Bất động sản Biz

Khởi tố loạt lãnh đạo của Công ty Cổ phần tập đoàn Bankland với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thứ năm, 16/03/2023 | 14:36 Theo dõi BĐS Biz trên

Sau thời gian tiếp nhận đơn trình báo tố giác tội phạm và tiến hành điều, Văn phòng Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) và Công an quận Cầu Giấy đã làm rõ hành vi phạm tội của ổ nhóm đối tượng sử dụng danh nghĩa Công ty Cổ phần tập đoàn Bankland, thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 33 tỷ đồng và 30.000 USD.

Bộ sậu Bankland vẽ dự án để chiếm đoạt tiền nhà đầu tư

Ngày 14/3, Quản Văn Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Bankland; Nguyễn Thị Như, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Bankland và Vũ Đức Tĩnh, Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Văn Minh, bị Công an Hà Nội khởi tố, tạm giam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo điều tra ban đầu, năm 2021, Tĩnh ứng trước toàn bộ chi phí thành lập Công ty Cổ phần tập đoàn Bankland nhưng không tham gia lãnh đạo và hưởng 10% doanh thu. Dương, Như được cử làm lãnh đạo công ty.

Công ty Bankland quảng cáo có các nghề kinh doanh là bất động sản, mua bán ôtô, cổ phiếu nội bộ để thu nhà đầu tư góp vốn. Nhà đầu tư sẽ được hưởng lãi suất kỳ hạn từ 6 đến 72 tháng với mức 43,2%/năm. Tuy nhiên trên thực tế Bankland không có bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhà chức trách cáo buộc, để thu hút thêm nhiều "con mồi", Dương và Như liên tục thông báo các chương trình ưu đãi như: nộp tiền nhanh hưởng ngay quà tặng như vàng, sổ đỏ, ôtô, xe SH, tour du lịch.

Hoạt động hơn một năm, chưa được cấp phép phát hành cổ phiếu nhưng tháng 6/2022, Dương tự ký thông báo thành lập sàn giao dịch cổ phiếu điện tử Banklandexchange. Anh ta cho phát hành 10.000 tỷ cổ phiếu của công ty Bankland (Mã BLI) với định giá khởi điểm là 0.0001 USD/cổ phiếu.

Dương còn tạo ra 10 gói trái phiếu từ 100 đến 10 triệu USD cho các nhà đầu tư dùng cổ phiếu BLI để đăng ký mua bất động sản của Bankland.

5 đối tượng thuộc Công ty Cổ phần tập đoàn Bankland lừa đảo hơn hơn 33 tỷ đồng và 30.000 USD
5 đối tượng cầm đầu thuộc Công ty Cổ phần tập đoàn Bankland lừa đảo hơn hơn 33 tỷ đồng và 30.000 USD.
 

Bankland quảng cáo sở hữu nhiều dự án bất động sản ở các vị trí "vàng" và tổ chức mở bán rầm rộ dự án phân lô, tách nền ở huyện Thường Tín. Khách hàng đầu tư phải đặt cọc từ 50 triệu đồng trở lên để công ty làm hạ tầng dự án.

Theo cơ quan điều tra, đây chỉ là quảng cáo ảo bởi những mảnh đất công ty này sở hữu chỉ là nông nghiệp, chưa được cấp phép đầu tư dự án hay phân lô, bán nền.

Hiện các nhà đầu tư góp vốn chỉ được nhận lãi suất trong khoảng 3 tháng đầu năm 2022. Những người đầu tư đất thì chưa được nhận mặt bằng hay sổ đỏ. Cảnh sát xác định có khoảng 4.000 nhà đầu tư đã ký hơn 7.000 hợp đồng hợp tác đầu tư và nộp hơn 400 tỷ đồng vào công ty Bankland.

Tháng 11/2022, Bankland mất khả năng trả tiền cho các nhà đầu tư nên Tĩnh đã chỉ đạo đồng phạm bán nhanh các bất động sản để thu tiền về.

Bằng thủ đoạn như trên, nhóm Tĩnh đã chiếm đoạt tiền góp vốn hợp tác đầu tư, mua cổ phiếu BLI và mua bất động sản tại dự án ở huyện Thường Tín của 27 bị hại với tổng số tiền trên 33 tỷ đồng và 30.000 USD.

