Tỷ lệ CASA của nhiều ngân hàng đã bắt đầu suy giảm kể từ quý 2/2022. Dù vậy, cuộc đua CASA sẽ tiếp tục nóng trong thời gian tới khi nhiều ngân hàng mới đây đã tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên mức trần 1%/năm.
Tỷ lệ CASA của nhiều ngân hàng đã bắt đầu suy giảm kể từ quý 2/2022. Dù vậy, cuộc đua CASA sẽ tiếp tục nóng trong thời gian tới khi nhiều ngân hàng mới đây đã tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên mức trần 1%/năm.
Lại thêm ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên mức cao nhất
Mới đây, ngân hàng TPBank công bố nâng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn áp dụng với khách hàng cá nhân lên mức “kịch trần” 1%/năm.
Theo đó, với số dư tài khoản thanh toán cuối ngày từ 200 triệu đồng trở lên, khách hàng cá nhân tại TPBank sẽ được hưởng mức lãi suất không kỳ hạn cao nhất là 1%/năm. Khách hàng cá nhân có số dư tài khoản thanh toán cuối ngày dưới 100 triệu đồng và từ 100 đến dưới 200 triệu đồng sẽ lần lượt được hưởng mức lãi suất 0.2%/năm và 0.5%/năm.
Khoản lãi suất không kỳ hạn này sẽ được trả vào tài khoản của khách hàng theo định kỳ hàng tháng, dựa trên số dư cuối ngày của khách hàng tại tài khoản thanh toán. Khách hàng duy trì số dư trên tài khoản thanh toán càng nhiều, lãi suất sẽ càng cao.
Trước đó, nhiều ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên mức 1%/năm.
Cụ thể, ngày 9/11, Sacombank điều chỉnh biểu lãi suất huy động khách hàng cá nhân, trong đó lãi suất áp dụng cho tài khoản thanh toán (tiền gửi không kỳ hạn) có số dư trên 100 triệu đồng là 1%/năm, trên 20 triệu đến 100 triệu đồng là 0,5%/năm và số dư 20 triệu đồng trở xuống là 0,3%/năm.
Tương tự tại OCB, lãi suất tiền gửi thanh toán của ngân hàng cũng được điều chỉnh tăng khá mạnh so với tháng trước. Cụ thể, lãi suất tiền gửi thanh toán cho gói tài khoản OCB - Invest & OCB - Invest Pro đã tăng lên mức kịch trần là 1%/năm, áp dụng từ ngày 8/11. Đối với các loại tài khoản thanh toán còn lại, lãi suất áp dụng là 0,9%/năm.
VPBank cũng công bố tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn áp dụng với khách hàng cá nhân lên mức kịch trần 1%/năm.
Nhiều ngân hàng thương mại khác đang niêm yết lãi suất tiền gửi không kỳ hạn ở mức 1%/năm như: Techcombank, SCB, NCB, SeABank, Kienlongbank, ACB, Nam A Bank, Bac A Bank, MSB…
Quyết định tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn được đưa ra sau khi Ngân hàng Nhà nước quyết định nâng lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn từ 0,5%/năm lên mức 1%/năm.
Tập trung huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đang là xu hướng chung của ngành ngân hàng trong những năm gần đây. Đây là nguồn tiền có chi phí vốn gần như bằng 0, giúp các nhà băng gia tăng hiệu quả cho vay, tối ưu lợi nhuận.
Tỷ lệ CASA suy giảm trên diện rộng
Tỷ lệ CASA cao cũng đồng nghĩa là chi phí vốn của các ngân hàng sẽ giảm xuống, giúp các ngân hàng duy trì và mở rộng biên lợi nhuận (NIM), và linh hoạt hơn trong hoạt động cho vay.
Sau nhiều năm liên tục tăng trưởng nguồn tiền gửi không kỳ hạn, nhờ tận dụng được xu thế chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là sự bùng nổ của các nền tảng giao dịch, thanh toán trực tuyến trong hơn hai năm qua trước tác động của dịch Covid-19, thời gian gần đây bất ngờ chứng kiến xu hướng này đang chững lại tại nhiều ngân hàng.
Techcombank - ngân hàng liên tục dẫn đầu về tỷ lệ CASA, đã ghi nhận sự sụt giảm liên tiếp trong hai quí vừa qua. Từ mức 50,5% hồi đầu năm 2022, tỷ lệ CASA của ngân hàng này đã giảm xuống 47,5% vào cuối quý 2 và tiếp tục rớt về 46,5% tại thời điểm cuối quý 3, tức đã giảm đi 4 điểm phần trăm trong chín tháng đầu năm nay.
4 điểm phần trăm cũng là mức giảm của ngân hàng xếp thứ 2 về tỷ lệ CASA là MBBank, khi cuối quý 3 vừa qua nguồn tiền gửi này của MBBank chỉ còn chiếm tỷ trọng 41,6% từ mức 45,6% vào cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, mức độ sụt giảm mạnh nhất về tỷ lệ này rơi vào trường hợp của KienLong Bank, với tỷ lệ CASA giảm từ 15,5% hồi đầu năm xuống còn 9,2% vào cuối quí 3, tức giảm đến 6,3 điểm phần trăm. Xếp thứ 2 là VietA Bank giảm từ 11,9% xuống 5,9%, trong khi TPBank cũng giảm tương ứng khoảng 6 điểm phần trăm khi tỷ lệ CASA rớt từ 23,3% xuống 17,3%.
Thực tế, tỷ lệ CASA của nhiều ngân hàng đã bắt đầu suy giảm kể từ quý 2/2022. Các nhà phân tích cho rằng việc lãi suất huy động liên tục tăng có thể khiến một lượng lớn tiền gửi từ tài khoản thanh toán dịch chuyển sang tài khoản tiết kiệm nhằm hưởng mức lãi suất cao hơn.
Một phần khác, tăng trưởng tín dụng tại nhiều ngân hàng đã chạm mức trần tín dụng mà cơ quan quản lý đặt ra khiến người dân và doanh nghiệp ‘khát vốn’ buộc phải tận dụng nguồn tiền nhàn rỗi trong tài khoản thanh toán phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc chi tiêu.
Dù vậy, cuộc đua CASA tại các ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục nóng trong thời gian tới khi nhiều ngân hàng mới đây đã tăng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên mức trần 1%/năm.
Hoàng Long (t/h)