Không chỉ tăng cường phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn, các ngân hàng còn đang tích cực mua lại các lô trái phiếu từng phát hành năm 2021, 2022.
Không chỉ tăng cường phát hành trái phiếu nhằm huy động vốn, các ngân hàng còn đang tích cực mua lại các lô trái phiếu từng phát hành năm 2021, 2022.
Ngân hàng liên tục mua lại trái phiếu trước hạn
Hơn nửa đầu tháng 8/2023 các ngân hàng liên tục mua lại trái phiếu trước hạn trong bối cảnh thị trường trái phiếu cho thấy nhiều tín hiệu hồi phục.
Đơn cử Ngân hàng MSB vừa mua lại 1.000 trái phiếu đang lưu hành của mã MSBL2124005 được phát hành vào ngày 11/8/2021 có thời hạn 3 năm với mệnh giá 1 tỷ đồng/ trái phiếu, tương ứng với 1.000 tỷ đồng.
Lô trái phiếu có lãi suất cố định 3,7%/năm, kỳ hạn trả lãi 12 tháng/lần, là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo và không phải nợ thứ cấp của tổ chức phát hành.
Mục đích phát hành của lô trái phiếu MSBL2124005 nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, đáp ứng nhu cầu cho vay trung dài hạn bằng VNĐ của tổ chức phát hành.
Trong năm 2023, MSB đã liên tục mua lại lượng lớn trái phiếu được phát hành trong năm 2021 và 2022. Tính riêng tháng 6/2023, ngân hàng MSB đã chi hơn 2.000 tỷ đồng để mua lại trước hạn toàn bộ các lô trái phiếu gồm mã MSBL2124003 trị giá 1.000 tỷ đồng; MSBL2124004 trị giá 300 tỷ đồng và MSBL2225003 trị giá 1.000 tỷ đồng.
Hay như ngân hàng VIB vừa thông báo chi 250 tỷ đồng mua lại 2 mã trái phiếu trước hạn, bao gồm mã trái phiếu VIBL2128010 và mã trái phiếu VIBL2128011. Hai mã trái phiếu này đều có kỳ hạn 7 năm.
Mã trái phiếu VIBL2128010 có mệnh giá 1 tỷ đồng được phát hành ngày 12/8/2021 và đáo hạn ngày 12/8/2028. Khối lượng phát hành theo mệnh giá là 150 tỷ đồng, khối lượng đang lưu hành theo mệnh giá là 150 tỷ đồng. Tại ngày 12/8/2023, VIB đã thực hiện chi 150 tỷ đồng để mua lại toàn bộ mã trái phiếu này (theo mệnh giá).
Mã trái phiếu VIBL2128011 có mệnh giá 1 tỷ đồng, được phát hành ngày 16/8/2021 và đáo hạn ngày 16/8/2028. Khối lượng phát hành theo mệnh giá và khối lượng lưu hành theo mệnh giá đều là 100 tỷ đồng. Tại ngày 16/8/2023, VIB chi 100 tỷ đồng mua lại toàn bộ mã trái phiếu này trước hạn.
Hồi cuối tháng 7/2023, ngân hàng VIB cũng chi 100 tỷ đồng mua lại toàn bộ trước hạn lô trái phiếu mã VIBL2128009 phát hành năm 2021.
Từ đầu năm 2023 đến nay, VIB đã thực hiện mua lại tổng cộng 12 mã trái phiếu trước hạn với tổng số tiền lên tới hơn 4.000 tỷ đồng.
Thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, chỉ riêng trong quý II/2023 vừa qua có khoảng 17 ngân hàng xuống tiền mua lại trái phiếu trước hạn.
Đẩy mạnh huy động vốn qua trái phiếu với lãi suất lên tới 9,7%/năm
Song song với việc mua lại, thời gian gần đây các ngân hàng cũng đang phát hành trái phiếu huy động vốn.
