lần đầu ngày 6/3/2017 cho Công ty TNHH Keppel Land Watco IV thực hiện dự án Saigon Centre IV.
Mục tiêu của dự án là xây dựng một cao ốc làm văn phòng cho thuê tại số 92-94 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1. Quy mô sử dụng đất khoảng 3.376m2 theo quy hoạch được duyệt. Trước đó, UBND TPHCM đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ tháng 3/2000.
Theo hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư, Công ty TNHH Keppel Land Watco IV đã đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm 4 nội dung: Cập nhật thông tin thay đổi của các nhà đầu tư; cập nhật thông tin giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bổ sung mã số thuế và bãi bỏ địa chỉ trụ sở chính của tổ chức kinh tế thực hiện dự án; điều chỉnh thời hạn hoạt động; điều chỉnh tiến độ thực hiện.
Theo báo cáo của Công ty TNHH Keppel Land Watco IV, dự án đã được UBND TPHCM cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 29/3/2000, tuy nhiên đến nay do nhiều nguyên nhân khác nhau mà nhà đầu tư vẫn chưa nhận được mặt bằng sạch để có thể triển khai thực hiện đầu tư xây dựng dự án.
Theo Bộ Xây dựng, đối với việc chậm trễ bàn giao mặt bằng dự án cho nhà đầu tư như hồ sơ báo cáo, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ ý kiến của UBND TPHCM và các cơ quan liên quan để rà soát quá trình triển khai công tác thu hồi giải phóng mặt bằng, bàn giao đất. Qua đó xác định trách nhiệm thuộc nhà đầu tư hay cơ quan nhà nước để làm cơ sở xem xét điều chỉnh thời hạn hoạt động, tiến độ thực hiện của dự án đầu tư theo quy định.
Đối với đề nghị điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án , Bộ Xây dựng đề nghị nhà đầu tư căn cứ vào quy mô công trình, thời gian hoàn tất các thủ tục hành chính liên quan (dự kiến), thời gian cho công tác chuẩn bị dự án, thi công xây dựng và nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng để đề xuất điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án, tránh tình trạng phải xin gia hạn điều chỉnh tiến độ nhiều lần.
Kon Tum: Dự án Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vạn An không qua đấu giá
Thanh tra Chính phủ vừa phát hiện Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vạn An do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Y tế Kon Tum làm chủ đầu tư, được mua tài sản trên đất theo hình thức chỉ định.
Kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ cho thấy, trụ sở Hội cựu chiến binh tỉnh Kon Tum (666 m2) và Khu ký túc xá Trường Trung cấp Y tế tỉnh Kon Tum (diện tích đất 3.667,4 m2) là nhà, đất công.
Việc UBND tỉnh Kon Tum bán tài sản trên đất, sau đó cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Y tế Kon Tum thuê đất để thực hiện dự án theo chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, lĩnh vực ưu đãi đầu tư siêu thị mà không sắp xếp, tổ chức đấu giá là không đúng Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định số 52/2009/NĐ-CP.
Theo giải trình của UBND tỉnh, Kon Tum là tỉnh miền núi, gặp rất nhiều khó khăn trong việc thu hút, mời gọi đầu tư, nhất là lĩnh vực kinh tế. Thời điểm năm 2016, điều kiện chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn rất hạn chế nên khi nhà đầu tư (duy nhất) đăng ký mua tài sản để thực hiện đầu tư bệnh viện, UBND tỉnh đã bán chỉ định và tập trung tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút vốn ngoài ngân sách theo chủ trương “cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để xây dựng theo hình thức cho thuê đất miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê”.
Quảng Trị: Hai doanh nghiệp đề xuất đầu tư dự án khu đô thị tại TP Đông Hà
Liên quan đến dự án đầu tư tại Khu đô thị phía Đông TP Đông Hà, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Trị vừa cho biết, hiện đã có 2 doanh nghiệp đề xuất thực hiện.
Theo đó, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp đề xuất thực hiện Dự án Khu đô thị đa chức năng Udideco - Đông Hà tại phường 2 và phường Đông Lễ, TP Đông Hà, quy mô khoảng 8,3 ha.
Cũng tại địa điểm trên, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Intracom đề xuất thực hiện Dự án Khu đô thị Intracom Invest - Đông Hà với quy mô khoảng 8,1 ha.