Vụ án do Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Nội phối hợp cùng C03 Bộ Công an và Công an quận Cầu Giấy. Nhà chức trách đang mở rộng điều tra để xác định thêm bị hại và các hành vi phạm tội của nghi can.

Bankland phát triển nhanh một cách bất thường

Được thành lập vào 21/12/2021, Công ty Cổ phần Tập đoàn Bank Land (sau đây xin gọi là Bank Land), với số vốn điều lệ 99 tỷ đồng, chỉ sau nửa năm, Bank Land đang nổi lên như một doanh nghiệp lớn về thị trường bất động sản. Khi tìm kiếm thông tin về doanh nghiệp này qua Google, kết quả trả về một loạt địa chỉ website như banklandgroup.co, bankland.info, bankland.co và bankland.net.

Bank Land có quy mô vốn điều lệ 99 tỉ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Quản Văn Dương (nắm giữ 58% VĐL), ông Ngô Bá Dũng (nắm 23% VĐL) và bà Nguyễn Thị Như (nắm 19% VĐL).

Trong đó, ông Quản Văn Dương (SN 1984) đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.

Trên các website này, Bank Land tự nhận là một tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực như kinh doanh bất động sản, du lịch, tư vấn thiết kế thi công các công trình xây dựng và nội thất, sản phẩm công nghệ, xuất nhập khẩu, chuyển đổi công nghệ số cho doanh nghiệp, và là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực bất động sản số blockchain.

Tại website banklandgroup.co của doanh nghiệp này, khi nói về lộ trình phát triển cũng ghi rõ: “Chỉ mới thành lập hơn 4 tháng nhưng đến nay (5/5/2022) công ty đã có 925 nhân viên chính thức, hơn 3.000 cộng tác viên, mục tiêu đến giai đoạn 2030 – 2040 sẽ trở thành tập đoàn bán lẻ bất động sản lớn nhất Việt Nam, đầu tư vào các dự án quốc tế, xây dựng thương hiệu Bank Land đạt giá trị 10 tỉ USD”.

Đáng chú ý, website này cũng dùng nhiều từ “có cánh” để kêu gọi nhà đầu tư như: mọi tầng lớp khách hàng đều có thể đầu tư bất động sản tiềm năng với các gói hợp tác đầu tư linh hoạt từ 10 triệu đồng cho đến 100 tỉ đồng; với gói đầu tư từ 1 tỉ đồng, khách hàng được đối ứng sổ đỏ, được chọn bất kỳ một lô đất trong quỹ 2.000 lô của công ty, được sang tên và công chứng ngay khi ký hợp đồng.

Tại website khác của Bank Land là bankland.info, doanh nghiệp này giới thiệu: Bank Land Group chọn phương thức hợp tác đầu tư các bên cùng có lợi với mục đích xây dựng nền tảng thương hiệu vững mạnh nhanh chóng lan toả phủ sóng thị trường. Bằng kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh bất động sản, tiềm lực mạnh về tài chính, vững vàng về kinh nghiệm, cùng đội ngũ cán bộ nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp, Bank Land Group đã khẳng định được vị thế của mình giữ vững niềm tin trong tâm trí khách hàng và đối tác.

Bank Land tự giới thiệu với nhiều lời vẽ hoa mỹ và có phần "vĩ đại". Ảnh: Tri thức và Cuộc sống
 

Không chỉ dùng lời lẽ có cánh, Bank Land cũng “vẽ” ra một viễn cảnh phát triển hùng mạnh mà các tập đoàn lớn cũng phải mơ ước. Theo đó, doanh nghiệp này dự kiến sau 2 năm phát triển sẽ tăng gấp 10 số vốn điều lệ, phát hành 100 triệu cổ phiếu, xây dựng trụ sở 30 tầng tại Hà Nội, và xa hơn nữa, sau 5 năm có thể xây dựng dự án quốc tế.

Vào vai một nhà đầu tư đang tìm hiểu về Bank Land, phóng viên của Tri thức và Cuộc sống được chị N. (đã đổi tên) cho biết vào tháng 7, 8 Bank Land sẽ mở thêm các văn phòng tại Dubai, Singapore, Thái Lan. Hiện nay số lượng thành viên hợp tác đầu tư đã lên tới 15.000, số lượng cán bộ nhân viên là 1.800 người.

