Sau khi “sạch nợ” trái phiếu, Coteccons trở lại đường đua huy động vốn với kế hoạch phát hành tối đa 1.400 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng.





Sau khi “sạch nợ” trái phiếu, Coteccons trở lại đường đua huy động vốn với kế hoạch phát hành tối đa 1.400 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng.
Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã CK: CTD, sàn HoSE) vừa thông qua chủ trương phát hành trái phiếu ra công chúng trong năm 2025 với tổng mệnh giá tối đa 1.400 tỷ đồng. Kế hoạch huy động vốn này được đưa ra trong bối cảnh công ty đang ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực và giá trị hợp đồng tồn đọng (backlog) đạt mức kỷ lục.
Theo đó, Coteccons sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phát hành trái phiếu và việc niêm yết trái phiếu sau khi chào bán, nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông là 11/7/2025 và thời gian lấy ý kiến dự kiến diễn ra từ 17/7 đến 28/7/2025.
Kế hoạch phát hành trái phiếu được đánh giá là bước đi chiến lược của Coteccons nhằm đảm bảo nguồn vốn triển khai các dự án trong tương lai, đặc biệt trong bối cảnh backlog của doanh nghiệp đang ở mức cao nhất từ trước đến nay – gần 37.000 tỷ đồng tính đến hết quý III niên độ tài chính 2023–2024.
Đáng chú ý, khoảng 69% giá trị trúng thầu đến từ các dự án “repeat sales”, tức các hợp đồng xây dựng đến từ chủ đầu tư đã từng hợp tác trước đó. Đây là minh chứng cho uy tín và năng lực thi công được thị trường ghi nhận. Danh mục khách hàng quen thuộc của Coteccons bao gồm nhiều dự án bất động sản thương mại của Ecopark, SonKim Land, Sun Group, Masterise Homes.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mở rộng hiện diện trong lĩnh vực hạ tầng và đầu tư công, với các dự án tiêu biểu như nhà để xe sân bay Long Thành hay tiểu dự án Đại học Quốc gia TP.HCM – vốn là những công trình yêu cầu cao về kỹ thuật và tiến độ.
Đây là đợt phát hành trái phiếu đầu tiên của doanh nghiệp kể từ sau khi tất toán toàn bộ dư nợ trái phiếu vào đầu năm 2025.
Trước đó, vào giữa tháng 1/2025, Coteccons thông báo đã tất toán toàn bộ gần 453 tỷ đồng tiền gốc và lãi của lô trái phiếu mã CTD122015, qua đó chính thức đưa dư nợ trái phiếu về 0.
Lô trái phiếu này có tổng giá trị phát hành là 500 tỷ đồng, được phát hành vào ngày 14/01/2022 thông qua Chứng khoán SSI, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 9,5%/năm, trả lãi định kỳ 6 tháng/lần, và đáo hạn vào ngày 14/01/2025.
Gần đây, Coteccons vừa công bố kết quả kinh doanh quý III niên độ tài chính 2024–2025 (từ 1/1/2025 đến 31/3/2025) với doanh thu hợp nhất đạt 5.003 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này phản ánh hiệu quả từ việc đẩy mạnh thi công và tăng tốc bàn giao các dự án trọng điểm.
Lũy kế 9 tháng đầu niên độ (từ 1/7/2024 đến 31/3/2025), doanh thu hợp nhất đạt 16.647 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm tài chính trước.
Tuy nhiên, lợi nhuận gộp trong kỳ chịu áp lực do giá vốn hàng bán tăng 9%, chủ yếu vì biến động chi phí nguyên vật liệu và ảnh hưởng từ bối cảnh kinh tế vĩ mô toàn cầu. Cụ thể, trong quý III, lợi nhuận gộp đạt 156 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 57 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận gộp đạt 559 tỷ đồng, tăng 14%; lợi nhuận sau thuế đạt 255 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ suất lợi nhuận gộp trong quý III đạt 3,12%, cải thiện so với mức 2,93% của quý trước nhờ tối ưu chi phí và nâng cao hiệu quả thi công.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, Coteccons đã đặt mục tiêu cho cả niên độ tài chính 2024–2025 là doanh thu 25.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 430 tỷ đồng, tăng lần lượt 18% và 54%. Như vậy, sau 9 tháng, doanh nghiệp đã thực hiện khoảng 66% kế hoạch doanh thu và gần 79% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Coteccons đạt gần 26.200 tỷ đồng, tăng hơn 3.300 tỷ đồng so với đầu niên độ. Phần lớn tài sản nằm ở khoản phải thu ngắn hạn từ khách hàng (trên 13.000 tỷ đồng), phản ánh các hợp đồng xây dựng đang thực hiện và chuẩn bị đến hạn thanh toán.
Ở phía nguồn vốn, nợ phải trả tăng hơn 22%, đạt hơn 17.436 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm áp đảo với 17.387 tỷ đồng. Đáng chú ý, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng mạnh từ 1.519 tỷ đồng lên 2.809 tỷ đồng. Ngược lại, vay tài chính dài hạn giảm nhẹ từ 21,1 tỷ xuống 17,3 tỷ đồng.
Song song với kế hoạch huy động vốn, Coteccons cũng công bố nghị quyết tiếp tục bán nốt 4.000 cổ phiếu quỹ còn lại thuộc chương trình lựa chọn người lao động (ESOP).
Số cổ phiếu này sẽ được bán cho bà Đinh Thị Hồng Thắm – người được ủy quyền công bố thông tin – với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm.
Trước đó, tính đến ngày 19/6, cán bộ nhân viên Coteccons đã đăng ký và nộp tiền mua 1,496 triệu cổ phiếu trên tổng số 1,5 triệu cổ phiếu quỹ được chào bán theo chương trình ESOP.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu CTD của Coteccons đã chính thức được Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa vào rổ chỉ số VNDiamond trong kỳ cơ cấu tháng 4/2025. Đây là lần đầu tiên Coteccons góp mặt trong rổ chỉ số này kể từ sau tái cấu trúc.
Đây là nhóm đại diện cho các cổ phiếu “bluechip” có giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOL) cao và được các quỹ đầu tư, đặc biệt là ETF theo dõi sát sao. Việc lọt vào rổ chỉ số Diamond là một dấu mốc quan trọng đối với Coteccons, cho thấy doanh nghiệp không chỉ cải thiện mạnh mẽ về tài chính mà còn nâng cao tính minh bạch, chuẩn mực quản trị và thanh khoản cổ phiếu trong thời gian qua.
Kết phiên giao dịch ngày 3/7/2025, cổ phiếu CTD được giao dịch ở mức giá 83.200 đồng/cổ phiếu.
Quỳnh Nhi