Trước đó, ngày 13/11/2022, Sở Xây dựng đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý chủ trương cho Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng Intracom nghiên cứu, khảo sát 2 dự án nêu trên theo như đề xuất của doanh nghiệp.
Theo Sở Xây dựng, việc đề xuất này để làm cơ sở kêu gọi, huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư phát triển đô thị, phấn đấu đưa TP. Đông Hà sớm trở thành Đô thị loại II trong thời gian tới; đồng thời căn cứ trên ý kiến tham gia của Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài nguyên và Môi trường (riêng UBND TP Đông Hà không có ý kiến tham gia).
Tuy nhiên, Sở Xây dựng thông tin, hiện nay, Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đông Hà đến năm 2045 chưa được phê duyệt.
Ngoài ra, một số căn cứ pháp lý để triển khai các dự án khu đô thị, khu nhà ở đang trong quá trình hoàn thiện, chờ phê duyệt như Chương trình phát triển nhà ở, Hồ sơ đề xuất phát triển đô thị chưa được UBND tỉnh phê duyệt; dự thảo Kế hoạch phát triển nhà ở chuẩn bị lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan; quy hoạch phân khu các phường trên địa bàn TP Đông Hà cần được điều chỉnh sau khi phê duyệt đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đông Hà…
“Hồ sơ đề xuất thực hiện dự án cần được thực hiện sau khi đầy đủ cơ sở pháp lý và đảm bảo sự phù hợp với quy hoạch đô thị, hồ sơ đề xuất phát triển đô thị, chương trình phát triển đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh và các quy hoạch ngành có liên quan”, Sở Xây dựng lưu ý.
Bình Dương cắm biển cảnh báo dự án Hoàng Nam Uyên Hưng
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, dự án Khu nhà ở thương mại Hoàng Nam Uyên Hưng chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, UBND phường Uyên Hưng đã thực hiện cắm biển cảnh báo.
Mặc dù Sở Xây dựng đã có văn bản cảnh báo, và ra quy định cắm "biển báo", bảo vệ "biển báo" tại các dự án chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh trên địa bàn, nhưng tình trạng huy động vốn trái phép xảy ra khá phổ biến ở nhiều dự án bất động sản thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương.
Theo đó, dự án Hoàng Nam Uyên Hưng do Công ty TNHH Dịch vụ BĐS & Xây Dựng Hoàng Nam làm chủ đầu tư được quảng cáo tọa lạc trên khu đất rộng gần 5 ha, được quy hoạch là khu nhà ở thương mại đồng bộ, sang trọng và hiện đại bậc nhất Tân Uyên, Hoàng Nam Tân Uyên được kỳ vọng sẽ là nơi đáp ứng cho nhu cầu đầu tư - an cư thịnh vượng cho khách hàng. Dự kiến giai đoạn 1 của Hoàng Nam Uyên Hưng triển khai mở bán 348 nền sổ sẵn và nhà phố 1 trệt 2 lầu.
Theo Văn bản số 1325/SXD-TTrXD, Sở Xây dựng đã đôn đốc nhắc nhở, yêu cầu địa phương rà soát lập danh sách cắm biển báo và bảo vệ biển báo đối với những dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, huy động vốn trái phép trên địa bàn. Hiện nay, các địa phương đang nhanh chóng đồng loạt thực hiện cắm biển báo tại dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, huy động vốn trái phép trên địa bàn. Thẩm quyền tổ chức thực hiện cắm biển báo và bảo vệ biển báo thuộc trách nhiệm UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Sở Xây dựng Bình Dương cũng thông tin về Dự án Khu nhà ở thương mại Hoàng Nam Uyên Hưng, phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển nhà và Đô thị Hoàng Nam làm chủ đầu tư đến nay chưa đủ điều kiện chuyển nhượng. Do đó, UBND phường Uyên Hưng đã thực hiện cắm "biển báo" theo Văn bản số 1325/SXD-TTrXD ngày 18/4/2022 của Sở Xây dựng.
Xem thêm: Hà Nội: Công bố chỉ giới đường đỏ Vành đai 4 tại huyện Hoài Đức
Huy Tùng (t/h)