Đối với một doanh nghiệp chỉ có vốn điều lệ 99 tỷ đồng và mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2021, thì tốc độ tăng trưởng của Bank Land chỉ có thể dùng từ “khủng khiếp”, thậm chí là đáng lưu tâm. Bởi lẽ, sự tăng trưởng quá nhanh thường khiến các doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều vấn đề, tăng trưởng quá nhanh (hay tăng trưởng nóng) không phải là tương lai màu hồng mà đó là thách thức.

Theo một chuyên gia, tăng trưởng nóng đồng nghĩa với việc "đốt cháy" nhanh chóng các nguồn lực, cả tài chính và nhân sự, trước khi doanh nghiệp tự ổn định, cũng như các rủi ro khác như chưa nghiên cứu đầy đủ về tính kinh tế của mô hình kinh doanh cũng như thực tiễn thị trường. Nếu như công ty lại tham vọng nhảy vào cả những lĩnh vực vốn không phải là thế mạnh thì rủi ro là rất lớn. Và việc này chắc chắn sẽ “ngoạm” vào không ít vốn của công ty nếu muốn làm cho “ra tấm ra món” và cũng phải mất khá lâu mới có thể tạo ra dòng tiền dương. Để tăng trưởng công ty cần phải tiêu tốn không ít tiền, điều này có nghĩa là áp lực “tiền lấy ở đâu” luôn thường trực. Khi tiền không được bơm kịp thời thì nó cũng giống như cỗ máy đang chạy nhanh mà không được tiếp nhiên liệu nữa.

Để có được nguồn tiền cho việc tăng trưởng này, có lẽ phần nhiều là do Bank Land sẵn sàng mạnh tay chi trả lợi tức cao đến khó tin cho mỗi nhà đầu tư.

Mô hình đầu tư chia lợi nhuận từng bị cảnh báo

Cụ thể, Bank Land đưa ra đến 15 gói "đầu tư nhỏ lợi tức cao", từ thấp nhất 10 triệu đồng cho đến cao nhất là 100 tỷ đồng (hơn cả vốn điều lệ của doanh nghiệp này), cùng với đó là các kỳ hạn đầu tư từ 6 tháng đến 72 tháng, tương ứng với mức % lợi nhuận tăng dần, từ thấp nhất 3%/tháng cho đến cao nhất 5,1%/tháng.

Nói rằng Bank Land mạnh tay, là bởi mức lợi nhuận của doanh nghiệp này trả cho các nhà đầu tư cao gấp nhiều lần gửi tiết kiệm ngân hàng (hiện cao nhất là Ngân hàng Xây dựng - CBBank, với mức lãi suất tiết kiệm 7,2%/năm). Tính ra, chỉ cần đầu tư vào Bank Land trong vòng 2 tháng, là nhà đầu tư đã thu về số tiền bằng cả năm gửi ngân hàng.

Đặt giả định là 15.000 nhà đầu tư đều lựa chọn gói đầu tư thấp nhất 10 triệu đồng (tổng 15 tỷ đồng), trong kỳ hạn ngắn nhất 6 tháng (mức chi trả lợi tức 36%/năm) thì sau khi kết thúc hợp đồng, Bank Land phải bỏ ra 17,7 tỷ đồng cho các khoản gốc và lãi cho các nhà đầu tư.

Một buổi quảng cáo của Bankland. Ảnh: Bankland
Một buổi quảng cáo của Bankland. Ảnh: Bankland
 

Câu hỏi đặt ra là trong khoảng thời gian ngắn ngủi chỉ 6 tháng như trên, Bank Land có thể hoạt động kinh doanh gì để có tiền trả cho nhà đầu tư? Bởi doanh nghiệp này còn phải “nuôi” một bộ máy 1.800 nhân viên, mỗi tháng đã phải bỏ ra 5,4 tỷ đồng tiền lương (trường hợp 3 triệu đồng/người/tháng), chưa kể các loại thưởng hay chi phí phát sinh khác.

Và con số này sẽ còn tăng lên rất nhiều, nếu các nhà đầu tư lựa chọn các gói đầu tư kỳ hạn cao hơn. Khi mà với kỳ hạn 72 tháng, số gốc và lãi mà Bank Land phải trả cho nhà đầu tư lên đến 367,2% giá trị đầu tư.

