Trong khi Xây dựng Hoà Bình báo lãi sau thuế kỷ lục 684 tỷ đồng trong quý II/2024 thì Coteccons lãi sau thuế tăng vọt 343% lên 299 tỷ đồng trong niên độ mới (tính từ 1/7/2023 đến 30/6/2024).
Trong khi Xây dựng Hoà Bình báo lãi sau thuế kỷ lục 684 tỷ đồng trong quý II/2024 thì Coteccons lãi sau thuế tăng vọt 343% lên 299 tỷ đồng trong niên độ mới (tính từ 1/7/2023 đến 30/6/2024).
Lợi nhuận tại CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) và Công ty cổ phần Coteccons (Mã: CTD) - hai doanh nghiệp đầu ngành xây dựng dân dụng đều tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận lại xuất phát từ nguyên nhân khác nhau.
Theo đó, quý II/2024, Xây dựng Hoà Bình thu về 2.160 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp gần 100 tỷ đồng, giảm 74% so với quý II/2023. Chi phí quản lý âm 220 tỷ đồng do doanh nghiệp đã hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi 293 tỷ đồng.
Đặc biệt, Hòa Bình còn ghi nhận khoản thu nhập khác khoảng 527 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ gần 7 tỷ đồng nhờ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định.
Kết quả, doanh nghiệp báo lãi sau thuế kỷ lục 684 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 268 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, công ty ghi nhận 3.811 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 10% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế gần 741 tỷ đồng, trong khi 6 tháng đầu năm 2023 lỗ 713 tỷ đồng.
Năm 2024, Xây dựng Hòa Bình đặt kế hoạch tổng doanh thu 10.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 433 tỷ đồng. Như vậy, sau hai quý, công ty đã thực hiện được 35% mục tiêu doanh thu, vượt 71% chỉ tiêu lợi nhuận.
Trong khi lợi nhuận tại HBC lãi kỷ lục nhờ bán tài sản thì Coteccons lãi lớn nhờ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV niên độ 2024 (từ 1/4-30/6) cho thấy, doanh thu thuần tăng trưởng 82% đạt hơn 6.595 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn đến từ doanh thu hợp đồng xây dựng hơn 6.583 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ. Ngoài ra còn có doanh thu hoạt động cho thuê văn phòng hơn 5,4 tỷ đồng; doanh thu cho thuê thiết bị xây dựng hơn 5 tỷ đồng và doanh thu khác hơn 1,4 tỷ đồng, cao gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ.
Lãi gộp tăng vọt 12% lên mức 222 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp cải thiện lên 3,4%. Hoạt động tài chính thu giảm 26% và chi phí cũng giảm hơn 14% so với cùng kỳ. Chi phí lớn nhất là quản lý doanh nghiệp lại tăng vọt 61% lên 194 tỷ đồng; chủ yếu là do tăng chi phí nhân viên, dự phòng và chi phí khác.
Kết quả, Coteccons ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý cuối năm ở mức 59 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung cả niên độ mới áp dụng (1/7/2023-30/6/2024), Coteccons chứng kiến doanh thu tăng trưởng 31% đạt trên 21.000 tỷ đồng. Việc cải thiện biên lãi gộp và giảm chi phí tài chính là nguyên nhân chính giúp lãi sau thuế tăng vọt lên 299 tỷ đồng, cao hơn 343% so với niên độ trước.
Theo kế hoạch niên độ 2024, công ty xây dựng đặt mục tiêu doanh thu doanh thu 20.000-20.500 tỷ đồng cùng với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 288-296 tỷ đồng. Với kết quả trên, doanh nghiệp đều vượt được mục tiêu đã đề ra.
Tuy tình hình kinh doanh đã khả quan hơn nhưng tình hình tài chính tại hai "ông lớn" xây dựng này vẫn còn "kém sáng" khi khoản phải thu vẫn "cao như núi".
Tại Xây dựng Hòa Bình, quy mô tài sản tại ngày 30/6/2024 đạt 15.632 tỷ đồng, tăng 3%, tương ứng tăng 382 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng còn khoảng 327 tỷ đồng.
Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản vẫn là khoản phải thu ngắn hạn với hơn 11.219 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm, chiếm tới 72% tổng tài sản doanh nghiệp. Trong đó có hơn 6.457 tỷ đồng phải thu của khách hàng và 3.015 tỷ đồng phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng.
