Năm 2022, Văn Phú - Invest (VPI) đạt lợi nhuận trước và sau thuế ở mức 661 tỷ đồng và 491 tỷ đồng, lần lượt tăng 69% và 43% so với năm 2021. Về tình hình tài chính, chi phí lãi vay tại doanh nghiệp có xu hướng tăng nhanh do đẩy mạnh vay nợ.
Năm 2022, Văn Phú - Invest (VPI) đạt lợi nhuận trước và sau thuế ở mức 661 tỷ đồng và 491 tỷ đồng, lần lượt tăng 69% và 43% so với năm 2021. Về tình hình tài chính, chi phí lãi vay tại doanh nghiệp có xu hướng tăng nhanh do đẩy mạnh vay nợ.
Năm 2022, CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (mã: VPI) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 2.154 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh hơn 43%, đạt hơn 491 tỷ đồng.
Kết quả này có sự đóng góp của các dự án bao gồm The Terra - An Hưng, The Terra - Hào Nam, Grandeur Palace - Giảng Võ và dự án Oakwood Residence Hà Nội mang về cho doanh nghiệp khoảng 960 tỷ đồng doanh thu trong cả năm 2022.
Theo tìm hiểu, dự án Vlasta - Sầm Sơn tại Thanh Hóa được bắt đầu mở bán từ tháng 6/2022 đã mang tới kết quả khả quan khi thu hút lượng lớn khách hàng quan tâm và đóng góp khoảng 1.200 tỷ đồng vào doanh thu năm 2022 của VPI. Đây là dự án khu đô thị biển với quy mô gần 29 ha gồm 595 các sản phẩm biệt thự, nhà vườn, nhà liền kề và khu thương mại dịch vụ nằm dọc theo đường bãi biển dài 840 mét, hứa hẹn sẽ là điểm dừng chân thơ mộng bậc nhất của mảnh đất xứ Thanh.
Riêng trong quý 4/2022, doanh thu thuần và lãi sau thuế của Công ty lần lượt đạt 760 tỷ đồng và 203 tỷ đồng, giảm tương đương 62% và 46%. Theo đó, doanh thu chủ yếu đến từ việc bán và bàn giao các sản phẩm thuộc dự án Vlasta - Sầm Sơn. Ngoài ra, VPI cũng duy trì ghi nhận doanh thu từ mảng kinh doanh dịch vụ từ dự án Khu căn hộ dịch vụ Oakwood Residence Hà Nội với doanh thu khoảng 43 tỷ đồng, cũng như ghi nhận phần còn lại của các dự án The Terra - An Hưng và The Terra - Hào Nam.
Năm 2022, Văn Phú - Invest lên kế hoạch lãi sau thuế đạt 430 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả thực hiện được, doanh nghiệp đã hoàn thành hơn 114% kế hoạch.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của VPI đạt hơn 10.973 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Ở thời điểm này, Công ty đang nắm gần 500 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, giảm tới 56% so với đầu năm. Ngoài ra, giá trị hàng tồn kho ghi nhận gần 3.667 tỷ đồng, tăng 6,5% và chủ yếu tập trung ở các dự án nằm trong danh mục các dự án sẽ mang lại doanh thu cho VPI trong 2023 và 2024 bao gồm Vlasta - Sầm Sơn, The Terra - Bắc Giang (dự kiến bắt đầu mở bán từ tháng 11 năm 2022), và một số các dựa án khác. Phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm hơn 66% so với đầu năm về còn 128 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2022, vay nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm 56% so với đầu năm, từ hơn 1.794 tỷ đồng về còn 794,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, vay nợ tài chính dài hạn lại tăng gấp 2,33, từ 1.356 tỷ đồng lên mức hơn 3.171 tỷ đồng. Do đó, kéo chi phí lãi vay tại VPI năm 2022 tăng tới 80%, gần 187 tỷ đồng.
Nợ vay tăng mạnh do doanh nghiệp đầu tư vào các dự án The Terra – Bắc Giang, Dự án BT Phạm Văn Đồng Gò Dưa và chi trả một số khoản chi phí liên quan tới hoạt động phát triển dự án.
Đặc biệt, trong năm 2022 công ty đã thanh toán đầy đủ và đúng hạn toàn bộ các khoản trái phiếu đến hạn và không có nợ trái phiếu đến hạn vào 2023. Điều này giúp doanh nghiệp không chịu áp lực về việc phải thu xếp nguồn tiền trả nợ cho các dự án đang triển khai, đầu tư trong năm tới.
FiinRatings kỳ vọng vị thế thanh khoản của Văn Phú - Invest sẽ duy trì ở mức phù hợp nhờ vào việc doanh nghiệp vẫn đảm bảo được nguồn thu từ hoạt động kinh doanh và áp lực trả nợ của công ty không tập trung trong 12 tháng tới.
"Chúng tôi ước tính khả năng thanh khoản của Văn Phú - Invest có thể vẫn được duy trì ở mức phù hợp trong vòng 12 tháng tới nhờ vào việc các dự án trọng điểm đang được triển khai của công ty đều là các dự án đã tiếp cận thành công vốn vay từ ngân hàng. Nguồn thanh khoản trong 12 tháng tới dự kiến sẽ được đóng góp chính bởi nguồn thu từ hoạt động bán hàng của dự án Vlasta - Sầm Sơn và dự án The Terra - Bắc Giang, ước tính đem lại khoảng 2.048,1 tỷ đồng trong năm 2022 và 2.593,5 tỷ đồng trong năm 2023", FiinRatings đánh giá.
Về dài hạn, tổ chức này tiếp tục giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm dài hạn của Văn Phú – Invest ở mức BB+ với triển vọng ổn định tại một báo cáo xếp hạng công bố cuối năm 2022.
Theo FiinRatings, điểm xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành với Văn Phú - Invest được giữ nguyên phản ánh vị thế kinh doanh tương đối vững chắc của công ty trong phân khúc bất động sản nhà ở, đòn bẩy tài chính có sự cải thiện nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với trung bình ngành, bên cạnh kỳ vọng về thanh khoản của công ty sẽ tiếp tục được giữ ở mức phù hợp trong 12 tháng tới.
Đầu tháng 2/2023 vừa qua, Văn Phú - Invest thông báo chốt quyền tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 16/02/2023.
Với tỷ lệ thực hiện 10% - tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng - cùng gần 242 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính VPI cần chi khoảng 242 tỷ đồng cho đợt tạm ứng lần này. Thời gian chi trả cổ tức vào 27/02/2023.
Thời điểm cuối tháng 12/2022, 2 cổ đông lớn nhất của VPI là ông Tô Như Toàn - Chủ tịch HĐQT, sở hữu 25% cổ phần, tương đương 60,5 triệu cổ phiếu và CTCP Đầu tư THG Holdings, sở hữu 23,44% cổ phần, tương đương hơn 56.7 triệu cổ phiếu. Như vậy, 2 cổ đông này sẽ lần lượt nhận được hơn 60 tỷ đồng và gần 57 tỷ đồng sau đợt chi trả cổ tức bằng tiền mặt.
Hoàng Long (t/h)