Tính đến 30/09/2022, hầu hết các ngân hàng đều đáp ứng tỷ lệ “tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn” là 37%.
Tính đến 30/09/2022, hầu hết các ngân hàng đều đáp ứng tỷ lệ “tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn” là 37%.
Theo quy định của Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN thì từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022, tỷ lệ “tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn” đối với các ngân hàng sẽ giảm xuống còn 37%; từ ngày 01/10/2022 đến hết ngày 30/09/2023, tỷ lệ “tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn” sẽ giảm xuống còn 34% và từ ngày 01/10/2023 là 30%.
Điều này có thể gia tăng áp lực đối với các ngân hàng đang có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cao khi phải huy động nguồn vốn dài hạn, khiến chi phí vốn cao hơn để có thể đáp ứng cho vay kỳ hạn dài, dẫn đến làm giảm lợi thế của các ngân hàng này.
Vì vậy, phần lớn các ngân hàng đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2022 nhằm tăng nguồn vốn trung và dài hạn, giảm thiểu áp lực trong việc giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn trong tương lai.
Hơn nữa, ngân hàng cũng tìm đến kênh trái phiếu để đa dạng nguồn vốn huy động. Về bản chất, trái phiếu là vốn vay, nhưng có kỳ hạn dài hơn vốn huy động là tiền gửi tiết kiệm và trái chủ không được rút vốn trước hạn như tiền gửi tiết kiệm.
Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính từ đầu năm đến hết tháng 09/2022, nhóm ngân hàng thương mại đang dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt gần 134,892 tỷ đồng, chiếm 55% tổng giá trị phát hành.
Tính đến 30/9/2022, phần lớn các ngân hàng đều đáp ứng tỷ lệ “tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn” là 37% (áp dụng từ 01/10/2021 đến ngày 30/09/2022). Trong đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tại ngân hàng thương mại tư nhân cao hơn so với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối.
Theo đó, các ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 10% trở xuống phải kể đến HDBank ở mức 10%, Vietcombank đạt 7%, Vietinbank đạt 9%, SeABank đạt 8%,…
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng có tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức dưới 30% như MBBank và VIB đạt 28%, Sacombank đạt 24%; ACB cũng đạt 23%,…
Thực tế, dù lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn thấp hơn lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài, người dân vẫn ưu tiên lựa chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn do tâm lý chờ đợi mức lãi suất có thể sẽ tăng trong tương lai. Mặt khác, tâm lý sợ lạm phát cũng làm người dân ít gửi tiết kiệm kỳ hạn dài, khiến các ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn trung và dài hạn. Do đó, hầu hết nguồn vốn trung và dài hạn của ngân hàng đều không đủ để đáp ứng nhu cầu cho vay trung và dài hạn, các ngân hàng phải sử dụng đến nguồn vốn ngắn hạn để cho vay kỳ hạn dài.
Chẳng hạn tại OCB, tính đến 30/9/2022, dư nợ cho vay trung dài hạn ở mức 87.336 tỷ đồng trong khi đó, nguồn vốn cho vay trung dài hạn ở mức 28.811 tỷ đồng. Vì vậy, nhà băng này cần vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.
Tương tự tại ABBank, dư nợ cho vay trung và dài hạn ở mức 38.223 tỷ đồng trong khi nguồn vốn cho vay trung và dài hạn chỉ ghi nhận 1.623 tỷ đồng. Do đó, ABBank dùng đến nguồn vốn ngắn hạn là 105.117 tỷ đồng để cho vay trung và dài hạn.
Tuy nhiên, trường hợp tại Bac A Bank và VietBank lại khác. Hai ngân hàng này chỉ có dư nợ cho vay trung dài hạn lần lượt ở mức 46.027 tỷ đồng và 29.376 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn cho vay trung dài hạn lần lượt đạt 55.979 tỷ đồng và 40.835 tỷ đồng. Do đó, cả Bac A Bank và VietBank đều không cần dùng đến nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn.
Hà Phương