Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đang ồ ạt rao bán hàng loạt bất động sản để thu hồi nợ trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng mạnh, thị trường bất động sản ảm đạm.
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) đang ồ ạt rao bán hàng loạt bất động sản để thu hồi nợ trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng mạnh, thị trường bất động sản ảm đạm.
Những tháng đầu năm 2024, VIB đang ồ ạt rao bán hàng loạt nhà đất với mức giá chỉ từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng nhằm thu hồi nợ vay tồn đọng.
Theo đó, trong tháng 1/2024, VIB rao bán hàng loạt nhà riêng có giá trị hàng tỷ đồng như Thửa đất số 67, tờ bản đồ số 27, thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội có diện tích 182m2 với giá khởi điểm 6 tỷ đồng; thửa đất số 165, tờ bản đồ số tại 183 Lê Lợi, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội có diện tích 75% với giá khởi điểm hơn 4,5 tỷ đồng; Thửa 657, tờ bản đồ 1, KP7, phường Thới An, quận 12, TP HCM có diện tích 118m2 với giá khởi điểm hơn 5 tỷ; Bán BĐS tại tổ 14, khu 2 phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh có diện tích hơn 239m2 với giá khởi điểm hơn 8,4 tỷ; nhà tại 33 Đường 475, P Phước Long B, TP Thủ Đức, TP HCM có diện tích gần 55m2 với giá cả thương lượng;...
Ngoài ra, ngân hàng còn rao bán loạt đất ở tại các tỉnh thành như: rao bán đất ở TĐS 215, TBĐ số 19, xã Châu Phong, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh có diện tích 94,5m2 với giá cả thương lượng; rao bán Đất Xóm 7, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An diện tích 400m2 với giá khởi điểm gần 2,5 tỷ; rao bán Thửa đất số 1001, tờ bản đồ số 05 tại ngách 24 ngõ 2 phố Hoàng Diệu, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội diện tích 236,9m2 có giá khởi điểm 3,5 tỷ đồng...
Bên cạnh đất ở và nhà riêng, VIB còn rao bán loạt đất trống như bán BĐS Thửa đất 15, tờ bản đồ 36 nằm tại tổ 3, khu 1 phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh diện tích 1.277,5m2 có giá khởi điểm gần 6,5 tỷ... Đáng chú ý, ngoài bất động sản, kể từ cuối năm 2021 đến nay đã có hơn 100 chiếc xe ô tô được rao bán đấu giá nhưng số lượng xe tìm được chủ mới không đến một nửa.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023, tính đến 31/12/2023, bất động sản thế chấp tại VIB đạt hơn 375.298 tỷ đồng, tăng nhẹ 9% so với đầu năm, chiếm 66% tài sản thế chấp của khách hàng. Giai đoạn trước đó, 2019-2022, bất động sản thế chấp tại VIB tăng trưởng khá nhanh với 2 con số, tài sản đảm bảo là bất động sản chiếm chưa tới 70%.
Trong cơ cấu cho vay của VIB có tới 84% dư nợ cho vay hộ kinh doanh, cá nhân, còn lại là cho vay các tổ chức, doanh nghiệp.
VIB không tập trung vào cho vay doanh nghiệp có vốn Nhà nước hay doanh nghiệp FDI mà tập trung chủ yếu vào khối công ty cổ phần tư nhân, với tổng dư nợ cấp tín dụng đến cuối năm 2023 cho nhóm này đạt 26.510 tỷ đồng trên tổng dư nợ cho vay 266.345 tỷ đồng, tăng 97% so với đầu năm và hộ kinh doanh, cá nhân với hơn 224.800 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm.
Nợ xấu tại VIB tính đến 31/12/2023 tăng mạnh 47% so với đầu năm, lên mức 8.374 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng vọt 116% lên mức 3.697 tỷ đồng và nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng tới 61%, chiếm hơn 2.479 tỷ đồng. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ mức 2,45% của đầu kỳ lên tới 3,14% (vượt mức quy định của Ngân hàng Nhà nước).
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam từng chia sẻ với báo chí rằng, với khoảng 70% tài sản đảm bảo là bất động sản, việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng phần nhiều phụ thuộc vào thị trường bất động sản. Rủi ro nợ xấu ngày càng gia tăng buộc ngân hàng phải liên tục rao bán hàng nghìn tài sản bảo đảm với mức chiết khấu hấp dẫn nhưng vẫn khó thanh khoản. Mua bất động sản phát mãi có thể là cơ hội để sở hữu món “hời”, thế nhưng đồng thời người mua cũng đối mặt rủi ro.
Theo ông Đính, hiện tổng trị giá bất động sản thế chấp tại các ngân hàng chiếm khoảng 70% tổng tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Tại nhiều nhà băng, tỷ lệ này thậm chí lên đến 80-90% và lớn hơn nhiều lần tổng dư nợ cho vay. Do đó, bất động sản thường là tài sản được các tổ chức tài chính đem ra phát mãi nhiều nhất khi khách hàng vay vốn vì nhiều lý do không trả được nợ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng từng thừa nhận, việc thanh lý tài sản vừa qua khó khăn. Rất nhiều khoản đảm bảo trị giá lớn liên quan tới bất động sản nhưng thị trường lại gần như đóng băng. “Định giá phát mại tài sản không theo trị giá thực tế, mà tính gộp cả gốc và lãi thì sao bán được. Mỗi lần giảm cũng chỉ được 5-10%, do đó có tài sản đấu giá trên 2 năm mới bán được”, ông Hùng cho hay.
Huy Tùng - Lê Thanh