Trong cuộc họp chính sách lần thứ 4 liên tiếp diễn ra vào ngày 31/1 (theo giờ thế giới) Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức từ 5,25-5,5%.
Trong cuộc họp chính sách lần thứ 4 liên tiếp diễn ra vào ngày 31/1 (theo giờ thế giới) Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức từ 5,25-5,5%.
Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) bỏ những cụm từ thể hiện sự sẵn sàng tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát được kiểm soát và đang hướng về mục tiêu 2% của FED.
Fed đã nâng lãi suất 11 lần kể từ tháng 3/2022 để kiềm chế lạm phát. Lạm phát Mỹ hiện đã chậm lại đáng kể so với đỉnh 40 năm hè năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - chỉ tăng 2,6% tháng 12/2023.
Tại họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, các nhà hoạch định chính sách đang chờ xem xét dữ liệu bổ sung để xác định xu hướng.
Ông lưu ý rằng việc cắt giảm lãi suất vào tháng 3 là “khó xảy ra”.
“Tôi không nghĩ rằng ủy ban sẽ đạt đủ mức độ tự tin vào cuộc họp tháng 3… Chúng tôi muốn thấy nhiều dữ liệu tốt hơn. Không phải chúng tôi đang tìm kiếm dữ liệu tốt, mà chúng tôi muốn thấy tính liên tục của những dữ liệu tốt mà chúng tôi đã tìm ra”, Chủ tịch Jerome Powell nói.
Fed hiện vẫn chưa đưa ra tín hiệu về thời điểm cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Các quan chức ngân hàng này cho biết, họ sẽ tiếp tục ghi nhận diễn biến lạm phát của thị trường để điều chỉnh chính sách.
Trong cuộc họp chính sách vào tháng 3/2024, Fed sẽ có thêm một số thông tin về Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 và tháng 2, cũng như dữ liệu về Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của ngân hàng trung ương này.
Quyết định của ngân hàng cũng loại bỏ khả năng tăng lãi suất, song vẫn thận trọng về thời điểm cắt giảm lãi suất của ngân hàng này.
Ngay sau quyết định của Fed, phố Wall sụt giảm trong ngày giao dịch cuối cùng của tháng 1.
Kết thúc phiên 31/1, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 317,01 điểm (-0,82%) xuống 38.150,30 điểm, S&P 500 mất 79,32 điểm (-1,61%) còn 4.845,65 điểm và Nasdaq Composite trượt 345,88 điểm (-2,23%) thành 15.164,01 điểm.
Tất cả 11 chỉ số thuộc S&P 500 đều chìm trong sắc đỏ, trong đó dịch vụ truyền thông và công nghệ chịu mức giảm phần trăm lớn nhất. S&P 500 đóng cửa với mức giảm hàng ngày lớn nhất kể từ ngày 21/9/2023.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu chốt phiên 31/1 ở mức thấp hơn, chịu áp lực bởi hoạt động kinh tế ảm đạm ở quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu - Trung Quốc và dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng khi các nhà sản xuất tăng sản lượng sau thời gian gián đoạn vì thời tiết lạnh giá.
Dầu thô Brent kỳ hạn tháng 4 giảm 1,89 USD, tương đương khoảng 2,3%, ở mức 80,55 USD/thùng. Hợp đồng tương lai dầu WTI giảm 1,97 USD, tương đương 2,5%, xuống còn 75,85 USD/thùng. Cả hai hợp đồng đều giảm hơn 2 USD/thùng vào đầu phiên.
Giá vàng thế giới cũng đảo chiều và đi xuống trong phiên giao dịch ngày 31/1. Khoảng 3 giờ 10 phút sáng 1/2 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 2.034,37 USD/ounce sau khi tăng tới 1% trước đó trong cùng phiên. Giá kim loại quý này đã giảm 1,3% trong tháng 1 vừa qua, nhưng vẫn giữ trên ngưỡng tâm lý 2.000 USD/ounce từ đầu năm đến nay. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,8% lên 2.067,4 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD đã giảm bớt đà đi xuống, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp gần 3 tuần sau nhận định của FED.
Lam Phương