Dĩ nhiên, giả định trên là không chính xác khi đi vào thực tế, miễn là Bank Land còn tiếp tục được các nhà đầu tư rót tiền vào, thì doanh nghiệp này vẫn có lợi nhuận để tiếp tục kinh doanh, chi trả các khoản lợi tức cho các nhà đầu tư khác, cũng như chi trả cho các sự kiện, hội nghị và lương thưởng cho các nhân viên.

Đối chiếu với một số mô hình đầu tư bất động sản phân chia lợi nhuận cao từng hoạt động trước đây là Blue Diamond Land và Real Stake, có thể dễ thấy những điểm tương đồng: Quảng cáo một lộ trình phát triển doanh nghiệp đầy tham vọng trong tương lai (trở thành top 10 doanh nghiệp trong một lĩnh vực nào đó); đưa ra những gói đầu tư cam kết lợi nhuận cao (cao gấp 5 - 8 lần lợi nhuận tiền gửi ngân hàng); cam kết tính pháp lý, ký kết hợp đồng, thỏa thuận rõ ràng; nhà đầu tư thu về số tiền lớn (cả gốc và lãi) lến đến 150% - 200%...

Đáng nói là các mô hình này đều đã được truyền thông và chuyên gia bất động sản cảnh báo, thế nhưng vẫn không ít người đầu tư vào, để rồi “ngậm trái đắng” khi lợi nhuận được phân chia không đủ số tiền gốc bỏ ra, lãnh đạo doanh nghiệp nhận đầu tư thì ôm tiền bỏ chạy.

Không những vậy Bankland còn vẽ ra các dự án bất động sản ảo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư. Cụ thể, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết còn từng được mời tới dự một sự kiện giới thiệu dự án phân lô tách thửa tại xã Nam Phong - huyện Phú Xuyên (Hà Nội) ảo của Bankland.

Dù được giới thiệu khá hoành tránh với khả năng sinh lời đầy hứa hẹn, thế nhưng khi phóng viên liên hệ với ông Nguyễn Xuân Thanh, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên thì nhận được câu trả lời hoàn toàn trái ngược.

Ông Thanh khẳng định trên địa bàn huyện Phú Xuyên không hề có dự án nào như Bank Land công bố, đồng thời cũng nhấn mạnh ông không hề biết đến tên công ty Bank Land.

Một sự kiện công bố khu phân lô tách thửa tại huyện Phú Xuyên. Ảnh: Đại Đoàn Kết
Một sự kiện công bố khu phân lô tách thửa tại huyện Phú Xuyên. Ảnh: Đại Đoàn Kết
 

Ở một buổi hội nghị khách hàng khác do công ty này tổ chức, ông Vũ Hồng Quân, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Bank Land cũng không ngại nói với nhà đầu tư, mục tiêu trong năm 2022 là giúp cho 1.000 - 2.000 các thành viên có nhà có xe và nhiều nhà đầu tư khác có được kênh đầu tư vừa đúng nơi đúng chỗ, vừa đúng thời điểm.

Công ty cũng đầy tham vọng khi tuyên bố sẽ thu hút được 1,5 triệu nhà đầu tư, trong đó có 1 triệu nhà đầu tư từ 10 đến 30 tỷ đồng là và 500.000 nhà đầu tư từ 50 đến 100 tỷ đồng.

Con số 300 sổ đỏ từ đất nền phân lô, đến các dự án lớn nhỏ cũng được ông Quân tự tin công bố trong sự kiện này.

Chưa dừng lại ở đó, ông Vũ Hồng Quân cũng mạnh dạn tuyên bố, Bank Land không phải doanh nghiệp “chụp giật” mà có định hướng phát triển quốc tế với lộ trình rõ ràng, đi đầu công nghệ blockchain trong bất động sản để tạo giá trị bền vững cho xã hội.

Lộ trình 2022-2023, Bank Land sẽ hoàn thành 5 văn phòng giao dịch tại Việt Nam và hoàn thiện khối văn phòng tại nước ngoài. Từ năm 2024-2026 sẽ xây dựng trụ sở 30 tầng tại Hà Nội, đồng thời vốn điều lệ công ty tăng lên 1.000 tỷ đồng, phát hành 100 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu…

Thực tế, đến thời điểm hiện tại cơ quan chức năng xác định những dự án bất động sản mà Công ty Bankland quảng cáo là đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng và chưa được cấp phép đầu tư.

