CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD – sàn HoSE) sẽ mua lại số trái phiếu trị giá 25 tỷ đồng của lô trái phiếu CTD122015 theo yêu cầu của trái chủ là 2 quỹ đầu tư trái phiếu.
CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD – sàn HoSE) sẽ mua lại số trái phiếu trị giá 25 tỷ đồng của lô trái phiếu CTD122015 theo yêu cầu của trái chủ là 2 quỹ đầu tư trái phiếu.
Ngày 5/1, Hội đồng quản trị CTCP Xây dựng Coteccons đã thông qua quyết định về việc mua lại trái phiếu trước hạn.
Cụ thể, CTD sẽ mua lại số trái phiếu trị giá 25 tỷ đồng của lô trái phiếu CTD122015. Thời gian mua lại trước hạn vào 06/01/2023, giao dịch được thực hiện thỏa thuận trong phiên sáng từ 9h-11h30.
Đây là lô trái phiếu 500 tỷ đồng được Xây dựng Coteccons phát hành ra công chúng vào tháng 1/2022, kỳ hạn 3 năm. Lãi suất cố định 9,5%/năm được trả định kỳ 6 tháng/lần. Việc mua lại trước hạn này do trái chủ là 2 quỹ đầu tư trái phiếu yêu cầu.
Được biết, Coteccons chỉ thực hiện mua lại số lượng trái phiếu nêu trên do 2 trái chủ đã gửi yêu cầu đúng hạn theo quyền bán lại của người sở hữu trái phiếu. Các trái phiếu được mua lại sẽ bị hủy đăng ký chứng khoán tại VSD và hủy đăng ký niêm yết theo quy định pháp luật.
Trong năm 2022, CTD đặt kế hoạch doanh thu 15.010 tỷ đồng, tăng trưởng 65% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 20 tỷ đồng, giảm 17% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, Công ty mới hoàn thành 9,6% kế hoạch lợi nhuận năm.
Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm 2022, Coteccons ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 1.989,8 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 182,9 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư dương 60,7 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 1.460,4 tỷ đồng.
Xây dựng Coteccons có 3 công ty con gồm Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Unicons (nắm 100% vốn), Công ty TNHH Covestcons (nắm 100% vốn), Công ty cổ phần Phú Nhuận 168 (năm 69,98%) và 3 công ty liên kết gồm Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng FCC (nắm 42,36%), Công ty cổ phần Thương mại Quảng Trọng (nắm 36%) và Công ty cổ phần Đầu tư Hiteccons (nắm 31%).
Mua lại trái phiếu là hoạt động bình thường của doanh nghiệp khi có sự điều chỉnh kế hoạch huy động vốn và kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, diễn biến này chịu tác động mạnh bởi tâm lý lo ngại rủi ro ở cả phía nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Nhà đầu tư chấp nhận các khoản thuế, phí bán trái phiếu trước hạn, thậm chí chịu “lỗ nặng” để nhanh chóng sang tay trái phiếu - sản phẩm đầu tư do chính mình đã thẩm định và quyết định tin tưởng để xuống tiền trong kỳ hạn được quy định trước.
Đây cũng là lý do tình trạng bond-run, rút tiền trái phiếu hàng loạt, yêu cầu nhà phát hành mua lại trái phiếu ngay lập tức đang diễn ra trên thị trường trái phiếu Việt Nam hiện tại.
Về phía doanh nghiệp, không thể phát hành mới để huy động vốn, trong khi phải mua lại trái phiếu trước hạn khi nhà đầu tư muốn rút tiền sớm, doanh nghiệp trong thế “mắc kẹt” không thể giãy giụa.
Cần làm rõ, việc mua lại trái phiếu trước hạn hiện tại chủ yếu xuất phát từ đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, không phải do bối cảnh kinh tế có biến động mạnh, hay có sự thay đổi kế hoạch từ phía doanh nghiệp, bởi đa phần các doanh nghiệp phát hành trái phiếu gần đây đã gặp gỡ trực tiếp nhà đầu tư, cam kết thanh toán đủ lãi và gốc cho các lô trái phiếu khi đến hạn nhưng không nhận được sự ủng hộ.
Hoàng Long (t/h)