Đáng nói, Xây dựng Hòa Bình không thuyết minh cụ thể các khoản phải thu của khách hàng đến từ đơn vị, cá nhân nào. Với khoản phải thu lớn, Xây dựng Hoà bình phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 2.055 tỷ đồng, giảm 422 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Tại ngày 30/6/2024, nợ phải trả của Hoà Bình ghi nhận khoảng 14.065 tỷ đồng, gấp gần 9 lần vốn chủ sở hữu (1.567 tỷ đồng).
Dư nợ vay cuối kỳ ghi nhận 4.485 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay ngân hàng, trong đó có 3.906 tỷ đồng là vay ngắn hạn. Trong 6 tháng đầu năm nay, tập đoàn xây dựng này phải trả hơn 229 tỷ đồng tiền lãi.
Các khoản phải thu ngắn hạn cũng chiếm tới 53% tổng tài sản tại Coteccons.
Cụ thể, tính đến hết niên độ này (tại thời điểm 30/6/2024), Coteccons có quy mô tổng tài sản tăng nhẹ lên mức 22.829 tỷ đồng, chiếm gần phân nửa là khoản phải thu ngắn hạn hơn 12.023 tỷ đồng, nợ xấu khách hàng khoảng 2.242 tỷ. Với lượng lớn khoản phải thu ngắn hạn, Coteccons đã trích lập dự phòng khó đòi cho các khoản phải thu ngắn hạn hơn 1.432 tỷ đồng, tăng 24% so với thời điểm 30/6/2023.
Khác với Xây dựng Hòa Bình, Coteccons có thuyết minh cụ thể khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng hơn 12.245 tỷ đồng đến từ một số đơn vị như Công ty TNHH Lego Manufacturing Việt Nam hơn 917 tỷ đồng; CTCP Vinhomes hơn 1.128 tỷ đồng;... Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 1.355 tỷ đồng.
Tính đến hết niên độ này, Coteccons có phần "sáng sủa" hơn Xây dựng Hòa Bình khi vẫn duy trì lượng tiền thanh khoản cao lên đến 4.078 tỷ đồng; bao gồm tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn; tăng thêm 740 tỷ trong quý vừa qua và hiện chiếm gần 18% tài sản doanh nghiệp.
Tuy nhiên, về phía nguồn vốn, nợ phải trả tại Coteccons tính đến hết niên độ (tại thời điểm 30/6/2024) ghi nhận hơn 14.248 tỷ đồng, tăng 9% so với thời điểm 30/6/2023. Doanh nghiệp đẩy mạnh vay nợ gấp đôi lên hơn 1.519 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn. Công ty có vốn chủ sở hữu gần 8.600 tỷ đồng, đã gồm lợi nhuận chưa phân phối 688 tỷ đồng.
Số liệu báo cáo tài chính hợp nhất của hai "ông lớn" xây dựng có thể thấy, Coteccons phải chịu áp lực tài chính ít hơn khi chỉ vay nợ hơn 1.500 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2024, trong khi Xây dựng Hòa Bình còn dư nợ gần 4.500 tỷ đồng.
Tình hình cổ phiếu HBC sau hơn 18 năm trên sàn HOSE
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) đã ra quyết định huỷ niêm yết đối với cổ phiếu HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình. Ngày huỷ niêm yết là 6/9, tương ứng ngày giao dịch cuối cùng là 5/9. Số lượng cổ phiếu HBC huỷ niêm yết là hơn 347,2 triệu cổ phiếu.
Trước đó, ngày 26/7, HoSE có thông báo hủy niêm yết bắt buộc với mã cổ phiếu HBC do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2023 âm 3.240 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp là 2.741 tỷ đồng. Sau khi nhận được thông báo, phía Hòa Bình đã phản đối quyết định hủy niêm yết. Lãnh đạo công ty không đồng ý với căn cứ của HOSE áp dụng để xem xét hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu HBC.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/8, cổ phiếu HBC giảm 6,8% so với phiên giao dịch ngày 11/8 và đóng cửa ở mức 4.630 đồng/cổ phiếu. Trên thực tế, kể từ khi có thông tin về việc bị hủy niêm yết vào ngày 25/7 vừa qua, thị giá của cổ phiếu HBC đã giảm hơn 32%.