Điển hình tại ngân hàng ACB, ngày 7/8 vừa qua phát hành thành công lô trái phiếu mã ACBL2325001 kỳ hạn 2 năm có tổng giá trị phát hành là 2.500 tỷ đồng. Đến ngày 11/8, ACB tiếp tục huy động thành công lô trái phiếu mã ACBL2325002 cũng kỳ hạn 2 năm có tổng giá trị 2.500 tỷ đồng.
Đây là lô trái phiếu đầu tiên được ngân hàng này phát hành trong năm nay đều có lãi suất 6,5%/năm.
Trước đó, vào tháng 7/2023, HĐQT ACB đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần một trong năm 2023 với tổng quy mô tối đa 20.000 tỷ đồng. ACB sẽ phát hành tối đa 200.000 trái phiếu trong 20 đợt với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu hoặc bội số của 100 triệu đồng. Giá phát hành bằng mệnh giá. Số trái phiếu được phát hành nhằm phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư cũng như đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của NHNN.
Tương tự, ngày 2/8 vừa qua, ngân hàng MSB đã phát hành lô trái phiếu MSBL2326002 với khối lượng phát hành là 1.000 trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành là 1.000 tỷ đồng.
Lô trái phiếu có thời hạn 3 năm, ngày đăng ký phát hành là 2/8/2023 và ngày đáo hạn là 2/8/2026, được phát hành ở thị trường trong nước và có lãi suất phát hành 7,5%/năm.
Cuối tháng 7/2023, ngân hàng OCB cũng huy động thành công lô trái phiếu mã OCBL 2326005 kỳ hạn 3 năm với lãi suất 7,5%/ năm. Tổng giá trị phát hành là 2.000 tỷ đồng.
Ngày 1/8, ngân hàng BIDV cũng đã phát hành thành công lô trái phiếu BIDL2343005. Khối lượng phát hành là 500 trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, tổng giá trị phát hành là 500 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có thời hạn 20 năm, ngày đăng ký phát hành là 1/8/2023 và ngày đáo hạn là 1/8/2043 có lãi suất phát hành 7,7%/năm.
Đây là đợt phát hành thứ 4 kể từ cuối tháng 6/2023. Trước đó, BIDV từng huy động thành công 3 lô trái phiếu gồm các mã BIDL2338003 kỳ hạn 15 năm có tổng giá trị phát hành 460 tỷ đồng với lãi suất 7,6%/năm; mã BIDLH2330002 kỳ hạn 7 năm có giá trị 195 tỷ đồng, lãi suất 7%/năm; mã BIDLH2329001 kỳ hạn 6 năm với tổng giá trị phát hành là 490 tỷ đồng có lãi suất 6,7%/năm.
Thống kê trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), từ quý 2/2023 đến nay có tới 10 ngân hàng tích cực huy động vốn qua kênh trái phiếu với mức lãi suất tương đối thấp so với các nhóm ngành khác, dao động từ 6,5% - 9,7%/năm.
Trong đó, có một số nhà băng ghi nhận mức lãi suất trái phiếu cao so với ngành như ngân hàng Nam A Bank phát hành lô trái phiếu mã NABL2329001 với lãi suất lên đến 9,5%/năm; mã NABL2329003 và NABL2329002 cùng mức lãi suất 9,7%/năm có tổng giá trị phát hành lần lượt 700 tỷ đồng và 300 tỷ đồng; ngân hàng OCB phát hành mã trái phiếu OCBL2328001 lãi suất 8,1%/năm có tổng giá trị 200 tỷ đồng...
Tại cuộc họp lần thứ 4 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về ổn định hoạt động thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày 18/8 vừa qua, Bộ Tài chính đánh giá, với việc triển khai quyết liệt đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kể từ quý II/2023 tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư dần ổn định trở lại, một số tổ chức chủ động mua lại trái phiếu để cơ cấu lại nguồn vốn.
Lê Thanh