Câu chuyện về “bom nợ Evergrande” đã khiến nhiều nhà đầu tư bắt đầu để ý hơn tới tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, chất lượng tài sản bảo đảm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Câu chuyện về “bom nợ Evergrande” đã khiến nhiều nhà đầu tư bắt đầu để ý hơn tới tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, chất lượng tài sản bảo đảm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Phần lớn trái phiếu BĐS không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu
Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp quý 3/2021 của SSI, cơ quan quản lý đã bắt đầu có động thái siết chặt nhằm giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Dù vậy thị trường sơ cấp vẫn tương đối sôi động trong quý 3 giữa bối cảnh dịch bệnh bùng phát.
Chênh lệch lãi suất TPDN và lãi suất tiền gửi duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tìm đến các tài sản đầu tư tài chính như TPDN tăng mạnh. Đồng thời, mặt bằng lãi suất phát hành giảm mạnh hơn lãi suất cho vay tạo động lực giúp các doanh nghiệp tích cực phát hành trái phiếu.
Theo SSI, câu chuyện về “bom nợ" Evergrande đã khiến nhiều nhà đầu tư bắt đầu để ý hơn tới tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi đó, chất lượng tài sản bảo đảm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Theo thống kê của nhóm phân tích, loại trừ các trái phiếu ngân hàng và định chế tài chính khác khi hầu hết phát hành đều không có tài sản đảm bảo, các trái phiếu doanh nghiệp còn lại được phát hành trong 9 tháng năm 2021 có 36,2% được đảm bảo bằng một phần tài sản, bất động sản và một phần là cổ phiếu hoặc cổ phần, 20,4% được bảo đảm bằng bất động sản; 9,5% được đảm bảo bằng tài sản; 6,7% được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu và 17,1% là không có tài sản đảm bảo.
Riêng trong nhóm trái phiếu bất động sản, tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản sẽ hình thành trong tương lai hoặc cổ phần của chính doanh nghiệp phát hành. Nếu tính các trái phiếu bất động sản được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu, con số này là hơn 140.000 tỷ đồng, chiếm 67% tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành trong 9 tháng đầu năm.
Tỷ trọng các doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo cũng tương đối cao, chiếm 15,8% tổng lượng phát hành; trong đó, có một số lớn doanh nghiệp không niêm yết nên khả năng tiếp cận các thông tin tài chính của các doanh nghiệp này bị hạn chế.
SSI đánh giá đây sẽ là rủi ro lớn cho các nhà đầu tư trong trường hợp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản không được đảm bảo nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.
Mặt khác, việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng…
Doanh nghiệp BĐS chưa niêm yết chiếm tỷ lệ phát hành lớn
Trái phiếu bất động sản luôn là tâm điểm chú ý trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp với mức lãi suất phát hành luôn duy trì hấp dẫn nhằm thu hút nhà đầu tư.
Trong quý 3/2021, các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu khi phát hành 85,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu, giảm khoảng 4% so với quý trước và cùng kỳ năm trước.
Lãi suất bình quân các trái phiếu bất động sản trong quý 3/2021 là 10,34%/năm, tăng 2 bps (điểm cơ bản) so với quý 2/2021 trong khi kỳ hạn bình quân là 4,1 năm.
Tính chung 9 tháng 2021, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 201 nghìn tỷ đồng trái phiếu với lãi suất bình quân là 10,36%/năm, thấp hơn 30bps so với bình quân năm 2020 và kỳ hạn bình quân ở mức 3,8 năm.
Đáng chú ý, tỷ lệ các doanh nghiệp bất động sản chưa niêm yết tham gia hoạt động huy động vốn trên thị trường trái phiếu là tương đối cao so với các ngành khác.
Cụ thể, trong 9 tháng năm 2021, tổng giá trị phát hành của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết chỉ khoảng 58 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 27% tổng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành, trong khi tỷ lệ đó là 70% cho các ngành còn lại.
Do vậy, nhà đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn khi muốn tiếp cận các thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt là khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa có cơ quan độc lập đánh giá xếp hạng tín nhiệm trái phiếu.
Ngoài ra, SSI cũng lưu ý, kỳ hạn bình quân của trái phiếu bất động sản trong 2 năm gần đây là khoảng 3,5 - 4 năm, do vậy áp lực trả nợ gốc sẽ tăng dần trong giai đoạn 2023 – 2025…
Theo thông tin từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA),10 tháng đầu năm nay, nhóm doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 163.900 tỷ đồng, chiếm 37,4% giá trị toàn thị trường. Trong đó, đáng chú ý có khoảng 27,56% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 5,2-13%/năm.
Riêng tháng 10/2021, nhóm doanh nghiệp bất động sản đứng đầu về tổng giá trị phát hành với 16.575 tỷ đồng, chiếm 42% tổng giá trị phát hành, trong đó có khoảng 25% trái phiếu phát hành bảo đảm bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm.
Trong đó, đợt phát hành có giá trị lớn nhất đến từ Công ty cổ phần Osaka Garden (4.300 tỷ đồng) với kỳ hạn 2 năm, lãi suất 10,32%/năm cho kỳ đầu tiên và thả nổi ở các kỳ sau. Tiếp đến là Công ty cổ phần Vinhomes phát hành 2.280 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng, với lãi suất cho 4 kỳ đầu là 8,8%/năm, kỳ hạn 3 năm.
VBMA cũng cho biết, trong 10 tháng qua có 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế gồm: Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD), trái phiếu xanh của Công ty cổ phần Bất động sản BIM (200 triệu USD), trái phiếu chuyển đổi của Novaland (300 triệu USD) và Công ty cổ phần VinPearl (425 triệu USD).
Theo Hải Lan - Huy Tùng/PetroTimes
Link nguồn: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tu-bom-no-evergrande-nha-dau-tu-bat-dau-de-y-den-tai-san-dam-bao-cho-trai-phieu-doanh-nghiep-633021.html