Bảo An

Theo sohuutritue.net.vn Copy
Hà Nội: Tình trạng mất cân bằng cung - cầu của phân khúc căn hộ vẫn tiếp tục tồn tại

Hà Nội: Tình trạng mất cân bằng cung - cầu của phân khúc căn hộ vẫn tiếp tục tồn tại

Trong Q1/2024, thị trường căn hộ tại Hà Nội tiếp tục ghi nhận sự mất cân bằng cung – cầu, khi nguồn cung giá phải chăng tiếp tục hạn chế. Chuyển biến trong tâm lý người mua được ghi nhận, dòng sản phẩm căn hộ đối với các đô thị lớn...
Tin bất động sản tuần qua: Cưỡng chế thu hồi khu đất 152 Trần Phú (TP HCM)

Tin bất động sản tuần qua: Cưỡng chế thu hồi khu đất 152 Trần Phú (TP HCM)

Hà Nội duyệt quy hoạch khu đô thị Sóc Sơn gần 630 ha; Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội kiểm tra, xử lý việc "thổi giá" chung cư; Thái Nguyên sắp có khu đô thị hơn 200 tỷ đồng tại huyện Đại Từ...
Đề xuất giảm 70% thuế thu nhập doanh nghiệp với căn hộ nhà ở xã hội để bán, thuê mua

Đề xuất giảm 70% thuế thu nhập doanh nghiệp với căn hộ nhà ở xã hội để bán, thuê mua

Tại tọa đàm "Gỡ vướng phát triển nhà xã hội", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA) cho rằng, thế hệ gen Z đang lựa chọn thuê thay vì...
Tin bất động sản ngày 19/4: Vũng Tàu thu hồi dự án nhà ở 5ha chậm tiến độ 14 năm

Tin bất động sản ngày 19/4: Vũng Tàu thu hồi dự án nhà ở 5ha chậm tiến độ 14 năm

Hưng Yên đấu giá hơn trăm suất đất, khởi điểm từ 10,2 triệu đồng/m2; Lâm Đồng xử phạt Tập đoàn Hoa Sen 120 triệu đồng; Khởi công dự án nhà xưởng cho thuê trong KCN hơn 3.000 tỷ đồng tại Bắc Ninh…là những tin tức bất động sản đáng chú ý
Tin bất động sản ngày 16/4: Loạt dự án ở Đà Nẵng được huy động vốn

Tin bất động sản ngày 16/4: Loạt dự án ở Đà Nẵng được huy động vốn

Trà Vinh điều chỉnh chủ trương dự án nhà ở 510 tỷ đồng; Sunshine Homes lên kế hoạch ra mắt 5 dự án trong năm 2024; Vinhomes Bắc Giang được bán 169 căn hộ cho người nước ngoài… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
TS Lê Xuân Nghĩa: Cần sớm xử lý để tránh phân khúc chung cư “nổ bong bóng”

TS Lê Xuân Nghĩa: Cần sớm xử lý để tránh phân khúc chung cư “nổ bong bóng”

Chia sẻ tại tọa đàm “Cơ hội đầu tư bất động sản với Luật Đất đai sửa đổi” đang được Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance tổ chức, sáng nay, 12/4, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, cần sớm xử lý để tránh phân khúc chung cư “nổ bong bóng”
Tin bất động sản tuần qua: Tập đoàn D-Park muốn làm khu đô thị gần 1.300 tỷ tại Bắc Giang

Tin bất động sản tuần qua: Tập đoàn D-Park muốn làm khu đô thị gần 1.300 tỷ tại Bắc Giang

Thanh Hoá đầu tư khu dân cư 800 tỷ đồng ở thị trấn Rừng Thông;Lâm Đồng xem xét chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn; Huyện Đông Anh ( Hà Nội)...
Hà Nội sắp đấu giá dự án nghìn tỷ tại quận Long Biên

Hà Nội sắp đấu giá dự án nghìn tỷ tại quận Long Biên

UBND quận Long Biên ( TP. Hà Nội ) cho biết, sáng 27/4/2024, sẽ tổ chức buổi đấu giá quyền sử dụng đất xây dựng nhà cao tầng để bán đối với ô đất ký hiệu A3/CT12, thuộc Dự án Xây dựng Hạ tầng kỹ thuật các khu đất thuộc ô quy hoạch C12, C13...
Bất động sản Biz